Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) đặt mục tiêu phổ cập chữ ký số đến 70% dân số trưởng thành vào năm 2030.
Thông tin được bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm, đề cập tại Đại hội Chi bộ lần thứ III, nhiệm kỳ 2025-2030.
Theo bà Hương, lĩnh vực chứng thực điện tử là thành tố quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Chứng thực điện tử là quá trình xác thực danh tính và thông tin liên quan đến chủ thể sử dụng chữ ký số. Trong khi đó, chữ ký số là phương thức xác thực danh tính và nội dung văn bản trong môi trường số, có giá trị pháp lý tương đương chữ ký tay. Công cụ này đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như khai thuế, ký hợp đồng và giao dịch trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian và tăng tính minh bạch.

Bà Tô Thị Thu Hương, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia. Ảnh: Thảo Anh
Hiện Việt Nam đã cấp hơn 18 triệu chứng thư chữ ký số, chiếm 28,42% dân số trưởng thành. Số lượng chữ ký số tăng mạnh trong 6 tháng qua, bằng tổng lượng cấp phát của nhiều năm trước cộng lại.
Trung tâm xác định mục tiêu nhiệm kỳ 2025-2030 là phổ cập chữ ký số đến 70% dân số trưởng thành vào năm 2030, đồng thời duy trì hệ thống chứng thực quốc gia an toàn, ổn định, đạt chuẩn quốc tế.
Đây là một trong những công việc về phát triển hạ tầng số mà Trung tâm triển khai. Nhiệm kỳ qua, NEAC còn tham mưu, xây dựng và trình ban hành nhiều văn bản pháp luật then chốt như Luật Giao dịch điện tử 2023, cùng các nghị định và thông tư hướng dẫn triển khai.
Trung tâm cũng đề xuất và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Chi ủy Chi bộ Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia nhiệm kỳ 2025-2030. Ảnh: Thảo Anh
NEAC hiện duy trì hệ thống RootCA quốc gia theo tiêu chuẩn kiểm toán quốc tế, hoàn thành tích hợp Cổng kết nối dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng eSign với toàn bộ 63 hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, 18 hệ thống cấp bộ và Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Về hợp tác quốc tế, Trung tâm thiết lập quan hệ với nhiều tổ chức uy tín toàn cầu trong lĩnh vực xác thực điện tử. Từ tháng 10/2023, NEAC chính thức gia nhập Hiệp hội Hạ tầng khóa công khai châu Á (APKIC). Năm 2024, Việt Nam lần đầu đăng cai tổ chức thành công Hội nghị thường niên và Diễn đàn PKI châu Á.
Trong giai đoạn tới, NEAC định hướng mở rộng hợp tác quốc tế trên cả bình diện song phương và đa phương; nghiên cứu khả năng tham gia các chương trình gốc chứng thực của Microsoft, Adobe, Apple, Mozilla, nhằm đưa chứng thư số của Việt Nam được công nhận toàn cầu.
Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2025–2030 của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia đã bầu ra Chi ủy gồm ba thành viên. Bà Tô Thị Thu Hương giữ chức Bí thư Chi bộ. Chi ủy mới đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển hạ tầng số quốc gia theo hướng bền vững, hiệu quả.
Trọng Đạt
- ‘Khối chuyển đổi số luôn phải có tư duy ở tầm quốc gia’
- 28% người Việt trưởng thành có chữ ký số
- Thách thức bảo mật trong thời đại máy tính lượng tử
Góp ý kiến tạo
Bạn có thể đặt mọi câu hỏi, vấn đề về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số trực tiếp cho Bộ Khoa học và Công nghệ