Sáng 30/4/1975, trong con hẻm nhỏ giữa lòng Sài Gòn, chàng trai Nguyễn Đình Đạt vội vã ghi lên mảnh giấy hai chữ “phóng viên”, dán lên ngực rồi lao ra đường. Không có thẻ nhà báo, không có nhiệm vụ, anh chỉ có 36 lần bấm máy – là 36 nhịp tim đập cùng khoảnh khắc lịch sử. 50 năm sau, ký ức ấy chưa một lần phai nhòa trong ông.
Con hẻm 399
Nằm nép mình trên đường Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sỹ, quận 3, TPHCM), con hẻm 399 năm ấy là nơi sinh sống của gia đình ông Nguyễn Đình Đạt. Cậu thanh niên Đạt khi ấy vừa tròn 19 tuổi, không biết, và cũng chẳng ai biết, chỉ vài phút sau, lịch sử sẽ ùa vào nhà ông qua cánh cửa đang khép hờ.
Những ngày cuối tháng 4/1975, tin tức từ khắp nơi dội về Sài Gòn như những cơn sóng dồn dập đến nghẹt thở, báo hiệu cho một sự đổi thay lớn. Trong ký ức của ông, Sài Gòn khi ấy rối ren và lộn xộn. Có những gia đình tính chuyện bỏ đi, còn xóm nhà ông thì ít ai dám ra ngoài vì sợ đạn lạc.

Khoảng 11h ngày 30/4/1975. Biệt động thành xuất hiện đồng loạt, quần áo như người dân Sài Gòn nhưng trang bị súng AK, B40 và P64 (Ảnh: Nguyễn Đình Đạt).
Cũng như bao người dân Sài Gòn khi ấy, ông hồi hộp chờ đợi và không khí trong nhà lặng như tờ sáng 30/4. Cả gia đình chăm chú lắng nghe tin tức từ chiếc radio cũ. Bất ngờ, tiếng bước chân dồn dập, tiếng xôn xao lạ thường từ đầu hẻm vọng lại. Đưa mắt ra ngoài, ông thấy hai người lính phi công đang nép mình dưới mái hiên, tay vội vàng cởi bỏ bộ quân phục.
“Thời khắc đó, tôi biết chắc, quân giải phóng đã tiến vào thành phố”, ông Đạt nói.
Biết sự kiện lịch sử đang diễn ra trước mắt mình, với trái tim thổn thức trước thời cuộc, với phản xạ gần như bản năng, cậu trai trẻ vội cầm máy ảnh lao ra phố.
“Những tấm ảnh đầu tiên là tôi núp trong con hẻm trước nhà chụp. Chụp xong, tôi chạy
Nếu không ra khỏi nhà, nếu không bấm máy, nếu không tận mắt chứng kiến, cả đời còn lại tôi sẽ không tha thứ cho mình.
ngay vào nhà. Rồi lại rón rén ra, nấp sau bức tường, sau cánh cổng, chỉ chờ đoàn quân tiến đến là đưa máy lên. Không kịp canh góc, không kịp chỉnh nét, thấy vừa đủ khuôn hình là bấm. Bấm xong là quay lưng bỏ chạy một mạch. Ai hỏi gì cũng không đáp, không dám mở miệng. Tôi cứ thế, chụp rồi chạy, chạy rồi chụp. Tim đập thình thịch, mà tay thì không buông máy”, ông Đạt nhớ lại.
Sau khi “tác nghiệp” tại góc đường Trương Minh Giảng, ông gọi điện cho bạn thân, cả hai liều lĩnh viết chữ “phóng viên” thật to lên giấy, dán trước ngực và sau lưng – như một tấm khiên mong manh.
Đạt ôm hai chiếc máy ảnh Nikon FTN và Leica M3, mang theo hai cuộn phim 36 kiểu rồi leo lên chiếc ô tô của gia đình, rời nhà. Không áo giáp, cặp máy ảnh trước bụng là “giấy thông hành” của chàng trai 19 tuổi. Ông rong ruổi khắp Sài Gòn để chụp lấy từng nhịp thở của lịch sử.
Hành trình từ sáng đến trưa là cuộc đua với thời gian. Hai chàng trai không có bản đồ, không có chỉ huy, chỉ có trái tim và chiếc máy ảnh dẫn đường.
“Tôi đi từ đường Trương Minh Giảng, Trần Huy Liệu, Võ Di Nguy (nay là đường Phan Đình Phùng), Hai Bà Trưng, qua Gò Vấp rồi xuống tận Thủ Đức, rồi đổ về trung tâm Sài Gòn, kết thúc tại Dinh Độc Lập vào khoảng 14h. Chúng tôi cứ thế, đi hết một vòng Sài Gòn trong vài giờ đồng hồ”, ông Đạt nhớ lại.

Khoảng 14h ngày 30/4/1975 người dân tập trung ở khu vực Dinh Độc Lập (Ảnh: Nguyễn Đình Đạt).
Chỉ có 36 lần bấm máy, ông Đạt phải “hà tiện” từng khung hình, như người lính giữ từng viên đạn quý giá trên chiến trường. Ông căng mắt chọn lựa, tim đập dồn khi giơ máy lên, bởi ông biết, thời khắc này sẽ chẳng thể nào lặp lại lần thứ hai.
“Tôi chỉ là một cậu trai bình thường với niềm đam mê nhiếp ảnh cùng chút “máu liều” của tuổi trẻ, chụp lại những gì mình tận mắt chứng kiến trong buổi giao thời ấy, để không quên cảm giác trái tim mình đã run lên thế nào khi thấy lá cờ giải phóng tung bay giữa Sài Gòn. Nếu không ra khỏi nhà, nếu không bấm máy, nếu không tận mắt chứng kiến, cả đời còn lại tôi sẽ không tha thứ cho mình”, ông Đạt tâm sự.
Hồi ức không phai
50 năm trôi qua, chàng trai cầm máy ảnh hôm nào nay đã mấp mé tuổi 70. Ông vẫn đam mê nhiếp ảnh, vẫn thường lái xe trở lại ngôi nhà cũ, góc phố xưa, những nơi đã in dấu chân ông trong ngày lịch sử. Cảnh vật hầu như vẫn còn đó, chỉ có con người là đã khác. Người xưa nay tóc đã bạc, dáng đi chậm chạp, lẩn thẩn theo bước thời gian.
Nửa thế kỷ, quãng thời gian đủ dài để nhiều thế hệ được sinh ra. Với một số người, ký ức 30/4/1975 là câu chuyện theo năm tháng, còn với ông, mọi thứ vẫn nguyên vẹn như hôm qua.
“Mỗi lần lật lại những bức ảnh ấy, ký ức ùa về, rõ ràng như thể chỉ vừa mới hôm qua. Người ta hỏi tôi có còn nhớ những nơi mình từng chụp không? Nhớ, nhớ chứ, làm sao quên được. Tôi nhớ từng tấm ảnh được bấm ở đâu, đứng ở góc nào, ánh sáng khi ấy ra sao. Thậm chí, tôi còn nhớ cả khung cảnh và mùi hương của ngày hôm đó – mùi nắng tháng Tư trộn lẫn với khói xe, mùi tro bụi lững lờ trong không khí… và mùi xăng quân dụng, cái mùi mà suốt đời tôi không thể nào quên”, ông Đạt trầm ngâm, ánh mắt xa xăm như đang trở lại ngày tháng cũ.

Người ghi lại khoảnh khắc lịch sử 30/4/1975 – nay vẫn nâng niu từng bức ảnh như những mảnh ký ức không thể quên (Ảnh: Thúy Hường).
Khoảng 10h30, Sài Gòn chìm trong im lặng đến ngột ngạt. Quân lính VNCH đã tháo chạy, vứt lại quân trang, súng đạn lăn lóc khắp nơi.
“Ấy thế mà…”, ông Đạt ngưng một nhịp, “…còn sót lại một anh lính. Hai tay ôm chặt hai
khẩu M16, vai đeo thêm hai khẩu chống tăng M72, bước đi thất thểu, không phương hướng, không biết đi đâu, về đâu”, ông Đạt nhìn vào tấm ảnh và nói.
Ông kể, đó là khoảnh khắc khủng khiếp nhất hôm ấy. “Khi anh lính đi đến đoạn bên kia đường, tôi không nghĩ gì nữa, chỉ lao ra giữa đường mà chụp. Vừa bấm máy
xong là quay đầu chạy bán sống bán chết, sợ sẽ bị bắn, sợ mọi thứ có thể xảy ra”, ông Đạt lại đăm chiêu.
Mỗi lần lật lại những bức ảnh ấy, ký ức ùa về, rõ ràng như mới hôm qua.
Lặng một lúc rồi ông Đạt nói thêm: “Đó cũng là người lính VNCH cuối cùng tôi thấy hôm đó. Sau đó, chỉ còn những đoàn quân giải phóng xuất hiện. Biệt động thành cũng đồng loạt lộ diện trên những
chiếc xe Jeep, không huy chương, không cờ xí, không khẩu hiệu. Quần áo họ mặc chẳng khác mấy người dân Sài Gòn, áo sơ mi, quần tây, dép râu, nhưng trên tay là súng AK và súng quân dụng P64. Đây là hình ảnh hoàn toàn bất ngờ với nhiều người dân như chúng tôi”.
Sau khi hoàn thành bộ ảnh trong ngày lịch sử 30/4/1975, ông Đạt trở về nhà, tự tay tráng phim, in ảnh và cẩn thận cất giữ từng tấm như báu vật. Trong tổng số 36 tấm phim, ông tráng ra được 33 tấm, một phần vì thói quen nghề nghiệp luôn chừa lại vài khung cuối cùng, một phần vì muốn giữ lại một khoảng trống cho điều chưa kể hết.
Ông từng dự định 10 năm sau ngày 30/4/1975 sẽ công bố bộ ảnh ấy, nhưng cuộc sống sau đó bận rộn, ông lại chờ thêm 10 năm, rồi lại 10 năm nữa. Chỉ đến gần 40 năm sau, khi ông quyết định công bố, những bức ảnh mới thực sự được công chúng đón nhận như một món quà vô giá.

Khoảnh khắc người lính VNCH thất thểu bước đi giữa dòng người qua ống kính của ông Đạt (Ảnh: Thúy Hường).
Từ đó, ông được biết đến là người lưu giữ một trong những bộ ảnh quý giá nhất về ngày đất nước thống nhất. Bộ ảnh được Viện Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng nhiều cơ quan thông tấn lưu trữ như một tư liệu gốc sống động, chân thực về thời khắc quan trọng của đất nước. Một số tấm còn được Bộ Quốc phòng và Thông tấn xã Việt Nam đưa vào kho lưu trữ quốc gia, như những mảnh ghép lịch sử không thể thay thế.
Điều tiếc nuối
Hòa bình trở lại, gia đình ông Đạt đi kinh tế mới, riêng ông ở lại thành phố. Ông xin vào làm lái xe tại Tổng công ty Xuất nhập khẩu. Đam mê nhiếp ảnh chưa từng nguôi, ông luôn mang theo chiếc máy ảnh bên mình, ghi lại những khoảnh khắc đời thường của một đất nước đang hồi sinh, từ những hợp tác xã mới hình thành cho đến gương mặt người dân đang tất bật dựng lại cuộc sống trong hòa bình.
Những tấm ảnh ấy được ông gửi về tòa soạn báo Thương Mại, nơi ông kiêm nhiệm thêm vai trò phóng viên ảnh. Ông cần mẫn vừa làm việc, vừa sống trọn vẹn với đam mê. Sau nhiều năm gắn bó, ông từng giữ chức Trưởng phòng Kho vận của Tổng công ty Xuất nhập khẩu, cho đến khi nghỉ hưu năm 2004, khép lại 30 năm công tác trong lặng thầm, như chính cách ông gìn giữ những bức ảnh lịch sử năm nào.
Đời tôi như vậy là quá mãn nguyện rồi, tôi may mắn hơn biết bao nhiêu người.
Khi được hỏi về những điều còn nuối tiếc, ông Đạt mỉm cười: “Đời tôi như vậy là quá mãn nguyện rồi, tôi may mắn hơn biết bao nhiêu người. Nhưng vẫn có đôi điều tôi còn mong mỏi”.
Ông kể, sáng 30/4/1975, khi đến đường Yên Đỗ (nay là Lý Chính Thắng, quận 3), ông thấy một chiếc xe bọc thép M113 đậu trước tiệm phở Bình, nơi khi đó đang có rất đông người tụ tập xung quanh. Nghĩ đó chỉ là một cảnh bình thường, không có gì đặc biệt, ông không dừng lại chụp mà tiếp tục lên đường. Mãi sau này, khi biết tiệm phở Bình chính là nơi chỉ huy của lực lượng biệt động thành trong những ngày cuối cùng của chiến dịch, ông thấy tiếc nuối khôn nguôi.
“Giá như hôm đó tôi dừng lại chụp một tấm thôi… thì hay biết mấy. Có lẽ tôi sẽ không còn phải nuối tiếc đến tận bây giờ”, ông nói, ánh nhìn thoáng trầm tư giữa những ký ức đã thành lịch sử.

Bức ảnh được ông Đạt chụp vào ngày 1/5/1975, một người lính giải phóng đang ngồi trò chuyện cùng người dân tại một ngôi nhà gần cầu Thị Nghè (Ảnh: Nguyễn Đình Đạt).
50 năm đã qua, những người lính trong ảnh giờ ở đâu? Có người đã hy sinh, có người đang sống lặng lẽ trong một góc phố nào đó, có người có thể chính là ông cụ hàng xóm hay bác tài xế gặp trên đường. Họ là những gương mặt chỉ xuất hiện trong tích tắc, giữa phố xá ngày ấy, rồi tan vào dòng đời. Ông Đạt vẫn mong một ngày có thể gặp lại họ, trao lại bức ảnh.
Trong một bức ảnh được ông chụp vào ngày 1/5/1975, một người lính giải phóng đang ngồi trò chuyện vui vẻ cùng người dân tại một ngôi nhà gần cầu Thị Nghè. Nụ cười của anh, sự gần gũi của anh với người dân, chính là điều khiến ông Đạt mãi khắc ghi.
“Bức ảnh rõ mặt một người lính giải phóng. Tôi từng đăng bức ảnh ấy lên mạng xã hội, mong anh ấy hoặc người thân thấy được. Nếu được gặp lại, đó sẽ là cuộc hội ngộ vô cùng ý nghĩa. Nhưng đến nay, sau nhiều năm tìm kiếm, tôi vẫn chưa thể kết nối được với người trong ảnh”, ông Đạt nói.
Ông ngước nhìn về phía xa, giọng nhẹ đi: “Nếu còn sống, giờ chắc họ cũng tầm 70 tuổi như tôi. Chỉ cần một người thôi, tôi sẽ lại in bức ảnh đó ra, trao tận tay, như một món quà nhỏ từ quá khứ. Đó là điều khiến tôi day dứt mãi. Không phải vì thiếu một bức ảnh, mà vì những gương mặt trong đó, những con người đã làm nên lịch sử, xứng đáng được nhớ đến, gọi tên, và tri ân”.
Màu của hòa bình…
Nửa thế kỷ qua đi, thành phố đã đổi thay nhiều. Những con đường giờ rực rỡ ánh đèn, nhà cao tầng mọc lên san sát, dòng người tấp nập. Nhưng với ông Đạt, những con đường xưa ấy vẫn còn đâu đó trong trí nhớ, từng viên gạch, từng bóng cây, từng nụ cười hay ánh mắt.
“Mỗi lần đứng lại góc cũ, tôi như thấy lại chính mình của 50 năm trước. Một chàng trai trẻ run tay bấm máy, nhưng mắt thì không rời cảnh tượng trước mặt. Tôi biết, giây phút đó mình đã sống trọn vẹn”, ông Đạt tâm sự.
Ông Đạt nhận mình là người may mắn có mặt vào đúng lúc, đúng nơi, và đủ bản lĩnh để không quay lưng lại.

Ông Đạt vẫn thường lật lại từng tấm ảnh như lần từng mảnh ký ức của chính mình (Ảnh: Thúy Hường).
Sắp tới đây, bộ ảnh lịch sử ông chụp ngày 30/4/1975 sẽ được trưng bày tại Hội Nhiếp ảnh TPHCM, như một lời tri ân dành cho quá khứ, và là cầu nối để thế hệ hôm nay hiểu hơn về một thời khắc không thể lãng quên.
Ông nhắn nhủ đến thế hệ trẻ: “Tôi không bắt ai phải xúc động như mình, chỉ mong các bạn hiểu rằng, độc lập hôm nay không tự nhiên mà có. Màu của hòa bình đẹp lắm. Nó được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của những người đi trước. Điều các bạn cần làm là sống có trách nhiệm, yêu thương, và trân quý hòa bình mỗi ngày”.
Bởi 50 năm nhìn lại, lịch sử không chỉ nằm trong những dòng ký ức, mà còn sống trong mỗi lựa chọn của chúng ta hôm nay. Và đôi khi, một cái nhìn biết ơn cũng đủ là cách đẹp nhất để tiếp nối.
Sự kiện 30/4 với mỗi người là một ký ức riêng. Với ông Đạt, đó là ngày thiêng liêng, và những tấm ảnh là lời kể không cần nói. Lịch sử có thể được viết bằng ngôn từ, nhưng cũng có khi sống mãi trong một cú bấm máy.