Hai hôm trước, nhà thông gia có đám giỗ. Họ gọi điện mời vợ chồng tôi sang nhà ăn cỗ.
Hai nhà thông gia cách nhau 40km, không hẳn xa nhưng cũng không quá gần để ghé nhà thăm hỏi thường xuyên. Thường thì nhân dịp lễ Tết, giỗ chạp hay đau ốm gì mới ghé thăm nhau, còn không chỉ thỉnh thoảng gọi điện thăm hỏi.
Hôm đó, bà nhà tôi đau đầu nên tôi đi một mình. Ông bà thông gia lẫn họ hàng bên đó đón tiếp tôi rất nồng nhiệt. Con gái tôi nhìn thấy bố thì nét mặt hớn hở. Lấy chồng gần nửa năm nhưng con mới chỉ về nhà có vài lần.
Tôi biết, con gái và con rể đều bận. Cả hai mới ra trường, vừa đi làm thì để “dính bầu” nên vội vàng cưới. Con luôn nói công việc bận rộn, lại bầu bì, được ngày nghỉ cuối tuần chỉ muốn nghỉ ngơi không muốn đi đâu. Con gái có cuộc sống riêng nên tùy con sắp xếp, chẳng bố mẹ nào trách móc chuyện năng hay thưa về thăm nhà.

Tôi muốn con rể hiểu rằng, tôi sẵn sàng đón con về nếu anh ta không tốt (Ảnh minh họa: iStock).
Thấy bố đến, con gái chỉ chạy ra ôm bố một cái, chào bố một câu rồi lại vội vào bếp. Nhà làm có vài mâm cơm, chỉ có mẹ chồng và con dâu làm, có vẻ rất bận rộn.
Tôi ngồi ăn cơm, thấy con gái cứ mang bụng bầu đi đi lại lại suốt bữa. Tôi gọi con rể lại nhắc nhỏ: “Bảo vợ ngồi xuống ăn cơm đi, bố chưa thấy nó ăn gì”. Con rể cười cười bảo tôi: “Bố cứ kệ cô ấy, chút nhà con ăn sau”.
Con rể vừa dứt câu, bỗng nghe tiếng “choang” ngoài sân. Con gái tôi nằm sõng soài, mâm bát, thức ăn rơi vỡ tung tóe. Hồn tôi như bay lên ngọn cơn, vội chạy ra đỡ nhưng con gái đã kịp ngồi dậy. Vừa lúc đó, bà thông gia và con rể cũng chạy ra.
Vừa tới nơi, con rể cất tiếng càu nhàu: “Mắt mũi em để đâu mà đi đứng như thế? Còn một mâm khách nữa lấy gì mà ăn bây giờ, thật là…”.
Bà thông gia ngồi dọn lại các mảnh vỡ lên tiếng: “Đổ rồi thì thôi, mọi người chịu khó ghép mâm, chật một chút cũng được”.
Tôi nhìn con gái ngồi xuýt xoa vết rách rướm máu nơi đầu gối rồi lại nhìn thái độ của con rể, nỗi tức giận trào dâng trong lồng ngực.
Đỡ con đứng dậy, tôi không kìm được mà thốt lên: “Vợ anh đang mang bầu ngã như vậy mà anh chỉ để ý tới mâm cơm, không quan tâm vợ con có sao không. Anh làm chồng như vậy mà được à? Con gái tôi bảo anh tốt lắm, thương nó lắm. Giờ tôi mới nhìn ra là anh thương nó đến cỡ nào.
Tiện đây, tôi cũng xin ông bà thông gia cho tôi đón cháu về nhà vài ngày. Cháu đang có bầu lại ngã đau vậy, tôi đưa cháu đi kiểm tra xem sao”.
Lời tôi vừa dứt, mọi người bỗng ồn ào. Con gái tôi nói con không sao, bố đừng làm lớn chuyện mất vui. Ông bà thông gia cũng nói chuyện nhỏ xíu, mong tôi bớt giận. Nhưng tôi không bớt được, nhất định bảo con gái ra xe tôi chở về.
Cũng may, sau khi kiểm tra, cái thai không ảnh hưởng gì. Con muốn về nhà nhưng tôi không cho.
Trước đây, hai đứa học đại học rồi yêu nhau, có bầu mới đưa về ra mắt để tính chuyện cưới xin. Tôi chẳng biết con rể là người như thế nào nhưng nghĩ con mình đã yêu, đã chọn, lại có con với nhau rồi, thôi thì nước trôi đến đâu, bèo trôi tới đó.
Nhưng hôm đám giỗ, nhìn cách nhà chồng đối xử với con bé, tôi nghĩ con mình đã chọn lầm người. Ai đời, bao nhiêu người lại để một cô con dâu bầu 6 tháng chạy tới, chạy lui làm “chân sai vặt”.
Bố mẹ chồng không nói, nhưng chồng nó ít nhất cũng phải biết xót vợ. Cần gì, mình chạy đi lấy không nhanh hơn một bà bầu à?
Hôm trước, con rể sang nhà, trước là xin lỗi vì làm tôi giận, sau là xin đón vợ về. Tôi không cho. Tôi bảo con rể: “Để vợ anh ở đây ít hôm cho khỏe đã. Hôm nọ ngã, bác sĩ bảo động thai, cần nghỉ ngơi tĩnh dưỡng”
Con rể bảo về nhà nghỉ ngơi cũng được. Nhưng tôi thừa biết, về nhà chồng, con bé sẽ lại “bận rộn” như thường.
Sau khi con rể buồn bã rời khỏi nhà, vợ tôi mới lên tiếng: “Con rể biết lỗi rồi, ông đừng cố chấp nhặt nữa. Có những chuyện mình làm tưởng là thương con, thực ra là đang hại con đó. Coi chừng già néo đứt dây”.
Vợ tôi cho rằng, tôi đang làm quá. Con gái đã có chồng, mình không thể can thiệp sâu vào cuộc sống của con được. Chẳng may mình căng quá, nhà người ta tự ái mặc kệ, lúc đó lại khổ con cháu mình.
Tôi nào có muốn chia cách vợ chồng con. Tôi chỉ muốn cho con rể có thời gian để nhìn lại mình, xem anh ta đối xử với vợ như vậy có đúng hay không?
Con gái tôi đi làm dâu, hay dở gì cũng chỉ biết dựa vào chồng. Vậy mà lúc có chuyện, người nói lời trách móc đầu tiên lại là chồng, nghĩ có tủi thân không?
Nhưng ngay cả đến vợ tôi cũng cho rằng, tôi đang “làm quá”. Liệu có phải tôi đang “chuyện bé xé ra to” hay không?
Góc “Chuyện của tôi” ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: [email protected]. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.