
Các đối tượng tội phạm lợi dụng triệt để các công cụ khoa học kỹ thuật để thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng hoặc qua điện thoại
Chỉ một cuộc gọi từ số điện thoại lạ đã khiến một gia đình tại Hà Tĩnh mất trắng 1,5 tỷ đồng trong chưa đến một phút. Đối tượng tự xưng nhân viên điện lực, hướng dẫn tải ứng dụng nộp tiền điện giả mạo. Ba giao dịch rút tiền được thực hiện thành công một cách nhanh chóng, khiến nạn nhân không kịp trở tay.
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Theo nạn nhân V.N.T (tỉnh Hà Tĩnh), vào sáng 15-7, đối tượng lừa đảo đã gọi nhiều lần vào điện thoại của ông. Do bận bán hàng nên ông không nghe máy.
Đầu giờ chiều cùng ngày, các đối tượng tiếp tục gọi điện, vợ ông T nghe máy và làm theo hướng dẫn cài ứng dụng, dẫn đến việc bị rút hết tiền trong tài khoản.
“Mọi người hãy cảnh giác cao độ với bọn lừa đảo, đường link, số điện thoại, tin nhắn lạ. Nếu không có giao dịch, không rõ nguồn gốc, không nên bấm vào đường link họ chỉ dẫn, nếu không sẽ bị lừa hết tài sản”, ông V.N.T chia sẻ.
Trung tá Nguyễn Văn Thanh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Tội phạm thường thực hiện lừa đảo gắn với các sự kiện diễn ra trong cuộc sống hằng ngày của người dân như: các đợt thu, đóng nộp tiền điện, kê khai thuế thu nhập cá nhân…”.
Các đối tượng tội phạm lợi dụng triệt để các công cụ khoa học kỹ thuật để thực hiện hành vi lừa đảo. Người dân, đặc biệt là phụ nữ và người cao tuổi còn thiếu kỹ năng sử dụng an toàn Internet, dễ bị lừa gạt.
Quyết liệt đấu tranh phòng chống
Theo thống kê của Công an Hà Tĩnh, năm 2024, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 100 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thiệt hại khoảng 80 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, Công an Hà Tĩnh đã kịp thời ngăn chặn 152 vụ lừa đảo trên không gian mạng với số tiền gần 10,2 tỉ đồng.
Lực lượng Công an Hà Tĩnh xác định việc đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm đảm bảo an ninh, trật tự và sự phát triển ổn định của địa phương.
Trung tá Nguyễn Văn Thanh cho biết, lực lượng công an đã tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là các đối tượng dễ bị lừa gạt như phụ nữ và người cao tuổi về các thủ đoạn lừa đảo và cách phòng tránh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như ngân hàng, nhà mạng để đồng bộ trong việc ngăn chặn tội phạm.
Ngành công an cũng đẩy mạnh truy quét, bóc gỡ các đường dây tội phạm, tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống lại các loại tội phạm xuyên quốc gia.
Thông qua các biện pháp tuyên truyền, phối hợp liên ngành và tăng cường truy quét, cơ quan công an kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân, ngăn chặn và xử lý hiệu quả các đối tượng tội phạm trong thời gian tới.
Ông Phan Văn Anh, Trưởng phòng kinh doanh, Công ty Điện lực Hà Tĩnh cho biết, ngành điện đã triển khai nhiều giải pháp bảo mật thông tin cho khách hàng như thường xuyên tăng cường an ninh, bảo mật đối với hệ thống công nghệ thông tin. Ngoài ra, quản lý chặt chẽ việc truy cập thông tin khách hàng, phân quyền rõ ràng đối với cán bộ nhân viên trong các thao tác nghiệp vụ.
Đồng thời, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng nhận diện các hình thức lừa đảo qua ứng dụng chăm sóc khách hàng, qua báo chí, mạng xã hội để khách hàng nhận diện và phòng tránh. Công ty cũng phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện, xử lý sớm các vụ lừa đảo khách hàng, giả mạo thương hiệu EVN.
Các bước phòng chống lừa đảo cụ thể
“Người dân tuyệt đối không quét mã QR, không đăng nhập vào các đường link lạ, không cài đặt ứng dụng từ các nguồn không rõ ràng. Không cung cấp thông tin cá nhân hoặc thông tin ngân hàng cho bất kỳ đối tượng nào liên hệ qua điện thoại, mạng xã hội mà không xác minh rõ ràng.
Khi nhận được các cuộc gọi đáng ngờ, người dân nên ngắt máy và kiểm tra lại thông tin qua Tổng đài chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc theo số 1900 6769, hoặc đến trực tiếp Đội quản lý Điện lực khu vực gần nhất để được hỗ trợ”, ông Phan Văn Anh khuyến cáo.