
Họa sĩ Mộc Oanh bên tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh làm từ hạt sen, trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM – Ảnh: HOÀI PHƯƠNG
Chiều 14-5, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM tổ chức lễ khai mạc trưng bày chuyên đề Miền Nam nhớ mãi ơn Người.
Đây là một trong những hoạt động hướng đến kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng 18-5 và kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19-5.
Trưng bày những tư liệu quý về Bác Hồ
Trưng bày chuyên đề Miền Nam nhớ mãi ơn Người giới thiệu hơn 135 tài liệu, hình ảnh về Bác Hồ, cũng như tình cảm của đồng bào miền Nam dành cho Bác.
Chuyên đề được chia thành bốn chủ đề gồm: Sài Gòn – Gia Định những năm 1910, khi Nguyễn Tất Thành đến và ra đi tìm đường cứu nước; Người đi tìm hình của nước; Miền Nam trong trái tim Người và TP.HCM sáng mãi tên Người.
Đại diện ban tổ chức cho biết chuyên đề Miền Nam nhớ mãi ơn Người cũng được triển lãm tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An trong khuôn khổ Lễ hội Làng Sen 2025 nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2025).

Một góc không gian trưng bày chuyên đề Miền Nam nhớ mãi ơn Người – Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Hình ảnh quý tại trưng bày chuyên đề – Ảnh: HOÀI PHƯƠNG
Tranh chân dung Bác Hồ từ hạt sen
Dịp này, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM tiếp nhận những hiện vật do các họa sĩ, nhà sưu tầm, nhạc sĩ trao tặng.
Họa sĩ Lê Mộc Oanh (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) tặng tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh làm từ hạt sen Đồng Tháp.
Mộc Oanh cho Tuổi Trẻ Online biết tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh có kích thước 4,8m x 2,4m, được làm từ hơn 135.000 hạt sen rang thủ công trong trời gian khoảng hai tháng.
Mộc Oanh lấy cảm hứng thực hiện bức tranh từ hai câu thơ quen thuộc “Tháp Mười đẹp nhất bông sen, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.
Đó cũng là lý do Mộc Oanh chọn hạt sen làm chất liệu chính để sáng tạo nên bức tranh đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mộc Oanh kể cô mất nhiều thời gian chọn hạt sen phù hợp và canh thời gian rang để tạo nên 15 sắc độ màu tự nhiên. Trong đó, cô chọn 6 gam màu ánh vàng để sử dụng thực hiện tác phẩm.
Hạt sen chọn làm tranh có màu sắc tươi sáng, rang không bị sạm màu. Khó khăn là canh sao cho màu sắc các mẻ rang phải đồng đều nhau.
“Ứng dụng phương pháp rang truyền thống vừa giúp chống ẩm mốc vừa giữ được độ bền và tính nghệ thuật so với hạt sen nhuộm màu. Ngoài ra, tôi còn phủ các lớp keo tạo sự kết dính và tăng tuổi thọ cho tác phẩm” – Mộc Oanh nói.

Tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh làm từ hạt sen – Ảnh: NVCC
Về bố cục tranh, Mộc Oanh chia sẻ: “Hình ảnh hoa sen biểu trưng cho đồng bào cả nước. Hai bông sen lớn bên phải quấn vào nhau tượng trưng cho tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết. Cụm hoa sen nở rộ bên trái thể hiện đất nước hòa bình, phát triển và thịnh vượng.
Búp sen non vươn lên tượng trưng cho thế hệ trẻ với thông điệp “Tuổi trẻ không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh“.
Chi tiết nếp nhăn nơi khóe mắt, mái tóc bạc, ánh nhìn hiền từ của Bác được tôi thể hiện bằng lòng tôn kính và tình cảm chân thành”.
Dự kiến sắp tới Mộc Oanh thực hiện tranh về chân dung của cụ Nguyễn Sinh Sắc – thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để tặng trưng bày bên trong khu di tích Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp.
Trưng bày chuyên đề Miền Nam nhớ mãi ơn Người diễn ra từ ngày 14 đến 31-5, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM (số 1 đường Nguyễn Tất Thành, phường 13, quận 4, TP.HCM)
Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM còn tiếp nhận 10 quyển sách tiếng Pháp về Chủ tịch Hồ Chí Minh do ông Philippe Chaplain – nguyên phó thị trưởng thị trấn Bourg La Reine, Paris (Pháp) trao tặng; bức tranh dát vàng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của ông Trần Công Dân; bản nhạc Yêu sao quà tháng 5 của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên (toàn quyền sử dụng mà không thu bản quyền).

Họa sĩ Mộc Oanh tỉ mỉ chọn hạt sen làm tranh – Ảnh: NVCC

Họa sĩ thực hiện tranh từ hạt sen độc đáo – Ảnh: NVCC