Mỹ chỉ trích Đức vì coi đảng cực hữu AfD là nhóm cực đoan

Mỹ chỉ trích Đức vì coi đảng cực hữu AfD là nhóm cực đoan

bởi

trong

Phó tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích Đức, cáo buộc nước này dựng “bức tường Berlin” vì coi đảng cực hữu AfD là nhóm cực đoan.

Cơ quan tình báo BfV của Đức hôm 2/5 xác định đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) là nhóm cực đoan do nỗ lực “phá hoại trật tự tự do, dân chủ” ở Đức. Điều này đồng nghĩa chính phủ Đức sẽ có nhiều quyền hạn hơn để giám sát AfD, như chặn thu liên lạc và triển khai đặc vụ giám sát.

AfD, đảng chủ trương bài xích nhập cư, cho rằng quyết định này của chính phủ Đức “mang động cơ chính trị” và là “đòn giáng nặng nề” vào nền dân chủ, vài tháng sau khi họ về nhì trong cuộc bầu cử toàn quốc. Đảng này tuyên bố sẽ có hành động pháp lý chống lại quyết định trên.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhanh chóng lên tiếng chỉ trích động thái này, khi Phó tổng thống JD Vance cáo buộc giới cầm quyền Đức dựng lại “Bức tường Berlin”, đồng thời cho rằng AfD là “đảng được lòng dân nhất ở Đức”.

Vance, người ủng hộ quan điểm chống nhập cư của AfD, từng gặp Alice Weidel, ứng viên thủ tướng đảng này trước thềm cuộc tổng tuyển cử ở Đức. Ông cũng kêu gọi các đảng chống nhập cư ở châu Âu đóng vai trò lớn hơn trong nền chính trị châu lục.





Mỹ chỉ trích Đức vì coi đảng cực hữu AfD là nhóm cực đoan

Phó tổng thống Mỹ JD Vance tại thành phố Huger, bang Nam Carolina ngày 1/5. Ảnh: AFP

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cáo buộc chính phủ Đức là “chế độ chuyên chế trá hình” và cho rằng “Đức nên đảo ngược quyết định”.

Đáp trả cáo buộc của Ngoại trưởng Mỹ, Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố “đây là nền dân chủ”.

“Quyết định này là kết quả từ cuộc điều tra độc lập và toàn diện nhằm bảo vệ hiến pháp của chúng tôi. Chúng tôi đã rút ra bài học từ lịch sử rằng cần phải ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan cánh hữu”, Bộ Ngoại giao Đức cho hay, thêm rằng AfD có thể kháng nghị.

Việc coi AfD là nhóm cực đoan làm dấy lên những lời kêu gọi cấm đảng này hoạt động tại Đức, trước khi chính trị gia kỳ cựu Friedrich Merz, lãnh đạo liên minh bảo thủ trung hữu CDU/CSU, nhậm chức thủ tướng ngày 6/5. CDU/CSU đã thành lập chính phủ liên minh với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả sau khi đánh bại AfD trong cuộc bầu cử.

Lars Klingbeil, thành viên đảng SPD, người sẽ trở thành phó thủ tướng và bộ trưởng tài chính trong chính quyền mới, cho biết chính phủ sẽ cân nhắc việc cấm AfD, song nhấn mạnh sẽ không vội vàng đưa ra quyết định.

AfD được thành lập năm 2013 và ngày càng tranh thủ được nhiều sự ủng hộ bằng cách xoáy vào nỗi lo ngại về vấn đề di cư, khi Đức đang hứng chịu suy thoái kinh tế. Đảng này đã giành được hơn 20% số phiếu trong cuộc bầu cử hồi tháng 2, kết quả cao kỷ lục và chỉ đứng sau liên minh CDU/CSU của ông Merz.

Các cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ AfD ngang ngửa hoặc thậm chí nhỉnh hơn một chút so với liên minh CDU/CSU. Các đảng ở Đức đã tuyên bố sẽ không hợp tác với AfD.

Trong chiến dịch tranh cử, AfD giành được sự ủng hộ của tỷ phú công nghệ Elon Musk, đồng minh thân cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Musk nói rằng chỉ có AfD mới có thể “cứu nước Đức”, đồng thời xuất hiện qua video tại một trong những cuộc vận động của đảng và tổ chức cuộc phỏng vấn với bà Weidel, đồng chủ tịch AfD, trên nền tảng X.

Musk hôm 2/5 nói rằng việc cấm AfD “sẽ là cuộc tấn công cực đoan vào nền dân chủ”.

Theo cơ quan tình báo BfV, mục tiêu của AfD là “loại trừ một số nhóm dân số nhất định khỏi sự tham gia bình đẳng vào xã hội”. Đặc biệt, AfD không coi công dân di cư từ các quốc gia đông người Hồi giáo có quyền bình đẳng như những người dân Đức khác.

Huyền Lê (Theo AFP, BBC)