Tiến sĩ Lê Xuân Trường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, khuyên: ”Các em yêu thích ngành nào, với số điểm dự đoán có khả năng đậu một trường nào đó thì các em cũng nên đăng ký xét tuyển một vài nguyện vọng cao hơn, khó hơn, yêu thích hơn đặt ưu tiên. Nên đăng ký khoảng 10 nguyện vọng, trong đó 3 nguyện vọng cao hơn, khó hơn so với mức điểm của mình; 3 nguyện vọng trong tầm điểm và vài nguyện vọng ở tầm thấp hơn. Thí sinh không nên đợi ngày cuối cùng mới đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng vì dễ có rủi ro khách quan”.

Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhắn nhủ: ”Trong giai đoạn hiện nay, các em cần sắp xếp nguyện vọng 1 là ngành, trường mà các em mơ ước nhất, tiếp theo là ngành khả thi và cuối cùng là các ngành chắc chắn trúng tuyển. Nhiều em muốn thay đổi thứ tự nguyện vọng, cần cân nhắc sắp xếp đúng thứ tự. Tìm hiểu kỹ chương trình đào tạo, chi phí học tập…”.
Muốn tăng cơ hội trúng tuyển, chiến lược đăng ký xét tuyển ra sao?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing, chia sẻ: ”Các em đăng ký rồi đừng nên bị dao động, điều chỉnh không đúng sẽ nguy hiểm. Các em xem lại một lần nữa thông tin các ngành tại các trường đã đăng ký, chỉ thay đổi khi thấy bất hợp lý và nhớ đưa ngành, trường mình mong muốn nhất lên những nguyện vọng trên”.
Thạc sĩ Chung Thanh Phong, Trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM, cho thí sinh lời khuyên: ”Các em nên hoàn thành việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trước một ngày, đừng để đến ngày 28.7 mới thực hiện. Trong thời gian này cũng nên tìm hiểu về chương trình đào tạo, môi trường học tập về ngành, trường mình mong muốn để có thông tin và sự chuẩn bị tốt nhất”.