Giáo sư Nguyễn Đăng Dung đề xuất chuyển nguyên trạng thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc thành phố sang đơn vị hành chính cấp cơ sở.
Chiều 14/5, tại phiên thảo luận góp ý sửa đổi Hiến pháp do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, Giáo sư Nguyễn Đăng Dung, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, đề xuất giữ lại mô hình các thành phố, thị xã thuộc tỉnh, đồng thời chuyển nguyên trạng các đơn vị này thành đơn vị hành chính cấp cơ sở trong mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Theo GS Dung, các đô thị hiện nay là những thực thể thống nhất, có mối liên kết chặt chẽ từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đến cơ sở hạ tầng. Việc chia tách hoặc giải thể để sắp xếp lại theo hướng xóa bỏ mô hình thành phố, thị xã thuộc tỉnh có thể gây ra xáo trộn và làm giảm hiệu quả quản lý đô thị.

GS Nguyễn Đăng Dung. Ảnh: Vũ Tuân
Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành xếp các thành phố và thị xã trực thuộc tỉnh được là đơn vị hành chính cấp huyện, tương đương với quận, huyện hoặc thị xã. Khi Chính phủ triển khai đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính, hướng tới loại bỏ cấp huyện, thì các đô thị này sẽ không được giữ mô hình tổ chức hiện tại.
Cụ thể, khi cấp huyện – cấp hành chính trung gian bị xóa bỏ, thì thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh cũng sẽ không còn tồn tại như một đơn vị hành chính riêng biệt, mà sẽ được chia thành cấp cơ sở (tức cấp xã, phường). Điều này dẫn đến việc các đô thị bị chia nhỏ thành nhiều phường xã độc lập, ảnh hưởng đến tính thống nhất trong quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị.
Chính vì vậy, Giáo sư Nguyễn Đăng Dung cho rằng nên giữ nguyên toàn bộ các thành phố, thị xã thuộc tỉnh như hiện nay, nhưng chuyển sang hoạt động ở cấp cơ sở – trực thuộc tỉnh, thay vì để chúng bị chia nhỏ khi bãi bỏ cấp huyện. Trong mô hình này, thành phố vẫn được tổ chức đầy đủ gồm nhiều phường, nhưng không cần có Hội đồng nhân dân, mà chỉ duy trì cơ quan hành chính để điều hành và thực thi chính sách.
“Cách làm này vẫn đảm bảo mô hình chính quyền địa phương hai cấp gồm cấp tỉnh và cấp cơ sở. Cấp cơ sở sẽ bao gồm thành phố, thị xã, xã, phường và đặc khu”, ông Dung phân tích. Phương án này “giúp bộ máy tinh gọn mà vẫn giữ được vai trò trung tâm của các đô thị trong phát triển kinh tế xã hội ở cả cấp địa phương và vùng”.
GS Dung cũng nhấn mạnh rằng nhiều thành phố thuộc tỉnh có lịch sử hình thành hàng trăm năm và đang đóng vai trò đầu tàu phát triển kinh tế, dịch vụ, giáo dục cho không chỉ tỉnh nhà mà cả khu vực xung quanh. Do đó cần nhìn nhận đô thị như một chỉnh thể hoàn chỉnh, không nên chia nhỏ một cách hành chính thuần túy.
Dẫn chứng từ thực tế, ông cho biết trước đây tỉnh Hải Hưng lấy thành phố Hải Dương làm tỉnh lỵ, nên nơi này phát triển mạnh mẽ hơn so với Hưng Yên. Tuy nhiên, sau khi tách tỉnh, thành phố Hưng Yên trở thành trung tâm tỉnh lỵ và đã có bước phát triển đáng kể.
Đồng quan điểm, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cũng đề nghị cân nhắc giữ nguyên mô hình thành phố, thị xã thuộc tỉnh. Theo ông, các đô thị này có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, không nên bị phân mảnh. “Đô thị là trung tâm của sự phát triển. Việc bảo tồn cấu trúc đô thị là cần thiết để đảm bảo tính liên tục trong quy hoạch và quản lý”, ông Phúc nhận định.
GS Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng Hiến pháp nên quy định rõ cấp cơ sở trong mô hình chính quyền hai cấp có thể bao gồm thành phố, thị xã thuộc tỉnh, cùng các xã, phường và đặc khu. Ông đặc biệt lưu ý việc bảo tồn tính toàn vẹn của các đô thị lịch sử như Đà Lạt, Vinh, Nha Trang, Hội An – những nơi không nên bị chia nhỏ thành các đơn vị hành chính độc lập.
Các ý kiến tại hội nghị đều thống nhất rằng việc sắp xếp đơn vị hành chính cần được thực hiện khoa học, thận trọng và có tính kế thừa, nhằm vừa đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước, vừa bảo tồn và phát huy vai trò các đô thị trong hệ thống chính quyền.
Vũ Tuân