Người bạn ‘quên’ tiếng Việt khi sang Pháp thăm tôi

Người bạn ‘quên’ tiếng Việt khi sang Pháp thăm tôi

bởi

trong
Người bạn ‘quên’ tiếng Việt khi sang Pháp thăm tôi

‘Tôi ngạc nhiên khi bạn sống và làm việc ở Việt Nam nhưng nói tiếng Việt bập bẹ, thua cả ông chú đã sang Pháp định cư gần 70 năm’.

“Vừa rồi, một người bạn học cùng lớp đại học với vợ tôi từ Việt Nam đến Pháp du lịch. Tiện dịp, bạn đến nhà tôi chơi và ở lại ba ngày. Có một điều rất lạ là tôi thấy anh ta hầu như chỉ nói tiếng Anh không dùng một câu tiếng Việt nào trong suốt quá trình giao tiếp với vợ chồng tôi, dù tất cả đều là người Việt. Hỏi ra thì bạn nói rằng ‘đã quên tiếng Việt vì lâu giờ toàn sử dụng tiếng Anh, giờ nói sợ bị sai’.

Hôm sau, tôi đưa bạn đến chơi nhà ông chú của tôi. Nhà chú sang Pháp định cư từ năm 1957, ấy thế mà không ai quên một câu tiếng Việt nào. Chính tôi cũng sang Pháp từ nhỏ, đến nay đã hơn nữa đời người mà cũng vẫn rành rọt tiếng Việt. Con tôi còn rất thích hát bài ‘Trên tình bạn dưới tình yêu’ dù nó sinh ra ở Paris. Con nói tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh đều như nhau, duy có tiếng Đức là hơi kém hơn một chút.

Thực ra, sau khi ra trường, bạn tôi toàn đi làm cho công ty nước ngoài, sử dụng ngoại ngữ cả trong công việc lẫn cuộc sống hằng ngày. Hệ quả là bây giờ bạn đã quên luôn tiếng mẹ đẻ. Tôi không biết sau chuyến đi này, người bạn có thay đổi suy nghĩ về việc sử dụng tiếng Việt hay không? Nhưng rõ ràng, một người Việt lại không nói được tiếng Việt quả là khó chấp nhận”.

Đó là chia sẻ của độc giả xung quanh câu chuyện “”. Quá coi trọng tiếng Anh trong thời kỳ hội nhập, nhiều người Việt vô tình “mất gốc” chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Thực tế đáng buồn ấy đang diễn ra ngày một phổ biến, đặc biệt là ở các thành phố lớn, nơi mà cơ hội tiếp cận với ngoại ngữ trở nên rất dễ dàng. Nỗi lo về sự mất gốc, mai một của tiếng Việt trong thế hệ trẻ, đặt ra câu hỏi cho các bậc phụ huynh về việc gìn giữ ngôn ngữ, văn hóa dân tộc trong chính mỗi gia đình.

>>

Nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng Việt, bạn đọc bình luận: “Cơ quan tôi cũng có mấy bạn du học ở Anh, Nga, Bungari về. Quả thực, các bạn ấy rất giỏi tiếng Anh, nhưng ở cơ quan, chưa bao giờ tôi thấy họ lạm dụng ngoại ngữ trong giao tiếp với đồng nghiệp người Việt, ngoài từ ‘OK’. Tôi hỏi các bạn: ‘Sao không nói ngoại ngữ? Không sợ sẽ quên hết hay sao?’. Họ trả lời tôi rằng: ‘Sống ở Việt Nam, làm việc ở thị trường trong nước, nên ngoại ngữ chỉ để nghiên cứu tài liệu thôi’.

Quả thực, ngày nay nhiều gia đình cho con cái học trường quốc tế, đến mức không thuộc cả Quốc ca chào cờ, là một điều không thể chấp nhận được. Chính những việc như thế góp phần khiến bản sắc văn hóa dân tộc bị mai một. Chúng ta chỉ nên xem ngoại ngữ là một phần của cuộc sống thôi”.

Đồng quan điểm, độc giả kết lại: “Nếu gia đình ở Việt Nam, đều là người Việt mà lại dạy con cái chỉ biết nói tiếng Anh, quên luôn tiếng Việt, thì cũng chẳng khác nào mất gốc. Quan điểm của tôi là cái cây đã bị uốn cong từ nhỏ thì lớn lên muốn chỉnh cho thẳng lại cũng cực kỳ khó. Giống như một số người Việt trưởng thành nhưng sang nước ngoài được ít lâu đã nói tiếng Việt bập bẹ vì chỉ dùng toàn tiếng Anh.

Tôi tin rằng, đã sinh sống ở Việt Nam thì việc học tiếng Việt là quan trọng nhất. Nó không khó, nhưng nếu trẻ nhỏ còn không chịu học thì lớn lên liệu có muốn học không? Học giỏi tiếng Anh là rất tốt, nhưng chúng ta nên hiểu mình vẫn là người Việt, nên không thể không nói được tiếng Việt. Tôi không thể ủng hộ tư duy xem thường ngôn ngữ mẹ đẻ như vậy”.

Lê Phạm tổng hợp