Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm Mỹ

Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm Mỹ

bởi

trong

Thâm hụt tài khóa và tiền trả lãi của chính phủ liên tục tăng, khiến Moody’s đánh tụt Mỹ khỏi mức xếp hạng tín dụng cao nhất.

Ngày 16/5, hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s thông báo hạ một bậc xếp hạng của Mỹ, từ mức cao nhất là Aaa xuống Aa1. Trước đó, năm 2023, họ đã điều chỉnh triển vọng tín nhiệm của Mỹ từ “ổn định” sang “tiêu cực”, do thâm hụt tài khóa và tiền trả lãi tăng. Nợ công của Mỹ hiện là 36.000 tỷ USD.

“Các đời chính phủ và Quốc hội của Mỹ đã không thể thống nhất về những chính sách nhằm đảo ngược xu hướng tăng thâm hụt tài khóa và tiền trả lãi”, Moody’s giải thích.

Stephen Moore, cựu cố vấn kinh tế cấp cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump, gọi động thái này là “vô lý”. “Nếu trái phiếu chính phủ Mỹ còn không được xếp hạng cao nhất, cái gì mới đạt tiêu chuẩn?”, ông cho biết trên Reutes.





Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị bước lên chuyên cơ Không lực Một ở bang Maryland ngày 12/5. Ảnh: AFP

Từ khi quay lại Nhà Trắng, ông Trump tuyên bố sẽ tái cân bằng ngân sách. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cũng thường xuyên khẳng định mục tiêu của họ là giảm chi phí đi vay cho Mỹ.

Tuy nhiên, các nỗ lực tăng thu ngân sách và giảm chi tiêu công của họ đến nay chưa thuyết phục được nhà đầu tư. Hoạt động của Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk dẫn dắt đang không đạt mục tiêu ban đầu. Các biện pháp tăng thu từ thuế nhập khẩu thì làm dấy lên lo ngại về cuộc chiến thương mại và suy giảm kinh tế toàn cầu, khiến các thị trường biến động mạnh.

Nếu không được kiểm soát, những lo ngại này có thể dẫn đến làn sóng bán tháo trái phiếu và cản trở khả năng triển khai chương trình nghị sự của chính quyền Trump. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng sau thông tin từ Moody’s.

“Việc này rất bất ngờ. Thị trường hoàn toàn không lường trước được”, Tom Di Galoma – Giám đốc lãi suất và giao dịch tại Mischler Financial nhận định. Thị trường chứng khoán Mỹ chưa chịu tác động, do đã đóng cửa trước đó.

Ông Trump đang thúc đẩy Quốc hội gia hạn chính sách cắt giảm thuế năm 2017. Đây được coi là dấu ấn lập pháp lớn nhất trong nhiệm kỳ đầu của ông. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo việc gia hạn có thể khiến nợ công tăng thêm hàng nghìn tỷ USD.

Moody’s cho biết các đề xuất đang được Quốc hội Mỹ cân nhắc sẽ không giúp giảm thâm hụt trong dài hạn. Công ty này ước tính khối nợ liên bang sẽ tương đương 134% GDP năm 2035, tăng so với 98% năm ngoái.

Trước đó, cả Fitch và Standard & Poor’s – hai hãng xếp hạng tín nhiệm lớn khác trên thế giới – đã hạ bậc tín dụng Mỹ. Fitch làm điều này , do những cuộc đàm phán trần nợ kéo dài đến phút chót làm dấy lên lo ngại về khả năng thanh toán của chính phủ. Standard & Poor’s thì gỡ mức xếp hạng cao nhất của Mỹ từ năm 2011, sau cuộc khủng hoảng trần nợ công năm đó.

Hà Thu (theo Reuters)