Triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đặt yêu cầu trọng tâm phải thúc đẩy tín dụng xanh, đáp ứng nhu cầu vốn chuyển đổi nền kinh tế.

Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại sự kiện
ẢNH: SBV
Dư nợ tín dụng xanh tăng hơn 21,2%/năm
Phát biểu tại Tọa đàm đẩy mạnh triển khai kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 21.5, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, cơ quan này vào cuộc rất sớm.
Từ năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững trong các văn bản chỉ đạo công tác tín dụng.
Đặc biệt, năm 2023, kế hoạch hành động của toàn ngành triển khai Chiến lược quốc gia về tín dụng xanh giai đoạn 2021 – 2030 và các đề án về chống biến đổi khí hậu của Việt Nam đã được ban hành.
Về con số cụ thể, Ngân hàng Nhà nước thông tin: dư nợ tín dụng đối với các lĩnh vực xanh của hệ thống ngân hàng có sự tăng trưởng nhanh cả về quy mô, tốc độ.
Từ dư nợ tín dụng xanh năm 2017 chỉ đạt 180.000 tỉ đồng, đến ngày 31.3.2025, đã có 58 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh, với dư nợ đạt trên 704.244 tỉ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm tỷ trọng 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Dư nợ tín dụng xanh tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 37%); nông nghiệp xanh (trên 29%).
Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân đạt hơn 21,2%/năm trong giai đoạn 2017 – 2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế.
Tín dụng xanh còn nhiều khó khăn
Dù vậy, ông Tú thẳng thắn nhìn nhận, thực tế việc triển khai kế hoạch hành động của ngành ngân hàng còn không ít khó khăn.
Đơn cử, việc triển khai chưa đồng đều, nhiều tổ chức tín dụng chưa báo cáo Ngân hàng Nhà nước, chưa phát sinh dư nợ tín dụng xanh. Kết quả tín dụng xanh chưa cao mặc dù còn nhiều dư địa phát triển, do thiếu khung pháp lý về Danh mục xanh.
Cạnh đó, công cụ thẩm định rủi ro còn hạn chế, thời gian hoàn vốn của dự án đầu tư xanh dài, hiệu quả tài chính chưa rõ ràng…
“Để giải quyết những khó khăn này không chỉ có sự nỗ lực của ngành ngân hàng mà cần phối hợp đồng bộ các cơ quan quản lý nhà nước, sự hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực của các tổ chức quốc tế”, ông Tú nói.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước xác định tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hướng dẫn về tín dụng xanh, trong đó đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi, khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Chỉ đạo tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân thực hiện các dự án xanh…