Người Mỹ nghĩ gì về 100 ngày đầu nhiệm kỳ của ông Trump?

Người Mỹ nghĩ gì về 100 ngày đầu nhiệm kỳ của ông Trump?

bởi

trong

Nhiều người Mỹ cảm thấy hoang mang vì những quyết sách gây tranh cãi của Tổng thống Trump trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ, số khác vẫn đặt niềm tin vào ông.

Scott Foster, 40 tuổi, cho biết đã bỏ phiếu cho Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử cuối năm ngoái vì chứng kiến nền kinh tế Mỹ trước đại dịch Covid-19, trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, đã phát triển tương đối mạnh mẽ.

Foster vẫn giữ thái độ lạc quan trong vài tuần đầu sau khi ông Trump nhậm chức. Nhưng khi các mối đe dọa về thuế quan mở ra, ông bắt đầu mất dần hy vọng về việc nền kinh tế Mỹ có thể lột xác.





Người Mỹ nghĩ gì về 100 ngày đầu nhiệm kỳ của ông Trump?

Tổng thống Donald Trump giơ cao một sắc lệnh hành pháp sau khi ký tại Washington hôm 20/1. Ảnh: AP

Foster cho biết ông gần đây tránh nhìn vào tài khoản hưu trí của mình để không phải thất vọng.

“Nếu mọi thứ không thay đổi, tôi sẽ khó lòng tiếp tục ủng hộ ông ấy”, Foster, cư dân tại thành phố Alexandria, bang Virginia, người làm việc trong lĩnh vực chính sách giáo dục, nói.

Tác động từ những động thái thay đổi chính sách nhanh chóng và sâu rộng của Tổng thống Trump đang lan tỏa khắp đất nước khi ông chạm mốc 100 ngày tại nhiệm vào 29/4.

Nhiều cử tri cho biết những hành động từ Tổng thống Trump đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của họ theo cách chưa từng có.

Hầu hết cử tri Dân chủ nói rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump tệ hơn những gì họ nghĩ, viện dẫn những bất ổn bắt nguồn từ các chính sách mà Tổng thống thực hiện trong 100 ngày qua.

Michelle Sanford, 53 tuổi, cư dân tại thành phố Eagleville, bang Pennsylvania, người đã bỏ phiếu cho ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris, cho biết bà đang bị ảnh hưởng trên mọi phương diện bởi các chính sách của Tổng thống Trump.

Sanford làm việc cho một công ty đồ hộp, nơi đang phải vật lộn với hậu quả từ đòn thuế quan. Điều này cũng tác động tới tài khoản hưu trí của bà.

Chồng bà lo lắng việc các nghị sĩ Cộng hòa đang thảo luận phương án cắt giảm bảo hiểm Medicaid sẽ khiến ông chật vật với các khoản thanh toán y tế của mình. Sanford thì lo cậu con trai đang học đại học của bà, người con lai hai dòng máu và đang được hưởng lợi từ các chương trình khuyến khích đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI), sẽ không còn được tiếp cận những nguồn lực đó nữa, trong bối cảnh Tổng thống Trump muốn hủy bỏ mọi chương trình DEI trong các cơ quan, tổ chức ở Mỹ.

“Mọi thứ nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi”, Sanford nói. “Tôi không hình dung được tình hình lại tệ đến mức này”.

Một cuộc thăm dò do Wall Street Journal công bố hồi đầu tháng cho thấy niềm tin công chúng đối với các kế hoạch kinh tế của Tổng thống Trump liên tục sụt giảm kể từ cuộc bầu cử. 75% cử tri nói rằng thuế quan sẽ làm vật giá leo thang, trong khi tỷ lệ này hồi tháng một là 68%.

Theo Dữ liệu Thị trường Dow Jones, kể từ khi ông Trump nhậm chức, chỉ số S&P 500 đã giảm khoảng 10%, tính đến ngày 23/4. Đây là mức giảm tồi tệ nhất của chỉ số này đối với bất kỳ nhiệm kỳ tổng thống nào trong 94 ngày đầu tiên.





Michelle Sanford, 53 tuổi, cư dân tại thành phố Eagleville, bang Pennsylvania, Mỹ. Ảnh: WSJ

Michelle Sanford, 53 tuổi, cư dân tại thành phố Eagleville, bang Pennsylvania, Mỹ. Ảnh: WSJ

Jackie Mehler, 75 tuổi, đến từ Erie, bang Pennsylvania, và chồng, lo ngại quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát có thể cắt giảm tiền An sinh Xã hội của họ, khi Tổng thống Trump và tỷ phú Elon Musk, người phụ trách Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE), không ít lần phàn nàn rằng chương trình này đầy rẫy gian lận.

Bà những năm gần đây phải cố gắng tiết kiệm, nấu những nồi súp rẻ tiền có thể dùng cho nhiều bữa ăn. Nhưng chính sách thương mại của Tổng thống Trump có thể khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn, bà nói.

“Chúng tôi phải cố gắng xoay xở để trang trải cuộc sống”, bà Mehler, người ủng hộ đảng Dân chủ, nói. “Hy vọng chiếc xe của chúng tôi không hỏng”.

Mehler mắc bệnh liên quan đến phổi và phải dùng một loại thuốc kê đơn đắt tiền. Bà sợ rằng thuế quan sắp tới đối với dược phẩm sẽ khiến bà gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận thuốc, vì ngành dược phẩm phụ thuộc nhiều vào nguồn sản xuất bên ngoài Mỹ.

“Tôi thực sự sợ hãi”, bà nói.

Tại vùng nông thôn Colorado, cử tri độc lập Mike Homiak, 31 tuổi, cảm thấy thất vọng với quyết định đóng băng tài trợ cho một số chương trình nông nghiệp của chính quyền Trump.

Là chủ trang trại đến từ thành phố Center, Homiak cho biết những người chăn nuôi đang mong được chính phủ trợ cấp cho các dự án bảo tồn nước theo luật được thông qua thời chính quyền Biden. Tuy nhiên, khoản trợ cấp này hiện trong tình trạng bấp bênh vì quyết định của ông Trump và họ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối với các viên chức chính phủ vì bộ máy liên bang bị tinh giản, Homiak cho biết.

“Tình trạng bất ổn về kinh tế và việc cắt giảm tài trợ do chính quyền Trump thực hiện khiến tôi phải thắt lưng buộc bụng”, anh nói.

Homiak cho hay anh cũng lo ngại về tác động từ đòn thuế quan mà Tổng thống Trump đang theo đuổi tới công việc của bạn gái anh. Cô hiện làm việc cho một công ty hàng tiêu dùng chủ yếu sản xuất tại Trung Quốc.

“Chúng tôi gần đây rất lo lắng về viễn cảnh cô ấy bị sa thải bởi nó sẽ khiến thu nhập của chúng tôi giảm đi hơn một nửa”, Homiak nói.

Nhưng nhiều người bỏ phiếu cho Tổng thống Trump vẫn thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối với ông, cho biết họ vui mừng vì thấy Tổng thống đang nhanh chóng hiện thực hóa những cam kết tranh cử của mình.

Doug Wyatt, 71 tuổi, cựu cảnh sát ở Eatonton, Georgia, cho rằng chính sách thương mại, thuế quan của Tổng thống Trump và chiến dịch trục xuất hàng loạt người nhập cư sẽ giúp nước Mỹ trở nên tốt đẹp hơn trong tương lai. Theo ông, để thế hệ tương lai được hạnh phúc, người Mỹ hiện tại phải chịu một số đau thương và chấp nhận hy sinh những điều trước mắt.

“Tôi nghĩ những gì Tổng thống đang làm là cần thiết”, Wyatt nói. “Ông ấy phải can đảm lắm mới làm được như vậy”.

Gene Tobin, 50 tuổi, cư dân ở Traverse City, Michigan, cho hay họ đồng tình với Tổng thống rằng kết quả cuối cùng mà các chính sách thương mại của ông đạt được sẽ lớn hơn những vấn đề mà chúng gây ra.

Tổng thống từng nói đòn thuế quan do ông tung ra sẽ buộc nhiều công ty phải đặt nhà máy tại Mỹ, thúc đẩy ngành sản xuất của đất nước.

“Tôi đi khắp nhà và hầu như mọi thứ đều ghi ‘Made in China’”, Tobin nói. “Tôi chắc chắn đòn thuế sẽ ảnh hưởng đến mình, nhưng về lâu dài, tôi nghĩ nó sẽ tạo ra thịnh vượng cho nước Mỹ”.

Vũ Hoàng (Theo WSJ, Reuters, AFP)