Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vừa phê duyệt một sản phẩm thuốc lá điện tử của Juul Labs, sau ba năm ngưng vì lo ngại ảnh hưởng tới giới trẻ.
Theo thông báo ngày 18/7, FDA cho phép bán thiết bị thuốc lá điện tử Juul và các hộp mực nạp hương vị thuốc lá và bạc hà với nồng độ nicotine 3% và 5%. Cơ quan này cho biết Juul đã cung cấp thêm dữ liệu cho thấy lợi ích sức khỏe cộng đồng của sản phẩm lớn hơn rủi ro, bao gồm cả khả năng thu hút giới trẻ.
“Đây là một cột mốc quan trọng đối với chúng tôi”, Giám đốc điều hành Juul, bà KC Crosswaite phát biểu. Bà cho rằng việc được cấp phép trở lại không chỉ tạo cơ hội cho Juul hồi sinh sau giai đoạn khó khăn mà còn góp phần thay thế các sản phẩm thuốc lá điện tử dùng một lần nhập lậu từ Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Mỹ.
Juul từng là công ty dẫn đầu thị trường thuốc lá điện tử, nhưng đã suy sụp sau khi sản phẩm có hương vị của hãng trở nên phổ biến trong giới thanh thiếu niên. Các cuộc điều tra, kiện tụng và áp lực từ các nhà quản lý khiến công ty gần như phải nộp đơn phá sản.
Vào năm 2022, FDA ra lệnh cấm bốn loại hộp mực và thiết bị của Juul. Tuy nhiên, lệnh cấm này đã bị đình chỉ chỉ một tháng sau đó do công ty kháng cáo, và đến năm 2024, quyết định cấm bị hủy bỏ hoàn toàn.
Kể từ khi bắt đầu quản lý thị trường thuốc lá điện tử vào tháng 8/2016, FDA đã cấp phép cho 39 sản phẩm, bao gồm thuốc lá điện tử NJOY hương bạc hà của Altria. Hiện cơ quan này tiếp tục bị chỉ trích vì chậm cấp phép và chưa kiểm soát được tình trạng sản phẩm lậu tràn lan. Đại diện FDA cho biết họ cần thêm nguồn lực để xử lý các hồ sơ xin cấp phép còn tồn đọng.
Ngành công nghiệp đang kỳ vọng chính phủ Mỹ sẽ nới lỏng các rào cản pháp lý, tạo điều kiện cho sản phẩm thuốc lá thế hệ mới phát triển. Một số công ty cho biết họ đã chờ đợi nhiều năm hoặc bị từ chối cấp phép dù đã nộp đầy đủ hồ sơ, giống như trường hợp của Juul.

Thuốc lá điện tử của Juul. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, giới chuyên gia y tế tiếp tục bày tỏ lo ngại về tác động sức khỏe của thuốc lá điện tử. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Journal of the American Heart Association năm 2019 cho thấy việc sử dụng thuốc lá điện tử có thể làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và các bệnh tim mạch khác. Một báo cáo khác từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ghi nhận hơn 2.800 ca tổn thương phổi liên quan đến thuốc lá điện tử và vape vào cuối năm 2019, trong đó có 68 ca tử vong.
Dù một số nhà sản xuất quảng bá thuốc lá điện tử như giải pháp thay thế an toàn hơn so với thuốc lá truyền thống, nhưng các tổ chức y tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa công nhận đây là sản phẩm không gây hại. WHO nhấn mạnh rằng nicotine trong thuốc lá điện tử có thể gây nghiện, ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ ở thanh thiếu niên và làm gia tăng nguy cơ chuyển sang sử dụng thuốc lá thông thường.
Thục Linh (Theo NY Post)