Mùa thi là mùa rối của cả gia đình

Mùa thi là mùa rối của cả gia đình

bởi

trong
Mùa thi là mùa rối của cả gia đình

Ảnh minh họa

Những ngày này không khí khẩn trương ôn luyện chuẩn bị cho đợt kiểm tra cuối năm học đang nhen lên một “lò lửa” trong nhiều gia đình.

Lịch học tăng cường, thời khóa biểu kín mít, phụ huynh bận rộn đưa đón con cái rời trung tâm dạy thêm này sang địa chỉ dạy kèm nọ. Món ngon bổ dưỡng được bố mẹ chăm chút, lời nhắc nhở ôn tập vang lên liên tục. 

Cả nhà đi nhẹ nói khẽ mỗi khi con trẻ ngồi vào bàn học. Nhiều người ví von mùa thi là mùa rối của nhiều gia đình. Và nguyên nhân gây rối nhất được chỉ mặt đặt tên: đề cương ôn tập.

Con gái tôi học lớp 7 tại một ngôi trường có tiếng ở địa phương. 

Nhìn cách cháu soạn đề cương, học đề cương mỗi mùa thi mới thật sự ngán ngại. Bao nhiêu môn học là bấy nhiêu đề cương đi kèm. 

Toán, tin, ngoại ngữ phải nắm công thức, từ vựng. Khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý gộp kiến thức nhiều phân môn nên càng nhân lên áp lực. Công nghệ, giáo dục công dân càng dồn dập đề mục cần soạn, kiến thức cần ôn.

Chúng ta nói nhiều về đổi mới giáo dục, đổi mới kiểm tra thi cử. Giáo dục hiện đại hướng đến kiến tạo môi trường học tập thân thiện, cởi mở; vun bồi khát vọng chiếm lĩnh tri thức, mài giũa năng lực. 

Nhưng thực tế chuyện học văn mẫu, dò đề cương vẫn hiển hiện trong mỗi mùa thi.

Một thời gian rất dài dư luận phản ứng vì chương trình cũ dồn ép kiến thức hàn lâm, kiểm tra thi cử theo lối dò bài học thuộc lòng. 

Nay áp dụng chương trình mới cùng với đổi mới kiểm tra đánh giá, thế mà học sinh vẫn phải học thuộc lòng những tờ đề cương dài đến mấy trang giấy A4 thì quả thật đáng lo.

Cha mẹ bỗng dưng thành cỗ máy học cùng con, hết hối thúc trẻ học lại quay sang dò đề cương năm lần bảy lượt. 

Càng đồng hành với việc học của con cái, chúng ta càng nhận ra bọn trẻ quanh mình vẫn đang đi vào lối mòn xưa cũ khi ôn tập: học thuộc lòng đề cương rồi nhờ phụ huynh dò từng câu, đếm từng ý. 

“Gạo” bài môn này xong lại dẹp sang một bên để nhồi nhét kiến thức môn khác vào đầu cho kịp buổi thi tiếp theo.

Đáng lo hơn nữa là công nghệ văn mẫu vẫn đang khiến bao người đau đầu với sự học và thi của trẻ!

Hãy nhìn cách học sinh tiểu học khởi động cho bài thi cuối kỳ và cuối năm. 

Trước thời điểm đó giáo viên đã bắt đầu giới hạn đề văn để các con ôn luyện. Mỗi dạng bài đều khoanh vùng từ 3-5 đề. 

Bọn trẻ sẽ viết đi viết lại nhiều lần những bài văn này theo đúng ý giáo viên yêu cầu. Sau vài lần chỉnh sửa, công đoạn cuối cùng là học thuộc lòng để thi cử đạt điểm tuyệt đối.

Kiểm tra văn tả cảnh cứ ôn ba đề: tả trường em, tả cảnh đẹp quê hương, tả con đường đến trường. 

Kiểm tra văn tả người cứ ôn ba dạng: tả người thân, tả thầy cô, tả người bạn… 

Bức tranh bi hài bao năm qua về thực trạng dạy học văn cứ âm thầm nối tiếp qua nhiều thế hệ. 

Trẻ đã quen cách học văn, làm văn ở tiểu học nên chuyển cấp đi theo lối mòn xưa cũ: chép văn mẫu, học thuộc lòng văn mẫu.

Ngữ văn là bộ môn đòi hỏi cao về năng lực cảm thụ, tư duy sáng tạo và kỹ năng tạo lập văn bản. Thế mà mùa thi về, nhiều em học sinh cấp 2 cấp 3 vẫn còn phải học thuộc lòng văn mẫu.

Phải chăng bức tranh dạy học phát triển năng lực người học, đổi mới kiểm tra đánh giá chống học vẹt, học tủ vẫn còn khá xa vời?