Bạc LiêuTừ năm 18 tuổi, khi biết mình là con nuôi, ông Sơn đã nung nấu kế hoạch đi tìm lại gia đình để “được một lần được hít hơi ấm của mẹ”.
Nhưng phải 40 năm sau, ông Nguyễn Minh Sơn, 58 tuổi, ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ mới lần đầu được trở về quê mẹ trong vòng tay của những người ruột thịt. Có điều, cha mẹ ông đã không còn nữa.
“Con đã tìm ba má bao nhiêu năm nay. Giờ con đã về nhà, ba má hãy an lòng”, người đàn ông nói trước bàn thờ của đấng sinh thành.

Ông Sơn và vợ (bên phải) cùng các anh chị em trong gia đình dâng hương cho cha mẹ, hôm 2/5. Ảnh: Tuấn Vỹ – Kết nối yêu thương
Trước những người ruột thịt, ông Sơn hồi tưởng từ nhỏ đã thường xuyên bị người xung quanh trêu là ”đồ con nuôi”. Đứa trẻ khóc, về hỏi bố mẹ. Bà Bùi Thị Ty (mẹ nuôi) không phủ nhận cũng không khẳng định, chỉ ôm lấy con dỗ dành: ”Ai mà chả phải có bố mẹ nuôi. Không nuôi làm sao mà lớn được”.
Là đứa con duy nhất trong nhà, được cha mẹ yêu thương, cậu bé Sơn khi đó không còn để tâm về danh phận. Nhưng khi Sơn sang tuổi 18, một hôm cha mẹ gọi đến, chính thức xác nhận cậu là con nuôi.
”Ba mẹ có thương con không, sao giờ này mới nói?”, đứa con ngơ ngác hỏi. ”Vì thương nên ba mẹ đợi con trưởng thành mới nói”, bà Ty đáp.
Rồi bà kể con nghe cuộc chia ly năm 1966. Khi ấy, bà Ty đang buồn vì cảnh hiếm muộn nghe tin có người mẹ muốn cho con nên tìm đến.
Người phụ nữ ấy cao ráo, nhà gần nhà thờ Nàng Rền (Hưng Thành, Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), đang một mình nuôi 6 đứa con giữa thời chiến tranh loạn lạc. Đứa trẻ vừa sinh là con thứ 7, sợ không nuôi nổi bà đành cho đi.
Hai người mẹ trao con cho nhau trong im lặng, không hỏi tên tuổi. Hôm đó, một cậu bé 10-12 tuổi mang cơm cho mẹ, biết em bị cho đi liền bỏ chạy ra ngoài.
Năm 1973, khi Sơn 8 tuổi, gia đình cha mẹ nuôi rời Bạc Liêu về Cần Thơ.
Biết mình là con nuôi, Sơn tự hứa phải tìm được gốc gác. 20 tuổi, ông bắt xe đến Bạc Liêu, tìm đến nhà thờ Nàng Rền. Nhưng trời đã chiều, đường sá sông rạch chằng chịt, ông không biết tên cha mẹ hay địa chỉ. Người xe ôm khuyên ở lại hôm sau đi tiếp, nhưng ông không quen ai để nhờ vả. Thất vọng, ông trở về.
Trong 40 năm, ông Sơn quay lại Bạc Liêu thêm bốn lần nhưng đều trở về trong vô vọng. Có lần ông gửi hồ sơ lên đài truyền hình tìm người thân nhưng không được phản hồi.

Vợ chồng ông Thắng (giữa) và anh chị ruột chụp hình lưu niệm, hôm 2/5. Ảnh: Tuấn Vỹ – Kết nối yêu thương
Cuộc sống cuốn ông vào mưu sinh. Sau khi bốn người con lần lượt chào đời, ông tạm gác nỗi buồn. Ba năm trước, con gái lấy chồng sang Mỹ, bảo lãnh vợ chồng ông sang xứ người định cư. Cuộc sống đầy đủ nhưng trong ông luôn có khoảng trống. ”Khát khao tìm cha mẹ trong tôi là vô tận”, ông nói.
Nhiều đêm, bà Tạ Thị Ánh (vợ ông) thấy chồng ngồi chảy nước mắt ngoài hiên. Hỏi lý do, ông òa khóc: “Ba mẹ tui đâu, anh chị tui đâu mà không đi tìm tui?”.
Biết mong mỏi cuối đời của cha là tìm lại những người ruột thịt, các con ông Sơn lên mạng xã hội dò tìm tin tức. Cuối năm ngoái, họ kết nối với kênh “”. Tết 2024, ông Sơn về Việt Nam tham gia chương trình.
Tại xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, một người hàng xóm thấy ông Sơn giống hệt người nhà ông Trần Văn Thắng, 71 tuổi, nên cho xem đoạn video. Ông Thắng nhớ lại chi tiết năm xưa mình cũng từng mang cơm cho mẹ đúng lúc em bị cho đi.
Ngày ấy, cha bị bắt, mẹ ông Thắng một mình nuôi đàn con. “Má sợ pháo kích chết cả mấy mẹ con nên mới cho em đi”, ông kể. Cả hai gửi mẫu ADN để xét nghiệm.
Chưa cần kết quả, chỉ nhìn nét mặt giống nhau, nghe câu chuyện trùng khớp, ông Sơn đã tin mình tìm được gia đình. 10 ngày sau, ADN xác nhận. Dù đã chuẩn bị tinh thần, khi nghe thông báo, ông vẫn lặng người. Bà Ánh phải đứng bên vuốt ngực cho chồng.
”Tôi thấy mình như được sinh ra lần nữa”, ông kể lại khoảnh khắc cả đời mơ ước.
Từ đó, những cuộc gọi xuyên đêm nối liền Việt Nam – Mỹ. Ông biết ngoài các anh chị, mình còn hai người em khác. Ngày xưa, họ từng hỏi mẹ về đứa em bị cho đi nhưng bà không biết thông tin gì về gia đình nhận nuôi.
“Em chưa từng oán trách mẹ. Nếu trách, em đã không đi tìm”, ông Sơn nói. Vì công việc, ông chờ đến kỳ nghỉ lễ 30/4 năm nay mới về nước.
Trong những ngày cả nước mừng 50 năm Bắc – Nam sum họp, gia đình ông Sơn cũng có một lễ đoàn viên. Hơn chục mâm cơm được dọn ra, bàn ghế, hoa tươi, loa đài sẵn sàng đón vợ chồng người em thất lạc.
Đi cùng ông Sơn còn có mẹ nuôi 83 tuổi, cha vợ hơn 90 tuổi và các con cháu. Nhìn ông Sơn khóc khi ôm những người ruột thịt, ai cũng nghẹn ngào. Trước mặt mọi người, ông giới thiệu mẹ nuôi, như một lời tri ân.
Điều khiến ông Sơn day dứt nhất là không kịp gặp lại cha mẹ ruột. “Tui vẫn mơ được ôm lấy má, cảm nhận hơi ấm của má và báo hiếu công sinh thành”, ông nói.
Không còn cha mẹ, ông bù đắp bằng những gắn kết với anh chị em.
Còn 10 ngày phép, ông dự định ở nhà mẹ nuôi thêm ba ngày, sau đó về Bạc Liêu, ở mỗi nhà người thân một ngày, cho thỏa khát khao của hơn nửa đời người.
“Cuộc đời tui từ nay đã trọn vẹn”, ông nói.
Phạm Nga