Sương sâm là dạng cây thân leo, thường bò hoặc bám vào bờ rào, hay các loại cây khác để phát triển. Chúng có hai loại: Loại lá trơn và lá lông. Thân dài khoảng 3 – 5m, những cây sống lâu năm thì thân dài hơn nữa và có nhiều nhánh. Lá sương sâm chế biến thành một món ngon: thạch sương sâm bổ mát, ai đã thưởng thức một lần khó lòng quên được.

Thạch sương sâm là món tráng miệng dân dã hạ nhiệt trong những ngày tiết trời oi bức
ẢNH: NGÔ MÃ THIÊN
Trước đây người dân ở các vùng quê đi làm rẫy, làm vườn, thường bắt gặp rất nhiều lá sương sâm, trong lúc làm tranh thủ hái mớ lá đem làm món tráng miệng giải nhiệt trong những ngày oi bức. Theo dân gian, sương sâm có nhiều công dụng nên giờ đây nhiều người trồng làm thuốc. Vì vậy, việc tìm kiếm chúng để chế biến món tráng miệng thanh nhiệt rất dễ.
Cách chế biến thạch sương sâm cũng khá tỉ mẫn, nhiều công đoạn. Đầu tiên, khi mang lá sương sâm đem về phải rửa nhiều nước cho sạch bụi bẩn rồi vớt ra rổ để ráo. Lúc chưa có máy xay, mọi người thường đem lá sương sâm giã nhuyễn rồi dùng tấm vải mùng lược lấy nước.
Giờ đây, cho hỗn hợp lá sương sâm xắt nhỏ, để ráo cùng với lượng nước lọc vừa đủ xay cho đến khi phần lá nát nhỏ, cho vào rây lược đi lược lại vài lần sau đó dùng tay gom vụn lá lại và vắt lần cuối để lấy hết phần cốt sương sâm.

Món thạch sương sâm với màu sắc xanh tươi bắt mắt, thanh nhiệt
ẢNH: NGÔ MÃ THIÊN
Tùy vào sở thích mỗi người, có thể cho phần nước lá sương sâm đã lọc vào khay nhỏ hoặc chén nhựa… Sau đó, để phần nước đã lược vào tủ lạnh ở nhiệt độ bình thường chừng 5 tiếng là có ngay món thạch sương sâm yêu thích. Nếu ăn không hết trong ngày, có thể để vào ngăn mát tủ lạnh dùng tới vài ba ngày.
Món ngon thạch sương sâm với màu sắc xanh tươi bắt mắt, thanh nhiệt, khi ăn miếng thạch dai dai, có mùi thơm đặc trưng của lá rừng rất “đã” miệng. Để thêm phần hấp dẫn, ăn kèm theo nước cốt dừa, hạt é, nước đường nấu vài lát gừng hoặc mật ong sẽ giúp món ăn thêm trọn vị.