
Nhân viên phục vụ làm việc tại một cửa hàng bán cà phê ở TP.HCM – Ảnh: H.P.
Tỉ suất sinh giảm không chỉ diễn ra ở Việt Nam
Tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11-7, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn như mức sinh thấp nhất lịch sử, mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng trầm trọng và quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh chóng.
Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước. Tỉ suất sinh giảm là một trong ba yếu tố quan trọng (cùng với tuổi thọ tăng và di cư) dẫn đến già hóa dân số. Đây không chỉ là vấn đề nhân khẩu học, mà còn là bài toán tác động đến sự ổn định về xã hội – kinh tế của một quốc gia.
Vấn đề về tỉ suất sinh giảm không chỉ diễn ra ở Việt Nam. Theo Liên hợp quốc, trung bình tỉ suất sinh trên toàn cầu đã giảm hơn một nửa so với những năm thập niên 1960 và hiện nằm dưới “mức thay thế” (2,1 con/phụ nữ) ở phần lớn các quốc gia.
Báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho thấy gần 20% người trưởng thành trong độ tuổi sinh sản tại 14 quốc gia được khảo sát cho rằng họ sẽ không thể có số con như mong muốn.
Nguyên nhân không phải do vấn đề sinh lý mà là những trở ngại bên ngoài như sự hạn chế về tài chính, y tế và lo lắng về biến động trên thế giới.
Chuẩn bị cho xã hội già hóa ở Việt Nam
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, GS.TS Giang Thanh Long – giảng viên cao cấp tại Đại học Kinh tế quốc dân, người có nhiều nghiên cứu về dân số và an sinh xã hội – cho rằng vấn đề đầu tiên khi nói đến già hóa dân số là phân biệt rõ giữa người cao tuổi hiện tại và người cao tuổi tương lai, bởi mỗi nhóm có đặc điểm khác nhau và cần cách tiếp cận riêng.
Theo đó, người cao tuổi hiện tại (từ 80 tuổi trở lên) là thế hệ từng trải qua chiến tranh, sống trong điều kiện thiếu thốn và không có điều kiện đóng góp vào các chương trình bảo hiểm hưu trí như ngày nay.
Vì vậy, việc họ nhận trợ cấp xã hội là chính đáng và Nhà nước cùng xã hội cần có trách nhiệm chăm lo chu đáo, đảm bảo an sinh thu nhập và bảo vệ sức khỏe cho nhóm người cao tuổi này.
Trong khi đó, thế hệ trẻ đang ở độ tuổi 30-40, lại có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để chuẩn bị khi họ trở thành người cao tuổi tương lai. Họ có việc làm, thu nhập, có cơ hội tham gia vào bảo hiểm xã hội, tiết kiệm, chăm sóc sức khỏe…

Một người cao tuổi sống tại Hà Nội đang tập thể dục – Ảnh: NGUYÊN BẢO
Theo khảo sát của GS Long và nhóm nghiên cứu thực hiện năm 2019, nhiều người ở tuổi 30 cho rằng “chuyện tuổi già còn xa”, trong khi những người ở độ tuổi 40-44 bắt đầu thấy lo lắng về thu nhập, sức khỏe, tiết kiệm…
Để bước vào nhóm người cao tuổi một cách chủ động và vững vàng, họ cần được bảo đảm về việc làm, thu nhập ổn định, tham gia bảo hiểm xã hội và y tế, đến việc hình thành thói quen tiết kiệm và duy trì sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.
“Nếu không có công cụ, chính sách và truyền thông phù hợp thì rất khó để người trẻ chủ động chuẩn bị cho cuộc sống về già. Nghĩa là, cần ‘đánh thức’ thế hệ trẻ ngay từ bây giờ để họ ý thức được phải làm gì trước khi trở thành người cao tuổi”, GS Long chia sẻ.
Điều này càng trở nên quan trọng khi dự báo đến năm 2045, Việt Nam sẽ có khoảng 26,4 triệu người cao tuổi (những người từ 60 tuổi trở lên). Cùng lúc đó, quy mô lực lượng lao động có xu hướng giảm.
Nếu không có bước chuyển đổi nâng cao chất lượng lao động, tăng năng suất ngay từ bây giờ, Việt Nam có thể khó đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao.
Theo tính toán của GS Dwight Perkins (ĐH Harvard) và TS Vũ Thành Tự Anh, giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, trong giai đoạn 2019 – 2030, để GDP của Việt Nam tăng 5%, TFP cần tăng trung bình 2,4% mỗi năm. Trong trường hợp để GDP tăng trưởng 7%, đòi hỏi TFP tăng 4% và cũng là mức cao so với hiện tại.
Trước mục tiêu tăng trưởng kinh tế, TS Tự Anh phân tích rằng khoảng 20 năm trước, lực lượng lao động của Việt Nam tăng trung bình 2% mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nay con số này chỉ còn khoảng 0,5% và dự kiến sẽ tiếp tục giảm do dân số già hóa.
Để bù đắp cho sự suy giảm lực lượng lao động, Việt Nam buộc phải nâng cao TFP và điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.