Ký ức người ở lại
Tai nạn lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58 ở Quảng Ninh không chỉ cướp đi sinh mạng của hơn 30 người, mà còn để lại nỗi đau không gì bù đắp được trong lòng những người ở lại.
Đến nay, nhiều người vẫn chưa thể quên ánh mắt thất thần của những người sống sót bước lên bờ. Họ được xem là những người may mắn trở về sau vụ tai nạn, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn vẫn còn đầy ám ảnh về khoảnh khắc chơi vơi giữa dòng nước, về những người thân đã ra đi…

Một gia đình ở Hà Nội 4 người mất, chỉ còn con trai sống sót (Ảnh: Hà Nam).
Trong căn phòng bệnh viện ở Quảng Ninh, anh Nguyễn Hồng Quân – một trong 3 người sống sót bằng cách ôm chặt ghế gỗ giữa biển – vẫn chưa thể ngủ trọn giấc khi nhớ về những mảnh ký ức kinh hoàng trong vụ lật tàu.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, điều khiến anh ám ảnh không phải là sóng dữ hay cơn mưa lạnh buốt, mà là ánh mắt của người đàn ông cùng bám vào chiếc ghế, dần đuối sức và buông ra, với lời tiễn biệt: “Thôi chào anh em, tôi đi”.
Lời trăn trối mang đầy sự bất lực và cảm giác trôi dạt vô định giữa đại dương đã ám ảnh tâm trí của anh mãi không buông.

Khoảnh khắc 3 nạn nhân sống sót bằng cách ôm chặt ghế gỗ giữa biển trong bệnh viện (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Em N.M. (10 tuổi) cũng là nạn nhân sống sót trong vụ tai nạn, nhưng em trở về trong cảnh mồ côi khi bố mẹ và em gái đều không qua khỏi. Ký ức của N.M. vẫn còn đọng lại hình ảnh người cha đã cố gắng mặc áo phao cho em, đẩy em lên chỗ cao hơn, rồi kiệt sức chìm dần xuống nước.
Một hành động của tình phụ tử thiêng liêng, nhưng với N.M., giờ trở thành vết sẹo hằn trong tim. Tỉnh dậy trong trạng thái tâm trí còn hoảng loạn, điều đầu tiên em hỏi là “Bố mẹ con đâu?”, khiến ai nghe cũng xót xa.
Câu chuyện khiến nhiều người không khỏi trăn trở: “Làm sao một đứa trẻ có thể lớn lên bình thường khi ký ức cuối cùng về gia đình là cảnh chia ly không lời vĩnh biệt?”.
Không chỉ có em N.M. hay những người sống sót nhờ bám chặt ghế gỗ, mà những nạn nhân còn sống sót, cũng đang mang trong mình nỗi ám ảnh không dễ gọi tên.
“Khi tiếng gào khóc lặng dần, nỗi đau mới thật sự bắt đầu”
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chuyên gia tâm lý Hồng Hương cho rằng, với người sống sót sau thảm họa, đau thương không kết thúc ở khoảnh khắc thoát chết, mà bắt đầu từ giây phút họ nhận ra người thân không còn nữa.
“Khi một biến cố xảy ra, bản năng sinh tồn sẽ trỗi dậy mạnh mẽ trong mỗi con người. Trước tiên, họ tìm cách thoát thân, giữ lấy mạng sống. Nhưng khi đã trở về vùng an toàn, khi nhịp thở ổn định, khi tiếng gào khóc lặng dần thì nỗi đau mới thật sự bắt đầu”, chuyên gia nhấn mạnh.

Bé N.M. (10 tuổi) may mắn được cứu sống sau khi mắc kẹt trong thân tàu (Ảnh: Công an Quảng Ninh).
Theo chuyên gia, những giọt nước mắt lúc xảy ra biến cố chỉ là biểu hiện bên ngoài. Nỗi đau lớn nhất thường không đến ngay, mà lặng lẽ tích tụ, gặm nhấm tâm hồn sau đó.
“Khi đã hồi phục thể chất, trở về nhà và đối diện với thực tại, nơi không còn tiếng gọi “ba ơi”, “mẹ ơi”, “con ơi” thì người sống mới thật sự cảm nhận được sự trống trải kinh hoàng. Từ đó, họ có thể bước vào giai đoạn sang chấn tâm lý”, chuyên gia Hồng Hương cho biết.
Theo chuyên gia, sau thảm họa, không ít người sẽ xuất hiện các triệu chứng tâm lý như né tránh xã hội, rơi vào trầm cảm, rối loạn cảm xúc, rối loạn lưỡng cực, ám ảnh khi nhắc đến biển, không dám lên thuyền, sợ nước… Nặng hơn, họ có thể xuất hiện ảo thanh, ảo ảnh và hoang tưởng.
Trước câu hỏi “người sống sót có mang trong mình cảm giác tội lỗi vì mình là người được cứu không”, chuyên gia cho rằng không phải ai cũng như vậy. Tâm lý này dễ xảy ra với những người có trách nhiệm tổ chức chuyến đi, hoặc có tình cảm gắn bó sâu sắc với người đã khuất.
“Thậm chí, có người còn mang suy nghĩ “lẽ ra, mình mới là người phải hy sinh”. Câu hỏi ấy cứ day dứt, không buông”, bà Hương chia sẻ.
Người sống sót cũng cần được chữa lành
Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hương, tùy từng cá nhân, thời gian sang chấn có thể ngắn hoặc kéo dài. Người trưởng thành nếu có nhận thức vững vàng, đôi khi có thể tự chữa lành bằng niềm tin rằng mỗi người đều có sứ mệnh riêng và sự ra đi là một phần của kiếp nhân sinh. Nhưng với trẻ em, câu chuyện lại hoàn toàn khác.
“Với trẻ nhỏ, tổn thương tinh thần không thể tự lành. Các em cần được đồng hành sát sao bởi người thân và môi trường sống tích cực. Việc tái thiết tâm hồn trẻ sẽ ảnh hưởng đến suốt hành trình trưởng thành sau này”, bà cho hay.

Hiện trạng tàu Vịnh Xanh sau khi được trục vớt (Ảnh: Thành Đông).
Chuyên gia Hồng Hương nhấn mạnh: “Với người sống sót, điều cần nhất bây giờ không phải là những lời khuyên lý trí, mà là sự hiện diện trọn vẹn của người bên cạnh. Hãy lắng nghe họ, chấp nhận họ, không phán xét, không ép buộc. Sự đồng cảm chính là liều thuốc tinh thần đầu tiên”.
Đồng thời, gia đình, cộng đồng cần lưu ý đến những biểu hiện bất thường như mê sảng, xuất hiện ảo thanh hoặc hành vi khác thường kéo dài để kịp thời tìm đến chuyên gia tâm lý. Việc chữa lành có thể là một hành trình lâu dài, nhưng nếu được đồng hành đúng cách, người ở lại sẽ có cơ hội trở về với cuộc sống một cách trọn vẹn nhất có thể.
“Tôi cho rằng, tai nạn qua đi, nhưng tổn thương còn ở lại rất lâu. Là cộng đồng, chúng ta nên chọn cách yêu thương thay vì xét đoán. Người đã khuất không thể tự bảo vệ mình trong hoàn cảnh ấy, xin đừng đổ lỗi. Còn người ở lại, xin hãy giúp họ đứng dậy, bằng một cái nắm tay, một sự im lặng đầy tôn trọng”, chuyên gia Hồng Hương nói.