Bác sĩ chuyên khoa 1 Bùi Hoàng Bích Uyên, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á TP.HCM, cho biết để bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng nên cẩn trọng khi lựa chọn sản phẩm giảm cân và mỹ phẩm. Hãy ưu tiên những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được cấp phép và có thông tin thành phần đầy đủ, minh bạch. Tránh xa những sản phẩm quảng cáo “hiệu quả siêu tốc” hoặc “thần kỳ” vì chúng thường chứa các chất cấm nguy hiểm.
Dưới đây là những chất cấm thường bị phát hiện trộn lẫn trong các sản phẩm giảm cân hoặc mỹ phẩm.

Việc pha trộn các chất cấm vào sản phẩm giảm cân, mỹ phẩm gây hại cho sức khỏe người dùng
ẢNH MINH HỌA: AI
Sibutramine gây biếng ăn
Đây là chất đã bị cấm sử dụng ở nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, châu Âu và Việt Nam (từ năm 2010). Sibutramine có tác dụng gây chán ăn, giảm cảm giác thèm ăn nhưng lại có độc tính cao, cấu trúc phân tử giống với ma túy Amphetamine. Sử dụng Sibutramine có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
Khi dùng nhiều sibutramine sẽ gây tăng nhịp tim, huyết áp cao, loạn nhịp tim, nguy cơ đau tim và đột quỵ. Ngoài ra, nó còn có thể gây khô miệng, đau bụng, thay đổi khẩu vị, táo bón, đau dạ dày, nhức đầu, lo lắng, chóng mặt, trầm cảm, kích động, ảo giác, giãn đồng tử. Các triệu chứng nghiêm trọng có thể gặp như hôn mê, co giật, tổn thương não, chảy máu trực tràng, tổn thương gan, thận… Sibutramine thường bị pha trộn trong viên uống giảm cân, trà giảm béo “thảo dược”.
Phenolphthalein gây giảm cân ‘ảo’ nhờ tiêu chảy
Phenolphthalein có công dụng nhuận tràng mạnh, từ đó gây giảm cân “ảo” nhờ tiêu chảy. Dùng nhiều phenolphthalein, nguy cơ gây mất nước, rối loạn điện giải, ung thư. Chất này bị cấm, không còn được chấp thuận trong thuốc từ năm 1999 ở Mỹ; bị cấm ở Việt Nam. Phenolphthalein thường bị phát hiện trong viên sủi giảm cân, trà thải độc tự xưng.
Thuốc lợi tiểu (furosemide, hydrochlorothiazide…)
Công dụng của thuốc lợi tiểu là tăng đào thải nước qua thận từ đó giúp giảm cân do gây “mất nước”. Dùng nhiều loại thuốc này, nguy cơ tụt huyết áp, mất kali, loạn nhịp tim suy thận cấp. Các chất này bị cấm, không được dùng trong thực phẩm hay mỹ phẩm. Furosemide, hydrochlorothiazide thường bị pha trong “trà giảm cân nhanh”, “detox 3 ngày”…
Thuốc điều trị tiểu đường (Metformin, glibenclamide…)
Metformin, glibenclamide có công dụng giảm đường huyết, đôi khi gây sụt cân nhẹ. Dùng nhiều, nguy cơ hạ đường huyết nguy hiểm nếu không phải bệnh nhân tiểu đường, gây rối loạn tiêu hóa, nhiễm toan lactic (hiếm nhưng nặng). Metformin, glibenclamide thường bị trộn trong viên uống giảm cân không rõ nguồn gốc.
Chất kích thích: Ephedrine, DMAA, sibutramine, yohimbine
Công dụng của các chất kích thích ephedrine, DMAA là tăng chuyển hóa, đốt mỡ, sinh nhiệt. Dùng nhiều, nguy cơ khiến tim đập nhanh, tăng huyết áp, đau đầu, đột quỵ. Chất này hầu hết bị cấm ở châu Âu, Mỹ, Việt Nam. Thường có mặt trong viên “đốt mỡ”, pre-workout không rõ nguồn gốc.
Một số chất cấm hoặc hạn chế sử dụng trong mỹ phẩm
Thủy ngân (Mercury). Thường xuất hiện trong các sản phẩm làm trắng da cấp tốc. Thủy ngân là một kim loại nặng cực độc, có thể gây hại cho hệ thần kinh. Như gây tê, ngứa ran, run rẩy, thay đổi thị giác và thính giác, vấn đề về trí nhớ, trầm cảm. Đặc biệt nguy hiểm cho phụ nữ mang thai, cho con bú và trẻ nhỏ. Gây hại cho thận, gan và hệ tiêu hóa. Ảnh hưởng da như kích ứng, nổi mẩn, thậm chí biến đổi sắc tố vĩnh viễn.

Thủy ngân, corticoid là các chất thường bị pha trộn trong mỹ phẩm
ẢNH MINH HỌA: AI
Corticoid. Là một loại thuốc kháng viêm mạnh, có khả năng làm giảm sưng đỏ, ngứa và làm da trắng mịn nhanh chóng. Tuy nhiên, việc lạm dụng corticoid trong mỹ phẩm gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng:
Giai đoạn đầu (1-10 ngày): Da láng mịn, căng bóng, mụn cám biến mất, da trắng nhanh, nám mờ.
Giai đoạn sau (vài tháng đến vài năm): Da trắng bạch, giãn mao mạch gây đỏ da, nổi gân máu, teo da, nổi mụn nhiều hơn, nhiễm trùng da, lão hóa da nhanh chóng, thậm chí gây phụ thuộc và khó điều trị.