Có mặt tại hiện trường vụ việc, chồng chị T. nhanh chóng tìm cách kéo chị ra khỏi máy cày và đưa chị đến bệnh viện cấp cứu. Trên đường đi đến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á TP.HCM, chị T. gần như rơi vào trạng thái kiệt sức vì đau đớn và mất máu quá nhiều.
Ngay khi tiếp nhận chị T., các bác sĩ Khoa Cấp cứu đã khẩn trương sơ cứu vết thương và thực hiện hồi sức, đồng thời tiến hành chụp CT scan toàn thân. Kết quả phát hiện chị T. bị gãy xương khung chậu mất vững, gãy cột sống, gãy xương đùi bên phải và gãy cánh tay bên trái.
Các bác sĩ Khoa Cấp cứu đã hội chẩn khẩn với các bác sĩ Khoa Chỉnh hình vi phẫu, gấp rút chuyển bệnh nhân lên phòng mổ để kịp thời xử trí thương tổn.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân T.
ẢNH: BSCC
Ngày 5.7, bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Phước Lộc, Khoa Chỉnh hình vi phẫu, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á, cho biết ca phẫu thuật cấp cứu diễn ra trong vòng 45 phút. Các bác sĩ vừa tiến hành cố định tạm xương khung chậu và xương đùi, vừa khâu cầm máu để bệnh nhân đỡ mất máu, đồng thời tiến hành hồi sức cho bệnh nhân.
“Chúng tôi đã truyền 6 đơn vị máu và 2 đơn vị huyết tương tươi (tương đương với 2,6 lít máu và huyết tương), các chỉ số sinh tồn liên tục được theo dõi sát sao từng phút. Sau khi sức khỏe bệnh nhân tạm ổn, chúng tôi tiến hành cuộc phẫu thuật lần 2 để cố định lại phần xương gãy và kết hợp xương”, bác sĩ Lộc chia sẻ.
Theo bác sĩ Lộc, đa phần những trường hợp bị máy cày đè đều có tiên lượng tử vong, nhưng trường hợp của bệnh nhân T. may mắn là người bệnh được phát hiện ngay lập tức và nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.
“Bệnh nhân bị gãy mất vững khung chậu và gãy xương đùi, đây là một ca điều trị khó. Đặc biệt trong quá trình di chuyển, bệnh nhân dễ khiến xương khung chậu bị lệch và gây mất nhiều máu, nên cần hết sức tỉ mỉ, kiên trì. Nếu không được xử lý kịp thời, bệnh nhân sẽ sốc mất máu và đối diện với nguy cơ tử vong”, bác sĩ Nguyễn Phước Lộc cho hay.
Cần cố định xương gãy
Hiện tại, sau 10 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đang dần hồi phục và được theo dõi chăm sóc tại Khoa Chỉnh hình vi phẫu. Trong thời gian tới, bệnh nhân sẽ được các kỹ thuật viên Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng hướng dẫn tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng vận động.
Bác sĩ Nguyễn Phước Lộc cũng khuyến cáo người dân nếu chẳng may bị máy cày đè hay tai nạn giao thông có nghi ngờ gãy xương thì cần cố định xương gãy và cố gắng di chuyển bệnh nhân một cách nhẹ nhàng khỏi hiện trường, tránh mạnh tay làm di lệch vị trí xương gãy. Sau đó nhanh chóng gọi xe cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, tránh để bệnh nhân rơi vào tình huống tử vong do sốc mất máu.