
Hình ảnh những túi cát kè mềm được thả trên biển để chắn sóng (mà người viết ví von như những con quái vật) được các chủ đầu tư resort coi như “phao cứu sinh” của họ trong bảo vệ tài sản và giữ đất.
Tuy nhiên, theo các giáo sư chuyên về biển, đảo thì nó lại không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật; đã không giữ được bờ, lại còn gây trở ngại cho du khách khi tắm biển và đặc biệt là làm mất mỹ quan. Hay nói như chuyên gia biển đảo,
PGS-TS Vũ Thanh Ca, việc làm kè kiểu này còn đẩy xói lở sang khu vực liền kề, càng gây sạt lở nhiều thêm.
Cách làm theo kiểu “không đầu không đuôi” như nói trên dẫn đến hiệu quả không những không cao, mà còn để lại cả một đoạn dài bờ biển nhếch nhác.
Mũi Né là khu du lịch quốc gia của tỉnh Bình Thuận (cũ), nay là tỉnh Lâm Đồng, với chức năng như một cửa ngõ lớn, dẫn dắt bằng sự kết nối du lịch Tây nguyên với Duyên hải Nam Trung bộ để vươn ra thế giới.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, các cơ quan chức năng của Lâm Đồng cần lưu ý các doanh nghiệp về những giải pháp phù hợp, đảm bảo sao cho giữ được bãi, bờ, nhưng không được làm xấu đi hình ảnh “biển xanh, cát trắng, nắng vàng” vốn là thương hiệu nổi tiếng của vùng biển này.
Với nguyên tắc đó, cần có quy hoạch đồng bộ toàn vùng biển và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được tiếp cận với biển một cách thuận tiện nhất.
Đồng thời, phải giám sát nghiêm hành vi tự phát làm kè, xử lý nghiêm các doanh nghiệp làm ăn kiểu cẩu thả, bỏ cả đá hộc xuống biển, chỉ cốt giữ đất cho mình, mà không nghĩ đến người làm du lịch bên cạnh, dẫn đến phá nát bờ biển.
Chỉ khi đó, bãi biển Mũi Né mới sạch đẹp, thông thoáng, thuận lợi và là nơi khách tìm đến trải nghiệm sự thư giãn mà thiên nhiên ban tặng.