
Anh Huỳnh Bảo Toàn (đứng) cùng các bác sĩ đi thực hiện chương trình tầm soát bệnh tim miễn phí cho trẻ em khó khăn – Ảnh: NVCC
Đó là anh Huỳnh Bảo Toàn (41 tuổi, TP.HCM), giám đốc một doanh nghiệp chẳng “bà con” gì với ngành y.
Đợt dịch Covid-19, anh cùng bạn bè tham gia đội phản ứng nhanh ngày đêm lặn lội tiếp tế nhu yếu phẩm, bình oxy… Sau dịch, anh gắn bó với chương trình tầm soát tim đã được 4 năm.
“Nếu các bé không đến khám thì uổng lắm”
Vẻ giản dị, anh nói ngay: “Tôi chỉ góp một phần nhỏ bé thôi. Duyên cớ là do bác sĩ Đào Anh Quốc tham gia hồi đợt dịch cùng tôi có kể về chương trình”.
Bác sĩ Quốc, học trò của người phụ trách chương trình là TS.BS Đỗ Nguyên Tín – trưởng đơn vị can thiệp tim mạch Bệnh viện Nhi đồng 1, chủ tịch Liên chi hội Tim mạch nhi và tim bẩm sinh TP.HCM.
Trong chuyến đầu tiên với đoàn tại Tây Ninh khi dịch Covid-19 vừa kết thúc, anh Toàn nhận thấy số lượng các bé đến khám lên đến cả ngàn, có nhiều hoàn cảnh đáng thương. Các bé chạy nhảy vô tư nhưng khi siêu âm mới biết là mắc bệnh tim bẩm sinh.
Anh xúc động: “Lớn lên có khi các bé cũng không biết, mà nếu để lâu cơ hội hồi phục giảm, thậm chí không còn cơ hội. Quả tim giống như một cỗ máy nếu hỏng mà mình không sửa chữa thì không được”.
Sau chuyến đi, anh nghĩ mình cần làm gì đó, thay vì tản mác các hoạt động thiện nguyện của bản thân như trước kia thì nên tập trung hỗ trợ chương trình này.
Anh ngỏ lời với bác sĩ Tín và bác sĩ Quốc để mình cùng lo khâu điều phối. Mỗi chuyến tổng cộng 30 – 35 thành viên gồm 4 – 5 bác sĩ và các tình nguyện viên phụ trách các khâu như ghi danh, hỗ trợ bác sĩ, phát quà cho các bé.
Mỗi chuyến đi, anh cùng mọi người luôn linh hoạt để làm sao giúp được nhiều bé nhất có thể. “Một em nhỏ sinh ra trong gia đình khó khăn, xa xôi cách trở rất khó có điều kiện khám tim tìm ra bệnh.
Như từ miền Trung vào Sài Gòn khám, cả chuyến đi mất vài triệu đồng. Đây là cơ hội rất lớn để các bé được khám, do đó trước chuyến đi chúng tôi cố gắng nói rõ với địa phương hỗ trợ tổ chức cho các bé đến, nếu không thì uổng lắm”, anh cho biết.

Anh Huỳnh Bảo Toàn (thứ 3 từ phải qua) đã đồng hành với các bác sĩ để giúp đỡ rất nhiều trẻ em bị bệnh – Ảnh: NVCC
Những chuyến đi thực chất, ý nghĩa
Chuyến gần đây nhất của đoàn là cuối tháng 6, miệt mài khám cho 2.000 trẻ em ở vùng biên giới An Phú, An Giang trong hai ngày. Để chương trình trọn vẹn, trong khâu tổ chức, anh Toàn cùng bác sĩ Quốc và mọi người thường phân vai phân việc cụ thể, chuẩn bị trước khoảng 10 ngày từ việc liên hệ địa phương, phân công thành viên…
Địa điểm khám thường mượn trạm y tế hoặc trường học, hội trường trung tâm văn hóa… Anh Toàn còn vẽ cả sơ đồ buổi khám, như phòng siêu âm bao nhiêu ghế, khu vực ngồi đợi ra sao.
“Điều này giúp ban tổ chức không phải đi tiền trạm nhưng khi vào việc rất trơn tru. Mỗi nhóm có nhóm trưởng, chia ra bạn giữ danh sách lượng người khám khu này, bạn tiếp tân, bạn khác mời bà con vào ngồi đợi”, anh say sưa kể.
Đặc biệt, đoàn quan niệm không để bà con và các bé đợi lâu. Các bé nhỏ hay quấy khóc, có những em mới vài tháng tuổi nên tình nguyện viên nhanh chóng thuyết phục, giữ bé cố định để siêu âm. Đoàn luôn chuẩn bị kẹo “dụ” các bé quên đi nỗi sợ.
Có những chuyến, lịch khám từ 8h nhưng bà con đến sớm, có khi 6h30 cả đoàn đã vào việc. Trong chuyến ra đảo Phú Quý, một ngày đoàn khám 1.600 bé.
Đoàn ra trước một ngày, huy động hai xe 16 chỗ đợi sẵn ở trường học, chia nhóm phụ nhau khám “cuốn chiếu” đến bé cuối cùng. Hoặc có chuyến xa, lẽ ra buổi chiều kết thúc nhưng có thêm bà con đến, một nhóm nhỏ ở lại khám tới 18h rồi mới đáp chuyến bay tối về lại TP.HCM.
Một vài chuyến đi, bà con không đến đủ, anh Toàn linh hoạt điều phối các bạn tình nguyện viên đến một số khu đông dân cư thuê xe đưa bé và người nhà đến khám.
Có lần đến một xã vùng sâu Đắk Lắk, sau buổi sáng vơi vơi bệnh nhân, buổi chiều nhóm chia nhau một nửa trực điểm khám, một nửa đến trạm y tế xã cách vài cây số. “Bà con ở cách xa, phải đi làm rẫy làm nương đâu tới được nên mình cố gắng linh động. Lần đó khám thêm được mấy trăm bé”, anh kể.

Các bác sĩ Liên chi hội Tim mạch nhi và tim bẩm sinh TP.HCM khám bệnh tim cho trẻ em khó khăn
Gầy dựng nhóm tình nguyện viên nhiệt huyết
Sau những chuyến đi, quan sát tình nguyện viên nào hoạt động tốt, anh quy tụ thành nhóm khoảng 40 người và mỗi lượt đi 10 bạn cả mới và cũ. Có những khi về lại thành phố 1-2h sáng, mọi người còn phải di chuyển về nhà riêng nhưng ai cũng vui vẻ.
Có đợt cuối tháng 5-2023 cả đoàn đi Hồng Dân (Bạc Liêu cũ, nay thuộc Cà Mau), 11h đêm còn cách điểm khám 15km mà cầu đường đang sửa, xe lớn không vào được.
“Chiếc xe nhỏ đi cùng chỉ chở được vài người mỗi chuyến, rồi chở quà nữa. Tầm 2h sáng cả đoàn vô tới nơi và thức luôn tới sáng”, anh nói. Các bạn trẻ thân thương gọi đùa anh là ba vì sự quan tâm, chu toàn của anh.
Góp chuyện, bác sĩ Quốc cho biết cả đoàn luôn dặn nhau làm thực chất, hạn chế khâu rườm rà để khám hiệu quả và tránh lãng phí. Và nhất là làm sao cho bà con thấy thoải mái khi đưa con cháu tới khám.
Quan điểm của cả đoàn linh hoạt, nên sau mỗi chuyến đi mọi người thường chia sẻ kinh nghiệm hoặc cách điều phối sáng tạo hơn. Chẳng hạn, bà con đến khám theo khung giờ phiếu thứ tự, với mỗi khung trong vòng 2 giờ họ không phải đợi lâu.
Miệt mài với những chuyến đi, anh Toàn càng cảm phục tấm lòng các bác sĩ và tình nguyện viên tham gia.
Là một trong những người góp công, góp của cho chương trình, anh nói: “Hai vợ chồng tôi đồng lòng rằng mình kinh doanh có lợi nhuận, trích ra đóng góp phần nào là lẽ thường tình. Tôi nghiệm lại thấy không phải tự nhiên mình may mắn vẫn làm ăn ổn, nên cố gắng làm điều tốt trong khả năng”.
Sắp tới, anh cùng đoàn ấp ủ tăng thêm điểm khám ở địa phương trong các chuyến đi.
Cách đây chừng 3 năm, trong chuyến đi cùng đoàn ở Sông Hinh, Phú Yên (nay là Đắk Lắk), anh Toàn gặp người cha có con gái 5 tuổi bệnh tim. “Anh này quá nghèo, nên câu chuyện dẫn con đi Sài Gòn chữa là không thể. Chưa kể nghỉ làm công một ngày cả nhà không có tiền sinh hoạt”, anh kể.
Anh gọi thuyết phục nhưng người cha chần chừ. Hôm sau gọi tiếp, anh kia không bắt máy. “Tôi lấy sim khác gọi nói một tràng. Vài lần như vậy và hứa sẽ lo toàn bộ chi phí kể cả ngày công trong tuần, ảnh chịu vô Sài Gòn”. Anh còn nhờ một người bạn đưa cha con họ ra bến xe. Phẫu thuật thành công, ai cũng mừng vui.
Là tình nguyện viên từ 2023, chị Lê Kha Thùy Nhi (30 tuổi) cảm nhận: “Đây là chương trình thật sự ý nghĩa. Anh Toàn điều phối khá tốt, tạo sự kết nối và hỗ trợ, kết hợp ăn ý giữa các anh chị em. Chương trình diễn ra suôn sẻ cũng nhờ sự định hướng và chia sẻ kịp thời từ các anh chị trong đoàn”.
Theo TS.BS Đỗ Nguyên Tín, chương trình được tổ chức trung bình mỗi tháng một lần, mỗi lần khám khoảng 1.500 – 2.000 bé từ sơ sinh đến 16 tuổi. Tỉ lệ phát hiện bệnh và đưa vào TP.HCM hỗ trợ điều trị tại các đơn vị chuyên sâu về tim mạch là khoảng 1-2%. “Anh Toàn nhiệt tình tham gia hỗ trợ, điều phối. Chúng tôi mong chương trình được sự chung tay của nhiều đơn vị để các bé được tầm soát nhiều hơn”, bác sĩ Tín nói.