Một thành phố nước ngoài tăng cường tuyển sinh, trao học bổng người Việt, vì sao?

Một thành phố nước ngoài tăng cường tuyển sinh, trao học bổng người Việt, vì sao?

bởi

trong
Một thành phố nước ngoài tăng cường tuyển sinh, trao học bổng người Việt, vì sao?

Phụ huynh, học sinh nghe đại diện trường New Zealand tư vấn cơ hội du học

ẢNH: NGỌC LONG

Tăng số lượng học bổng độc quyền

Hiệp hội Giáo dục TP.Christchurch (CE) hôm 17.5 phối hợp với Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) và Công ty du học Au Hannah mở lớp học mô phỏng ở TP.HCM. Tham gia sự kiện là hơn 20 nhà cung cấp giáo dục tại TP.Christchurch, New Zealand cùng bà Stefi Porter, Giám đốc quan hệ đối tác CE kiêm Giám đốc khu vực về giáo dục quốc tế ở ChristchurchNZ (cơ quan phát triển kinh tế bền vững của TP.Christchurch).

Đây cũng là lần thứ hai sự kiện tương tự được tổ chức tại Việt Nam.

Trao đổi với Thanh Niên, bà Porter thông tin trong bối cảnh một số điểm đến du học cắt giảm số lượng du học sinh thì New Zealand nói chung và TP.Christchurch nói riêng vẫn luôn chào đón du học sinh từ Việt Nam – một trong các thị trường đầu tư trọng điểm của nền giáo dục New Zealand. Việc hai nước nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện hồi tháng 2 cũng góp phần làm sâu sắc thêm tinh thần này, bà Porter nói.

Một điểm đáng chú ý của thành phố này, theo nữ giám đốc, là ngoài cư trú tại ký túc xá, người học cũng có thể đến sống cùng người bản địa ở các trang trại và trải nghiệm cuộc sống của một nông dân sau giờ trên lớp. “Chúng tôi tin việc học không chỉ gói gọn trong sách vở hay những giờ học nghiêm túc, mà còn đến từ việc các bạn được làm điều mình yêu thích”, bà Porter nhận định.

Một thành phố nước ngoài tăng cường tuyển sinh, trao học bổng người Việt, vì sao?- Ảnh 2.

Bà Stefi Porter, Giám đốc quan hệ đối tác Hiệp hội Giáo dục TP.Christchurch kiêm Giám đốc khu vực về giáo dục quốc tế ở ChristchurchNZ

ẢNH: NGỌC LONG

“Ngoài ra, tất cả các trường New Zealand phải tuân thủ Bộ quy chế bảo trợ và chăm sóc sinh viên quốc tế do chính phủ New Zealand thiết lập, và các công ty du học ký kết với trường cũng có trách nhiệm đảm bảo sự an toàn lẫn an khang (well-being) cho các em”, bà Porter nói. “Khi có học sinh không phù hợp với trường đang học, chúng tôi cũng làm việc cùng nhau để giới thiệu em ấy đến trường khác phù hợp hơn”.

Bên cạnh đó chính phủ và các trường New Zealand cũng đang tăng cường số lượng học bổng cho Việt Nam. Đơn cử, 2025 là năm đầu chính phủ New Zealand triển khai chương trình học bổng bậc ĐH chỉ dành riêng cho người Việt với sự tham gia của cả 8 ĐH New Zealand. Cũng từ năm nay, ĐH Otago lần đầu ra mắt chương trình học bổng cử nhân áp dụng riêng cho Việt Nam với tổng giá trị lên đến 195.000 NZD (gần 3 tỉ đồng).

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi triển khai gói học bổng độc quyền cho học sinh Việt Nam. Cho đến thời điểm hiện tại, đây là gói học bổng bậc cử nhân có giá trị lớn từ một trường ĐH New Zealand. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của trường trong việc thu hút và hỗ trợ người học Việt Nam có thành tích xuất sắc”, bà Tâm Lê, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của ĐH Otago, chia sẻ.

Bà Tâm cho biết thêm, trong học kỳ 1 năm 2025, có 5 học sinh Việt Nam xuất sắc giành học bổng trị giá 50.000 NZD (764 triệu đồng) từ ĐH Otago.

Một thành phố nước ngoài tăng cường tuyển sinh, trao học bổng người Việt, vì sao?- Ảnh 3.

Hoạt động trình diễn trang phục học đường của các trường trung học New Zealand

ẢNH: ALLAN ANH MAI

Đơn giản hóa quá trình tuyển sinh

Bà Annie Goh, Giám đốc tuyển sinh quốc tế ĐH Lincoln, thì nhấn mạnh trong bối cảnh chính sách một số nước thay đổi, chính phủ New Zealand vẫn cam kết ưu tiên chào đón du học sinh. “Trong thời gian dài, chúng tôi không có thay đổi lớn nào trong chính sách giáo dục quốc tế. Chúng tôi rất cần những nhân tài trẻ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Cam kết của chính phủ với giáo dục quốc tế luôn giữ vững”, bà nói.

“Dân số New Zealand chỉ khoảng 5 triệu nên chúng tôi phụ thuộc vào các mối quan hệ quốc tế để thúc đẩy thương mại và quảng bá hình ảnh đất nước. Vì vậy, việc kết nối với sinh viên quốc tế là rất quan trọng khi giúp chúng tôi lan tỏa câu chuyện về New Zealand ra thế giới”, bà Goh lý giải. “Trong tương lai, có thể sẽ có một số điều chỉnh để rút ngắn thời gian xét duyệt visa du học từ phía chính phủ”.

Nữ giám đốc nói thêm, đội ngũ của bà đang nỗ lực đơn giản hóa quy trình nộp hồ sơ để quá trình xét tuyển nhanh và dễ tiếp cận hơn. New Zealand không yêu cầu điểm thi SAT hay GMAT khi học cử nhân, thạc sĩ, và riêng ĐH Lincoln đang có các chương trình học bổng giá trị từ 7.000-15.000 NZD (107-229 triệu đồng) cho du học sinh bậc cử nhân và thạc sĩ ứng dụng, theo bà Goh.

Một thành phố nước ngoài tăng cường tuyển sinh, trao học bổng người Việt, vì sao?- Ảnh 4.

Bà Annie Goh (bìa phải), Giám đốc tuyển sinh quốc tế ĐH Lincoln, tham gia lớp học mô phỏng với học sinh

ẢNH: NGỌC LONG

Ngoài trường ĐH, du học sinh có thể theo học ở các trường thuộc Học viện Kỹ thuật và công nghệ New Zealand, chẳng hạn như Học viện Canterbury. Ông Andy Ge, Giám đốc thị trường quốc tế của trường này, cho biết cả hai loại trường đều là công lập. Khác với các ĐH tập trung vào nghiên cứu học thuật, học viện chủ yếu đào tạo chương trình nghề và chương trình cử nhân, thạc sĩ theo hướng ứng dụng.

“Cách tổ chức, hoạt động của chúng tôi giống như ĐH ứng dụng (applied university) ở Việt Nam dù chẳng có chữ ‘đại học’ trong tên”, ông Ge chia sẻ. “Tuy nhiên, quy mô các lớp trong học viện thường nhỏ hơn, phần lớn chỉ có khoảng 20-25 sinh viên và tối đa là 30 bạn”, ông nói thêm.

Một khác biệt giữa hệ thống học viện so với ĐH là mức học phí “phải chăng” hơn. “Một số trường ĐH có thể tăng học phí lên rồi sau đó giảm bớt bằng học bổng song chúng tôi không làm vậy. Trường giữ mức học phí hợp lý ngay từ đầu nên không cần bù vào bằng các gói học bổng quá giá trị”, ông Ge nói. “Tuy nhiên, sau khi nhập học, sinh viên quốc tế vẫn có thể nộp đơn xin học bổng nếu có kết quả học tập tốt”.

Bên cạnh bậc giáo dục ĐH thu hút đông người Việt nhất, một lĩnh vực giáo dục khác ở New Zealand có số lượng người Việt theo học đông thứ hai là bậc trung học.

Theo thống kê từ ENZ, số lượng người Việt theo học các trường trung học New Zealand có xu hướng tăng. Điều này tới từ hai yếu tố: Học phí được cho là thấp hơn một số nước như Mỹ và Singapore, dao động từ 35.000-40.000 NZD/năm (535-611 triệu đồng); cùng nền giáo dục định hướng học sinh tự nghiên cứu, phát triển, vốn là điều chỉ thường thấy ở bậc ĐH, theo phân tích từ bà Colleen Steyn, Hiệu trưởng Middleton Grange School.

Một điểm nhấn khác là các trường trung học ở New Zealand tôn trọng đa dạng văn hóa. “Chúng tôi khuyến khích học sinh giữ tên thật, trừ khi các em muốn dùng tên tiếng Anh. Mỗi năm, chúng tôi tổ chức hai ngày lễ ngôn ngữ và các em có thể phát biểu bằng tiếng mẹ đẻ trên đài phát thanh của trường. Chúng tôi còn có lễ hội ẩm thực, văn hóa, nơi các em mặc trang phục truyền thống và giới thiệu món ăn truyền thống của nước mình”, bà chia sẻ.

Christchurch là thành phố lớn thứ hai của New Zealand hiện thu hút hơn 7.500 sinh viên quốc tế theo học, trong đó có 130 sinh viên từ Việt Nam. Thành phố này đứng thứ 79 ở bảng xếp hạng những thành phố tốt nhất dành cho người học năm 2025 của tổ chức QS, và 3 trường ĐH tọa lạc tại địa phương này đều nằm trong top 2% ĐH tốt nhất thế giới. Trong khi đó, Việt Nam hiện có 1.736 người du học New Zealand, theo ENZ.