Bà là Trương Thị Bưng (1905-1983), tại xã Điện Bình, nay là phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Bà mẹ Điện Bình lấy thân mình chặn xe tăng càn quét xóm làng
Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm đến khối phố Viêm Minh, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, để tìm hiểu câu chuyện về mẹ Bưng – người phụ nữ tiêu biểu của Quảng Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Ông Mai Xuân Nghĩa, nguyên Bí thư xã Điện Bình kể về mẹ Bưng (Ảnh: Công Bính).
Câu chuyện về mẹ Bưng, người đã lấy thân mình chặn xe tăng địch năm 1965, vẫn còn sống động trong ký ức của nhiều người dân địa phương.
Ông Mai Xuân Nghĩa (73 tuổi), nguyên Bí thư xã Điện Bình, nhớ lại cuộc đấu tranh không cân sức giữa người dân và xe tăng địch. Mẹ Bưng cùng với một người phụ nữ khác đã dẫn đầu đoàn người chặn xe tăng Mỹ, bảo vệ xóm làng và lực lượng du kích.

Những nhân chứng cùng tham gia cùng mẹ Bưng trong đấu tranh chặn xe tăng địch (Ảnh: Công Bính).
Ông Nghĩa nhớ lại, sáng sớm một ngày tháng 9/1965, hàng chục chiếc xe tăng của Mỹ từ phía Non Nước (Đà Nẵng) vào xã Điện Bình càn quét. Cả làng được huy động ra đấu tranh, cản đường xe tăng địch.
“Người dân ai có mõ dùng mõ, ai có gì dùng nấy để báo động cùng ra chặn xe tăng của địch. Phụ nữ, bà già, con nít, thanh niên trong làng, ai cũng đổ ra đấu tranh”, ông Nghĩa nhớ lại.
Cuộc đấu tranh không cân sức giữa những người dân làng Điện Bình tay không và những cỗ xe tăng khổng lồ của địch. Cuộc giằng co kéo dài từ sáng đến gần trưa, quân địch buộc phải nhượng bộ.
Theo những nhân chứng trong cuộc đấu tranh ngày đó, mục đích người dân ra chặn xe tăng của địch để cho du kích, bộ đội trong làng có thời gian di tản khỏi nơi ẩn nấp, bảo vệ lực lượng.

Bàn thờ mẹ Bưng với Huân chương kháng chiến hạng Ba (Ảnh: Công Bính).
Trong cuộc đấu tranh đó, mẹ Bưng và dân làng chỉ dùng tay không hô hào cản bước tiến quân địch, không dùng bất cứ loại vũ khí nào, chỉ bẻ nhành cây tươi làm “vũ khí”.
Mẹ Bưng cùng chị em phụ nữ lấy thân mình chắn ngang trước đoàn xe, dùng các đôi tay trần đẩy nòng súng lên cao, không cho chĩa vào đồng bào.
Cuộc đấu tranh gan dạ, dũng cảm của chị em dưới sự dẫn đầu của mẹ Bưng và mẹ Trần Thị Bảy diễn ra căng thẳng, quyết liệt, liên tục suốt từ sáng đến trưa. Đến khi kẻ địch thấy người dân quá đông, có nhiều phụ nữ và trẻ em nên phải nhượng bộ.
Theo người dân, cuộc đấu tranh, chặn đầu xe tăng của mẹ Bưng năm 1965 mở đầu cho những cuộc đấu tranh nhiều năm sau đó, kéo dài đến năm 1968-1969.
Người mẹ anh hùng trong lòng dân
Mẹ Bưng có 2 người con, một trai một gái. Con trai đầu tên Mai Văn Luyến, năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Con gái mẹ tên Mai Thị Mạnh, có 3 người con gồm Lê Mạnh, Lê Đào, Lê Thị Hồng, đều là liệt sĩ. Bà Mạnh được Nhà nước phong tặng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Ngoài ra, mẹ Bưng còn có con rể tên Đặng Thùy cũng là liệt sĩ.
Sau chiến tranh, mẹ Bưng sống với bà Mạnh. Năm 1983, mẹ Bưng qua đời. Còn mẹ Mạnh mất cách đây vài năm.
Con trai đầu của mẹ là Mai Văn Luyến đi tập kết ra Bắc, sau khi trở về, ông lập gia đình và định cư tại Quảng Bình. Ông có 4 người con, gồm 3 gái một trai. Tuy nhiên, 2 người con gái đầu của ông bị nhiễm chất độc da cam.

Tác phẩm “Bà mẹ Quảng Nam” của nhà điêu khắc Phạm Hồng, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng (Ảnh: Huỳnh Hùng).
Ông Đặng Công Còn (75 tuổi, ở khối phố Viêm Minh, phường Điện Ngọc) kể lại, năm 1965, ông cùng người dân đi đấu tranh với quân địch, khi đó mẹ Bưng đã 60 tuổi, ai cũng gọi bà Bưng là mẹ.
Sự đấu tranh anh dũng của mẹ Bưng được người dân sáng tác thành bài thơ. Những người ngày xưa theo mẹ đi đấu tranh vẫn còn nhớ bài thơ với tên Cồn Cát Biển. Nhiều người phổ nhạc, gọi là “Bài hát chống càn”.

Mộ mẹ Trương Thị Bưng được sửa sang và khánh thành ngày 22/4 (Ảnh: Huỳnh Hùng).
Theo NSND Huỳnh Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng, cũng là người con của quê hương Điện Bình xưa, hành động của mẹ Bưng là anh hùng trong lòng dân.
NSND Huỳnh Hùng cho biết, nhiều sách báo đã ca ngợi tinh thần yêu nước và sự dũng cảm của chị em phụ nữ, nhất là mẹ Trương Thị Bưng. Nhiều tác phẩm nghệ thuật lấy mẹ Bưng làm nguồn cảm hứng.
Hình ảnh của mẹ Bưng được ông Mai Phước Quang, ở xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, vẽ bức tranh “Người mẹ Điện Bình” rất sống động, đang trưng bày tại Bảo tàng thị xã Điện Bàn.
Đặc biệt, nhà điêu khắc Phạm Hồng, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng, làm bức tượng đồng về mẹ Bưng với tên tác phẩm là “Bà mẹ Quảng Nam”, được Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá cao khi trao Huy chương Bạc tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1990. Và tác phẩm này cũng góp phần giúp ông nhận được “Giải thưởng Nhà nước” danh giá năm 2012.
Ngôi mộ mẹ Bưng ở địa phương hiện nay cũng cũ so với các ngôi mộ xung quanh. Vừa qua, các cháu nội của mẹ Bưng cùng với các mạnh thường quân chung tay sửa sang lại mộ mẹ. Việc làm hết sức ý nghĩa trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam, cũng như giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Điện Ngọc, cho biết, mẹ Bưng là người phụ nữ tiêu biểu của địa phương trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước. Mẹ Bưng cùng mẹ Trần Thị Bảy là 2 người phụ nữ dũng cảm, dám đứng ra chặn xe tăng địch để bảo vệ du kích, bộ đội.
Lãnh đạo phường Điện Ngọc cũng cho biết, trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, Điện Ngọc nói riêng và thị xã Điện Bàn nói chung có nhiều mất mát. Riêng phường Điện Ngọc có 1.246 liệt sĩ, 288 Mẹ Việt Nam anh hùng. Phường Điện Ngọc được phong tặng anh hùng năm 1995.