Nga tích hợp AI cho tiêm kích Su-57

Nga tích hợp AI cho tiêm kích Su-57

bởi

trong

Nga bắt đầu ứng dụng công nghệ AI, được ví như “phi công điện tử”, trên tiêm kích tàng hình Su-57 nhằm hỗ trợ phi công chính.

“Tập đoàn Máy bay Thống nhất (UAC) đã tích hợp hệ thống AI để hỗ trợ phi công trên tiêm kích tàng hình Su-57”, đại diện tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport cho biết hôm 24/5, thêm rằng công nghệ này cũng sẽ xuất hiện trên phiên bản xuất khẩu Su-57E.

Quan chức Rosoboronexport cho biết hệ thống AI này được thiết kế để hỗ trợ phi công trong cả nhiệm vụ thông thường và tình huống chiến đấu, bằng cách cung cấp chỉ dẫn và gợi ý trong một số trường hợp cụ thể. Nhà sản xuất ví hệ thống này như “phi công điện tử”, so sánh nó với phi công phụ trên máy bay hai chỗ ngồi.

“Hệ thống này trợ giúp phi công bằng cách đảm nhận một số tác vụ như định vị và quản lý các hệ thống kiểm soát bay”, một nguồn tin của UAC cho hay.

Người này cho biết công nghệ AI sẽ giúp phi công tập trung vào những công việc quan trọng hơn như lựa chọn chiến thuật và sử dụng vũ khí, đồng thời nhấn mạnh quyết định khai hỏa hay không vẫn thuộc về con người.





Nga tích hợp AI cho tiêm kích Su-57

Tiêm kích Su-57 Nga tại triển lãm hàng không Ấn Độ (Aero India) hồi tháng 2. Ảnh: RIA Novosti

Su-57 là tiêm kích thế hệ 5 đầu tiên của Nga, được thiết kế để cạnh tranh với dòng F-22, F-35 Mỹ và J-20 Trung Quốc. Su-57 được phủ vật liệu hấp thụ sóng radar và có thiết kế tối ưu cho khả năng tàng hình trước thiết bị trinh sát điện tử.

Bộ Quốc phòng Nga đặt mua tổng cộng 76 chiếc Su-57 và đã tiếp nhận gần một nửa trong số này. Nga từng hai lần triển khai Su-57 tới Syria vào cuối năm 2018 và tháng 12/2019 để thử nghiệm tác chiến thực tế.

Tiêm kích Su-57 bắt đầu tham chiến ở Ukraine khoảng 2-3 tuần sau khi xung đột bùng phát. Không quân Nga cũng thử nghiệm nhiều loại vũ khí đối đất được phát triển riêng cho mẫu tiêm kích tàng hình này, trong đó có tên lửa hành trình chiến thuật Kh-69 được truyền thông Ukraine mô tả là “đáng sợ hơn tên lửa siêu vượt âm Kinzhal”.

Giới chức Nga cho biết một số quốc gia châu Phi và Đông Nam Á từng bày tỏ quan tâm đến tiêm kích Su-57. Truyền thông Algeria hồi tháng 2 nói quốc gia này là khách hàng nước ngoài đầu tiên đặt mua tiêm kích tàng hình Su-57, song không nêu số lượng cụ thể.

Phiên bản xuất khẩu Su-57E sở hữu một số điểm khác biệt với phi cơ nội địa Nga, trong đó có hệ thống nhận diện địch – ta. Nhà sản xuất cũng có thể chỉnh sửa phần mềm điều khiển để hiển thị thông số chuẩn phương Tây, dán nhãn tiếng Anh cho các bộ phận trong buồng lái và bổ sung khả năng sử dụng vũ khí không phải của Nga theo yêu cầu khách hàng.

Phạm Giang (Theo RIA Novosti)