Mong muốn có chính sách tới khối doanh nghiệp công nghệ tư nhân

Mong muốn có chính sách tới khối doanh nghiệp công nghệ tư nhân

bởi

trong
Mong muốn có chính sách tới khối doanh nghiệp công nghệ tư nhân

Tôi là một người làm công nghệ, hiện là CEO Công ty CP Công nghệ Công nghiệp VConnex – một trong những doanh nghiệp Công nghệ thực sự làm sản phẩm Make in Vietnam, sản phẩm do người Việt Nam làm chủ từ khâu nghiên cứu phát triển, thiết kế tới sản xuất tại Việt Nam.

Tôi thực sự trăn trở và mong muốn đóng góp vào công cuộc phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia. Gần đây tôi nhận thấy rất nhiều tín hiệu tích cực từ Chính phủ trong việc quyết tâm phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là Nghị quyết 57 và đi kèm hàng loạt những cải cách sắp tới. Tuy nhiên, đứng từ góc nhìn là một doanh nghiệp tư nhân, thực sự làm công nghệ ở Việt Nam rất vất vả nếu không tiếp cận được thông tin và nhận được sự hỗ trợ sát sườn từ chính sách, cơ chế của nhà nước.

Những rào cản từ thị trường, cạnh tranh, nguồn lực… tôi xin phép không đề cập vì sẽ luôn có, nhưng thú thực đôi khi cảm thấy chạnh lòng khi trên chính đất nước mình, trong chính bối cảnh đất nước đang hừng hực khí thế Make in Việt Nam doanh nghiệp lại phải cạnh tranh với chính những doanh nghiệp Công nghệ lớn nhưng lại mang sản phẩm OEM nước ngoài về. Do đó rất cần một chiến lược cụ thể và rõ ràng cho việc phát triển công nghệ công nghiệp Quốc gia. Từ chiến lược sẽ triển khai thành các kế hoạch hành động, chính sách, nguồn lực tổng thể… hỗ trợ theo sau đó. Và doanh nghiệp công nghệ thực sự cần để có thể định hướng được sự phát triển của doanh nghiệp đi cùng với chiến lược phát triển của Quốc gia. Có như vậy mới tạo ra được sức mạnh tổng thể giữa doanh nghiệp và nhà nước.

Theo tôi để có thể thành công cần rất nhiều thành phần tham gia, từ các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân… nhưng quan trọng nhất là vai trò định hướng, dẫn dắt và hỗ trợ của nhà nước. Trong đó:

Vai trò chính phủ:

– Định hình rõ chiến lược công nghệ công nghiệp của Việt Nam: Không chỉ là AI hay bán dẫn, mà cần một chiến lược tổng thể hướng đến sản xuất sản phẩm công nghệ có giá trị cao, có thể xuất khẩu.

– Hỗ trợ doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi cung ứng công nghệ: Học theo mô hình của Nhật và Hàn Quốc hay Trung Quốc, chính phủ có thể đặt ra yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa cao hơn trong các dự án đầu tư FDI công nghệ cao, từ đó xây dựng dần công nghiệp phụ trợ và chuỗi cung ứng trong nước.

– Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia về công nghệ: Hỗ trợ các startup công nghệ làm sản phẩm. Cần có các quỹ đầu tư tập trung vào nghiên cứu dài hạn để tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh.

– Ưu đãi thuế, tín dụng cho doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao: Đặc biệt là những doanh nghiệp phát triển sản phẩm có ứng dụng AI, bán dẫn, hoặc có khả năng xuất khẩu.

– Tạo điều kiện, cơ chế để các SME/Startup có năng lực được tham gia vào công cuộc chuyển đổi số của nhà nước. Nguồn lực SME/Startup là nguồn lực tinh gọn, linh hoạt, sáng tạo và có khát vọng lớn. Cần tận dụng được nguồn lực này thay vì chỉ loanh quanh một vài doanh nghiệp có hồ sơ năng lực và bề dày thành tích trong 1 số ngành nhất định. Chỉ cần có cơ chế quản lý tốt, tiêu chí rõ ràng để sàng lọc những doanh nghiệp có năng lực thực sự, tôi tin rằng các doanh nghiệp khởi nghiệp hoàn toàn có khả năng thực hiện. Đó vừa là cách cung cấp nguồn vốn, vừa tận dụng được nguồn lực tinh gọn và sáng tạo, vừa khơi gợi được khát vọng lớn, vừa sàng lọc, nuôi dưỡng được những doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ có năng lực… một công đôi ba việc. Ai lớn mà chẳng từ nhỏ đi lên, nhưng thử nhìn lại xem Việt Nam có bao nhiêu doanh nghiệp lớn đi lên từ công nghệ. Trong lĩnh vực công nghệ, chúng ta cần 1 hệ sinh thái mạnh chứ không phải một vài doanh nghiệp mạnh.

Vai trò của doanh nghiệp lớn:

– Đối với những doanh nghiệp lớn đã xác lập được thị trường trong nước cần thể hiện tính dẫn dắt và tiên phong, phải biến mình thành doanh nghiệp có tính toàn cầu, hướng ra thị trường quốc tế.

– Hỗ trợ chính phủ bằng cách tạo hệ sinh thái hoặc các quỹ đầu tư công nghệ để hỗ trợ cho các SME/Startup cùng phát triển chứ không nên cái gì cũng làm, mang nguồn lực lớn đi cạnh tranh với những SME/Startup ở thị trường trong nước… rồi lại đẽo cày giữa đường.

Vai trò SME/Startup công nghệ:

– Các công ty công nghệ cần tập trung phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao thay vì chỉ làm gia công phần mềm.

– Cần có sự liên kết giữa các doanh nghiệp để hình thành hệ sinh thái công nghệ mạnh, tránh tình trạng mỗi doanh nghiệp làm một mảng rời rạc, không tạo được sức mạnh tổng thể.

Vai trò của hệ thống giáo dục: Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định để Việt Nam có thể phát triển công nghệ công nghiệp bền vững. Phần lớn chương trình đào tạo CNTT tập trung vào lập trình, nhưng lại thiếu kiến thức về phát triển sản phẩm, chiến lược kinh doanh và thương mại hóa công nghệ. Cần đào tạo chuyên sâu về Make Product thay vì chỉ coding.

Tóm lại: Việt Nam muốn phát triển công nghệ công nghiệp cần có một chiến lược bài bản, dài hạn và tập trung vào sản xuất sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng cao thay vì chỉ chạy theo trào lưu AI hay bán dẫn. Trong đó cần ưu tiên tập trung lập chiến lược và đầu tư vào 3 yếu tố cốt lõi để bổ trợ cho chiến lược tổng thể:

  • Phát triển chuỗi cung ứng và công nghiệp phụ trợ.
  • Phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao có định hướng.
  • Tạo cơ chế, chính sách để các tổ chức làm đúng và phát huy đúng vai trò của mình dưới sự định hướng của chính phủ.

Và quan trọng nhất, cần thôi thúc được khát vọng vươn mình của doanh nghiệp và lòng tự tôn dân tộc trong mỗi người dân. Vẫn biết sản phẩm tốt thì tự khắc người tiêu dùng sẽ ủng hộ. Nhưng nếu cứ loay hoay mà không có một chiến lược cụ thể, một định hướng rõ ràng hơn thì lại giống con gà quả trứng, không làm thì lấy gì mà có. Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân, hi vọng nghị quyết 57 chính là bước chân đầu tiên đó.

Còn rất nhiều điều muốn nói nhưng trên đây là những ý chính muốn được chia sẻ. Rất mong trong thời gian tới, Chính phủ sẽ triển khai quyết liệt và cụ thể, đưa những chính sách, sự hỗ trợ sát tới khối doanh nghiệp công nghệ tư nhân hơn nữa. Hi vọng rằng với những đổi mới và quyết tâm lớn từ cấp cao nhất, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nguyễn Đức Quý

Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời:

Bộ Khoa học và Công nghệ trân trọng cảm ơn bạn đã dành thời gian chia sẻ một cách tâm huyết, sâu sắc và đầy trách nhiệm đối với sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của đất nước; Trân trọng tinh thần Make in Vietnam, bản lĩnh mà Vconnex đang theo đuổi – từ nghiên cứu, phát triển đến thiết kế, sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam. Đây là hướng đi bền vững và mang ý nghĩa chiến lược trong việc xây dựng năng lực tự chủ công nghệ quốc gia.

Những trăn trở, đề xuất của bạn xuất phát từ thực tiễn điều hành doanh nghiệp, thể hiện tầm nhìn dài hạn và tinh thần tiên phong của một doanh nghiệp công nghệ đang nỗ lực khẳng định vị thế trong hệ sinh thái công nghệ nội địa. Các ý kiến rất thiết thực – từ việc cần có một chiến lược phát triển rõ ràng, đến đề xuất cụ thể cho AI, bán dẫn, phát triển nguồn nhân lực, cơ chế hỗ trợ startup… sẽ là cơ sở quan trọng đóng góp vào chính sách phát triển ngày càng thực chất, sát với nhu cầu của thị trường và cộng đồng doanh nghiệp; đặc biệt không phân biệt doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ.

Đây cũng là những nội dung chính sách, chương trình, đề án được Bộ đang khẩn trương triển khai theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW (như ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số; Xây dựng Chương trình quốc gia phát triển công nghiệp chiến lược; Triển khai Chiến lược công nghiệp bán dẫn Việt Nam; Xây dựng Đề án hỗ trợ, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số vươn ra toàn cầu; Thực hiện công bố danh mục các bài toán lớn về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của đất nước để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tham gia giải quyết…).

Bộ Khoa học và Công nghệ giao Cục Công nghiệp công nghệ thông tin có trách nhiệm đầu mối thực hiện đúng yêu cầu các nhiệm vụ trên và đồng hành cùng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đóng góp vào con đường phát triển lĩnh vực công nghiệp công nghệ số.

Chúc bạn và doanh nghiệp phát triển, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của đất nước.

Bộ Khoa học và Công nghệ

Chia sẻ khác