Theo ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, hiện trên địa bàn có 19 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở, gồm: 3 bệnh viện (BV) tuyến tỉnh; 5 trung tâm chuyên ngành và y tế dự phòng tuyến tỉnh; 9 trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện (trong đó có 8 TTYT có giường bệnh nội trú); 1 trung tâm bảo trợ xã hội và 1 quỹ bảo trợ trẻ em (dự kiến sáp nhập vào trung tâm bảo trợ xã hội); và 1 BV 1.500 giường đang trong giai đoạn hoàn thiện để đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, địa phương còn có 91 trạm y tế (ở 91 xã, phường, thị trấn) trực thuộc các TTYT tuyến huyện. Về giường bệnh, trên địa bàn đạt 41 giường/10.000 dân (quy mô dân số của Bình Dương khoảng hơn 2,4 triệu người). Về nhân lực, có khoảng 11.463 nhân viên y tế; trong đó đạt 8,66 bác sĩ/10.000 dân (tỷ lệ công lập đạt 3,72 bác sĩ/10.000 dân; ngoài công lập đạt 4,94 bác sĩ/10.000 dân). Tuy nhiên, tỷ lệ giường bệnh cũng như nhân lực sẽ bị sụt giảm sau khi sáp nhập với TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ông Nguyễn Hồng Chương cho hay: “Sau khi sáp nhập với TP.HCM, thuận lợi thì nhiều nhưng dự báo cũng sẽ có không ít khó khăn, thách thức do trình độ nhân lực y tế của Bình Dương với TP.HCM còn có khoảng cách, chưa tương xứng. Ngoài ra, các mô hình y tế cơ sở của địa phương còn có sự khác biệt, cần phải sắp xếp lại”.

Bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, BV Bà Rịa chăm sóc cho bệnh nhân
ẢNH: NGUYỄN LONG
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Bản, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho hay sau khi sáp nhập, dân số TP.HCM mới tăng lên khoảng gần 14 triệu người. Ngoài nguồn lực của ngành y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, còn có sự tham gia chung tay của tỉnh Bình Dương.
“Việc sáp nhập dự báo có không ít khó khăn, nhưng trước mắt ngành y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục duy trì mô hình BV vệ tinh với các BV lớn ở TP.HCM (như BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân Gia Định, BV Nhi đồng…) đã được thiết lập tại BV Bà Rịa, BV Vũng Tàu, BV Mắt nhằm hỗ trợ, phối hợp xử lý, tiếp nhận các ca bệnh phức tạp ngay tại địa phương, giảm tải cho tuyến cuối. Tuy nhiên, trong tương lai, để đồng bộ hoạt động y tế giữa 3 địa phương sau khi sáp nhập thì công tác quản lý, đầu tư và phát triển y tế cần được xem xét thêm các giải pháp trung hạn và dài hạn”, ông Bản nói.
Về công suất giường bệnh, ông Bản cho rằng vẫn đủ khả năng tiếp nhận lượng bệnh nhân điều trị nội trú (nếu có). Do đặc thù về quy mô địa lý và dân số, ngành y tế của tỉnh vẫn đáp ứng cơ bản các điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn trước khi sáp nhập.
“Sau khi sáp nhập, ngành y tế TP.HCM cần điều hòa nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng có chất lượng để về công tác tại các BV ở khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu (trước sáp nhập) cũng như tăng cường trang thiết bị hiện đại, nhất là thiết bị chuyên sâu để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường chuyển giao công nghệ, hướng dẫn, điều trị từ xa…”, ông Bản đề nghị.
Để hạn chế quá tải cho ngành y tế tại TP.HCM, ông Bản cho rằng cần có giải pháp như đầu tư và nâng cao năng lực y tế tuyến đầu; cải thiện các điều kiện trong hệ thống y tế để trở thành “vùng đệm” cho TP.HCM, tiến tới phối hợp và đẩy mạnh liên kết vùng trong y tế…