10 đoàn phim tham dự buổi giao lưu gồm các phim Việt Nam: Đèn âm hồn, Mưa trên cánh bướm, Út Lan: Oán linh giữ của, Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu, Truyền thuyết Quán Tiên cùng các phim nước ngoài Học cách quên em (Nhật Bản), Lửa thiêng (Ấn Độ), Chuyện của đất (Indonesia), Trật tự mới (Philippines) và Yêu từ cái nhìn đầu tiên (Ấn Độ).
Đây là các đoàn làm phim tham dự DANAFF III ở nhiều hạng mục như Phim châu Á dự thi, Phim Việt Nam dự thi, Toàn cảnh điện ảnh Châu Á, Nửa thế kỷ phim chiến tranh Việt Nam. Trong đó 3 bộ phim nước ngoài lần đầu ra mắt quốc tế là: Học cách quên em, Trật tự mới và Yêu từ cái nhìn đầu tiên.
Phim được khen hay nhưng vắng khán giả
Trong số các bộ phim Việt dự thi tại DANAFF III, Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu nổi bật như bộ phim hoạt hình duy nhất ở hạng mục Phim Việt Nam dự thi.
Tác phẩm nhận được nhiều lời khen từ giới chuyên môn và truyền thông nhờ chất lượng đồ họa 3D hiện đại, cách lồng ghép văn hóa dân gian Việt Nam đầy sáng tạo cùng thông điệp giáo dục giàu ý nghĩa.

Đạo diễn Trịnh Lâm Tùng (trái) và NSƯT Chiều Xuân chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí (Ảnh: Ban tổ chức).
Đạo diễn Trịnh Lâm Tùng cùng ê-kíp đã cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận trong việc tiệm cận chuẩn mực quốc tế, đồng thời vẫn giữ vững tinh thần dân tộc.
Từ tạo hình nhân vật, bảng màu đến thiết kế âm thanh và nhịp kể chuyện, mọi chi tiết trong phim đều được trau chuốt tỉ mỉ nhằm truyền tải trọn vẹn vẻ đẹp của văn hóa Việt trên nền tảng kỹ thuật tiên tiến.
Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng, doanh thu của phim lại vô cùng khiêm tốn. Đạo diễn Trịnh Lâm Tùng không giấu được nỗi buồn khi chia sẻ rằng: “Phim ra rạp nhưng không tiếp cận được số đông khán giả đại chúng. Điều đó khiến tôi buồn, day dứt vì đã không thể kéo được nhiều người xem hơn đến rạp”.
Dù vậy, anh khẳng định mình “được nhiều hơn mất” khi làm bộ phim này. Với anh, nỗi lo lớn hơn cả là nếu trong 10 năm tới, trẻ em không còn biết hát ru hay những câu chuyện cổ tích dân gian thì đó sẽ là một mất mát to lớn cho nền văn hóa.
Dù có rất nhiều khó khăn cả về kinh phí và nhân lực, quy trình, kỹ thuật, anh và các cộng sự đã vượt qua với quyết tâm phải làm bằng được và đưa phim ra rạp thành công.
Anh hy vọng Trạng Quỳnh nhí sẽ là tiền đề để các nhà đầu tư tin tưởng hơn vào dòng phim hoạt hình và người làm nghề cũng vững tâm theo đuổi thể loại này.
Mới đây, trên trang cá nhân, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cũng bày tỏ sự bất ngờ khi bộ phim hoạt hình 3D Trạng Quỳnh nhí – một tác phẩm anh đánh giá cao – lại có doanh thu phòng vé quá khiêm tốn.
Anh nhận xét phim khai thác chất liệu văn hóa dân gian Việt Nam một cách sinh động, với đồ họa 3D mượt mà, sắc nét, cách kể chuyện lôi cuốn và hấp dẫn. Nhân vật Trạng Quỳnh nhí cùng chú trâu vàng được xây dựng dễ thương, còn tạo hình phản diện Cửu Vĩ Hồ cũng gây ấn tượng với vẻ ngoài bắt mắt.
Dù vẫn còn vài điểm chưa trọn vẹn, như việc đôi chỗ để lộ dụng ý qua lời thoại, anh cho rằng đây vẫn là một trong những phim hoạt hình Việt đáng xem nhất hiện nay, đặc biệt phù hợp với đối tượng học sinh nghỉ hè. Anh đặt vấn đề: “Không hiểu do marketing kém hay sao mà thành tích phòng vé khiêm tốn thế?”.
Lê Hồng Lâm cũng không quên kêu gọi khán giả ủng hộ tác phẩm: “Phim này thực sự xứng đáng được xem và lan tỏa rộng rãi hơn”.
Câu chuyện đưa văn hóa Việt Nam vào phim ảnh và lan tỏa những giá trị đó đến với khán giả cũng là mong mỏi của đoàn phim Mưa trên cánh bướm. Gặt hái được những thành công nhất định tại LHP Venice với hai giải thưởng nhưng khi được tham dự LHP châu Á Đà Nẵng lần này, đạo diễn Diệu Linh và các diễn viên vẫn rất hồi hộp. Mỗi khán giả sẽ có những cảm nhận riêng của mình về bộ phim và những góc nhìn đó đã cho Diệu Linh học được rất nhiều điều.
Nữ diễn viên Tú Oanh dù đã có nhiều năm hoạt động nghệ thuật nhưng lần đầu tiên đóng phim điện ảnh. Chị tin rằng, bất cứ người Việt nào xem Mưa trên cánh bướm cũng thấy một chút gì đó thân thuộc với mình.

Diễn viên Tú Oanh và đoàn phim “Mưa trên cánh bướm” (Ảnh: Ban tổ chức).
Truyền thuyết Quán Tiên của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Bộ phim mang góc nhìn của người trẻ về thời kỳ khốc liệt đã qua của đất nước. Truyền thuyết Quán Tiên chuyển thể từ tác phẩm văn học nhưng đã có những điều chỉnh về kịch bản và cách thể hiện để có được cái nhìn nhân văn hơn, khiến khán giả dễ đồng cảm hơn, nhưng không được phát hành thương mại rộng rãi do ra mắt trong giai đoạn dịch Covid-19.
Đinh Tuấn Vũ chia sẻ: “Dù nội dung câu chuyện hấp dẫn, phim thiếu may mắn khi ra mắt đúng thời điểm dịch bệnh, khiến rất ít khán giả được tiếp cận. Tôi tin sức sống của Truyền thuyết Quán Tiên sẽ được chứng minh theo thời gian, đặc biệt khi khán giả trẻ ngày càng quan tâm đến lịch sử, truyền thống dân tộc”.
Đinh Tuấn Vũ cũng đang ấp ủ một dự án phim lịch sử mới, dự kiến khởi quay năm 2026. Anh khẳng định, với việc nhiều người tâm huyết, dám quyết tâm theo đuổi dòng phim này thì đó là tín hiệu tốt và theo đó các nhà đầu tư cũng sẽ cởi mở, tin tưởng hơn khi bỏ tiền vào làm phim.

Đạo diễn Hoàng Nam phim “Đèn âm hồn” (Ảnh: Ban tổ chức).
Phim trăm tỷ: Doanh thu “khủng” nhưng chất lượng gây tranh cãi
Ngược lại, những bộ phim đạt doanh thu “khủng” thường xuyên đối mặt với những ý kiến trái chiều. Đèn âm hồn của đạo diễn Lê Hoàng Nam là một ví dụ điển hình, với doanh thu vượt mốc 105 tỷ đồng, gia nhập “câu lạc bộ phim Việt trăm tỷ”.
Tuy nhiên, bộ phim vấp phải nhiều chỉ trích về diễn xuất của dàn diễn viên trẻ và lùm xùm truyền thông. Đạo diễn Lê Hoàng Nam bày tỏ tại buổi gặp gỡ báo chí trong khuôn khổ DANAFF III: “Tôi biết Đèn âm hồn còn nhiều thiếu sót, nhưng sự đón nhận của khán giả là động lực lớn. Tôi mong khán giả có thể công tâm và bao dung hơn với các diễn viên trẻ”.
Đạo diễn Lê Hoàng Nam cho biết, sắp tới anh sẽ bắt tay thực hiện hai dự án phim mới: Bà đừng buồn con thuộc thể loại tâm lý gia đình và Em bé Mỹ lai – một tác phẩm thuộc dòng phim chiến tranh – lịch sử. Với anh, điện ảnh không chỉ là phương tiện giải trí mà còn là cách để kể những câu chuyện văn hóa, lịch sử Việt Nam một cách sâu sắc, gần gũi và giàu cảm xúc.
Tham vọng của anh không dừng lại ở việc phát hành trong nước, mà còn hướng đến việc đưa phim Việt ra thị trường quốc tế, để khán giả toàn cầu có thể hiểu hơn về đất nước, con người và những giá trị truyền thống của Việt Nam.
Bộ phim Đèn âm hồn được chọn vào hạng mục Phim Việt Nam dự thi tại DANAFF III, đánh dấu một cột mốc đáng tự hào cho ê-kíp.
NSƯT Chiều Xuân và diễn viên Diễm Trang – hai diễn viên góp mặt trong tác phẩm – đều bày tỏ niềm vui khi được đồng hành cùng đoàn phim, đồng thời hy vọng Đèn âm hồn sẽ mang đến những xúc cảm đẹp cho khán giả.
Út Lan: Oán linh giữ của của đạo diễn Việt kiều Trần Trọng Dần là một trường hợp khác. Bộ phim chọn thể loại kinh dị để đánh vào thị hiếu thị trường, nhưng vẫn không tránh khỏi những ý kiến trái chiều về nội dung.
Trần Trọng Dần chia sẻ: “Tôi muốn mang kinh nghiệm từ các nền điện ảnh lớn để đóng góp cho phim Việt. Với Út Lan, tôi nhắm đến yếu tố giải trí, nhưng tôi không giới hạn mình ở một thể loại. Thành công lớn nhất là khi khán giả xem phim và cảm thấy hài lòng”.
Ông nhấn mạnh rằng sự đa dạng trong thể loại phim, từ nghệ thuật đến giải trí, là cần thiết để đáp ứng thị hiếu khán giả.