
Hóa ra cái điều khiển bán 200 nghìn ở cửa hàng đã bao gồm ‘hậu mãi về sau’.
Tôi vốn là người đơn giản, thấy gì dùng được là thôi, không thích mất công so đo. Mua hàng, ăn uống hay cắt tóc cũng vậy, quen tiệm nào là trung thành tiệm đó. Nhưng vợ tôi thì khác, hay nói tôi dễ bị “chặt đẹp”, không chịu dò giá trước.
Một hôm, cái điều khiển tivi ở nhà bị đứa cháu nghịch làm bể. Tôi tính tiện đường ghé lại tiệm điện máy nơi đã mua cái tivi này để mua cái mới. Nhân viên báo giá 200 nghìn, tôi nghe thấy cũng xốn xang.
Vợ tôi lập tức lôi điện thoại ra tra trên sàn thương mại điện tử, thấy có loại y chang chỉ 45 nghìn. Tôi nghĩ bụng: “Giá chênh cả trăm rưỡi, vậy tội gì không đặt online?”.
Ba hôm sau hàng giao tới, tôi hí hửng gắn pin vào, thử bấm, nhưng tivi chẳng phản ứng gì. Loay hoay cả buổi vẫn không được. Tối đó, tôi phải gọi thợ qua nhà xem giúp. Thợ kiểm tra xong nói điều khiển này không tương thích, phải cài lại thiết lập tivi. Mất thêm 150 nghìn tiền công.
Tính ra, cái điều khiển 45 nghìn này làm tôi tốn tổng cộng gần 200 nghìn. Tôi chia sẻ câu chuyện này với một ông bạn, thì được phân tích cái giá 200 nghìn ban đầu ở tiệm điện máy thật ra là trọn gói, đúng mã, đúng loại, bảo hành, khỏi lăn tăn tương thích hay không.
Chuyện nhỏ vậy thôi, nhưng khiến tôi suy nghĩ nhiều về cách tiêu dùng thời nay. Người ta hay nói mua rẻ là khôn ngoan. Nhưng rẻ chưa chắc đã lời, nếu tính cả thời gian, công sức, rủi ro. Nhất là với đồ công nghệ.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi thứ có thể mua được chỉ bằng vài cú nhấn điện thoại. Nhưng cùng lúc đó, cũng có hàng nghìn rủi ro nhỏ đi kèm mà nhiều người không để ý.
Không phải ai cũng rành công nghệ hay rành cách kiểm tra thông số. Bỏ thì tiếc, đổi trả hàng thì mắc công, tận dụng đồ đã mua thì phải gọi thợ tới lui, thì đôi khi cái rẻ ấy thành đắt.
Trung Anh