‘Người thầy’ mặc áo lính

‘Người thầy’ mặc áo lính

bởi

trong

Nghỉ hưu từ năm 2010, song người sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam này vẫn không nghỉ việc. Ông trở thành “người truyền lửa” cho thế hệ trẻ, bằng những bài học giáo dục truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

‘Người thầy’ mặc áo lính

Trung tá Phan Xuân Thi (người đứng), được mời tham gia chương trình giao lưu với nhân chứng lịch sử

ẢNH: NVCC

Người lính già làm ‘thầy giáo’

Ở tuổi 75, ông Thi vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Những năm tháng cầm súng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã giúp ông tôi luyện “chất thép” và sự bền bỉ. Ông truyền đạt đến học sinh, sinh viên bằng những kinh nghiệm vô giá, bài học về lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam, được đúc kết từ hàng ngàn trang lịch sử cùng với thực tiễn trong chiến đấu ông từng trải qua.

Chưa được kinh qua một lớp đào tạo nghiệp vụ sư phạm nào, nhưng phương pháp giảng dạy của ông Thi cuốn hút người nghe như một “thỏi nam châm”. Những kiến thức của ông nhanh chóng đi vào lòng người nhờ nghệ thuật truyền cảm hứng. Ông tâm sự: “Kết hợp giữa lý thuyết và thực tế sẽ khiến cho tiết học thêm sinh động. Tôi chú trọng tương tác để kích thích các bạn trẻ tích cực phát biểu ý kiến, giúp hiểu sâu và nhớ lâu”.

‘Người thầy’ mặc áo lính- Ảnh 2.
‘Người thầy’ mặc áo lính- Ảnh 3.

Sáng thứ hai hằng tuần, trung tá Phan Xuân Thi đến các trường học nói chuyện về truyền thống kháng chiến

ẢNH: NVCC

Với các em học sinh, những tiết dạy ngoại khóa của “thầy Thi” có ý nghĩa như trang sách “biết nói”. Dù sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình, độc lập, non sông liền một dải, nhưng các em vẫn hình dung được cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc hiện lên đầy hình tượng, sống động và giàu cảm xúc.

‘Người thầy’ mặc áo lính- Ảnh 4.

“Thầy Thi” tương tác với học sinh trong các buổi sinh hoạt dưới cờ

ẢNH: NVCC

Em Nguyễn Minh Trí, học lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.Thủ Đức, TP.HCM, vui vẻ khoe: “Những tiết sinh hoạt vào sáng thứ hai hằng tuần, ông Thi giúp chúng em có dịp ôn lại kiến thức lịch sử được thầy cô giảng trước đó. Em và các bạn càng thấm thía hơn ý nghĩa những hy sinh xương máu của bao thế hệ cha ông, mang lại tự do, cơm no áo ấm cho dân tộc ta”.

Cuộc đời của 42 năm trong quân ngũ, trải qua nhiều trận đánh ác liệt, có những lúc tưởng chừng như phải nằm lại nơi chiến trường., ông Thi giờ đây trở thành nhân chứng sống, miệt mài “chiếu” lại thước phim lịch sử. Ông kể chuyện bằng lời nói nhưng sống động như thật, truyền nhiệt huyết cho người trẻ và động viên họ sống tốt hơn, kế thừa những phẩm chất tốt đẹp của cha ông.

‘Người thầy’ mặc áo lính- Ảnh 5.

Trung tá Phan Xuân Thi cùng các đoàn viên trong buổi sinh hoạt về truyền thống kháng chiến

ẢNH: NVCC

‘Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước’

Lời dạy của Bác Hồ kính yêu luôn được ông Thi đưa làm dẫn chứng trong các buổi sinh hoạt dưới cờ cùng đội viên, đoàn viên. Tình yêu quê hương đất nước của “anh giải phóng quân” tên Thi làm lay động trái tim người trẻ. Sống có lý tưởng, sống cho Tổ quốc là thông điệp hay được ông nhắc đến trong các buổi nói chuyện chuyên đề. Ông khéo léo khơi dậy lòng tự hào dân tộc, trang sử hào hùng đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giúp người nghe cảm nhận sâu sắc giá trị của hòa bình, độc lập.

‘Người thầy’ mặc áo lính- Ảnh 6.

Ông Phan Xuân Thi (trái) khi còn là bộ độ

ẢNH: NVCC

Người thầy mặc áo lính này từng có mặt trong đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn tháng 4.1975. Hơn 10 năm sau ông tiếp tục tham gia nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pôn Pốt. Hàng chục năm chiến đấu ở nhiều mặt trận khác nhau, không chỉ giúp ông tích lũy kinh nghiệm, mà còn hình thành nhiều bài học vô giá. Trong đó, có cả những gửi gắm của ông đến thế hệ trẻ: “Giành lại hòa bình, độc lập cho nước nhà nhưng cũng cần giải phóng cho nước bạn khỏi ách nô lệ, họa diệt vong. Bảo vệ ‘người hàng xóm’ cũng là cách bảo vệ mình”.

Cô Nguyễn Thị Hồng An – Hiệu trưởng Trường THCS Hiệp Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết: “Trung tá Thi chính là người truyền cảm hứng không những cho các em học sinh, mà còn cho cả đội ngũ giáo viên. Chúng tôi đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý giá trong nghệ thuật giảng dạy ở người cựu chiến binh đáng kính này”.

53 năm tuổi Đảng, đảm nhận chức vụ Bí thư chi bộ Khu phố 3, P.Phước Bình, TP.Thủ Đức, TP.HCM từ hơn 10 năm nay, ông Thi vẫn như “ong thợ” cần mẫn mang cho đời “mật ngọt, hương thơm”, bằng những câu chuyện lịch sử từ cuộc đời cầm súng.

Ông thường tâm sự rằng ông là một trong số những người may mắn, được trở về lành lặn. Nhiều đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm xuống, hoặc phải để lại một phần thân thể nơi chiến trường. Ông tự nhủ phải xứng đáng với những người đã khuất.

Nhờ ông Thi gieo những “hạt giống tâm hồn”, nhiều thanh niên đã viết đơn tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự. Đảng viên trẻ Võ Hoàng Dũng, 21 tuổi, Bí thư chi đoàn Khu phố 5, P.Linh Đông, TP.Thủ Đức, TP.HCM trước khi lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự vào tháng 2.2025 đã chia sẻ: “Tôi được ông Thi giảng dạy những bài học về truyền thống kháng chiến, từ khi học tiểu học đến bậc THPT. Ông đã truyền cho chúng tôi ngọn lửa của lòng yêu nước cùng với trách nhiệm của người trẻ. Ba tôi trước đây cũng là người lính đóng quân ở Trường Sa. Tôi nguyện sống xứng đáng với thế hệ cha ông!”.

‘Người thầy’ mặc áo lính- Ảnh 7.

Những buổi nói chuyện về truyền thống kháng chiến của trung tá Phan Xuân Thi mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc

ẢNH: NVCC

Tấm gương mẫn cán

Công việc của một bí thư chi bộ khu phố tuy bận rộn, song không làm ông Thi giảm đi sự nhiệt tình. Ông thuộc lòng địa bàn, từng ngôi nhà, con hẻm như bàn tay của mình. Những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ông đến thăm hỏi, động viên nhiều hơn.

Từng được Thành ủy TP.Thủ Đức tuyên dương điển hình dân vận khéo, ông Thi vẫn khiêm tốn khi nói về mình: “Công sức là của chung tập thể gồm hàng trăm đảng viên, chẳng qua chi bộ đã ưu tiên cho tôi. Còn rất nhiều việc chúng tôi chưa hoàn thành, cũng như còn khá nhiều người dân đang cần tiếp sức”.

Cụ Phạm Thị Trang, 82 tuổi, sống neo đơn, rưng rưng kể lại: “Tôi sống một mình nhưng không hề đơn độc. Chú Thi và bà con lối xóm quan tâm, giúp đỡ tôi như người thân trong gia đình. Tình cảm của cán bộ khu phố và láng giềng đã làm cho tôi thêm vui sống”.

Cụ Trang là một trong số nhiều người được ông Thi cùng các đoàn thể hỗ trợ. Những ai còn khả năng lao động, ông Thi chủ động liên hệ với các cơ sở trú đóng ở phường để giới thiệu việc làm. Ông đứng ra bảo lãnh cho người nghèo vay vốn, buôn bán nhỏ, nhờ vậy mà thoát nghèo. Điều khiến ông hạnh phúc, là có nhiều trường hợp trong khả năng của mình đã quay lại cùng ông chia sẻ với những người khó khăn khác.

Năm 2018, chấp hành xong hình phạt tù trở về nhà, nhưng anh T.N.H., 36 tuổi, vẫn chưa hết mặc cảm. Trong lúc còn đang chông chênh giữa quá khứ lầm lỗi và hiện tại, anh được đón “vị khách” đầu tiên đến thăm đó là ông Thi. Những lời tâm sự chứa chan tình người của ông đã trở thành động lực giúp anh quyết tâm làm lại cuộc đời.

Biết anh H. có nghề sửa xe gắn máy, ông Thi xin cho anh vào làm việc tại một tiệm sửa xe gần chợ Phước Bình. Hiện nay, cuộc sống của anh khá ổn định, anh đã thật sự hoàn lương. Cách đây hai năm, anh H. lập gia đình, ngày cưới anh đã mời ông Thi làm chủ hôn. Hạnh phúc bên người vợ hiền và con trai một tuổi, anh H. vui vẻ khoe: “Bác Thi là ân nhân của vợ chồng tôi. Bác đã giúp tôi đoạn tuyệt với lỗi lầm trong quá khứ”.

Người cựu chiến binh ấy đến nay vẫn bền bỉ trên “mặt trận” bồi dưỡng cho thế hệ trẻ, góp phần tạo nên đội ngũ kế thừa có kiến thức khoa học, truyền thống yêu nước, thương nòi và cả tinh thần dấn thân, dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc thân yêu.

‘Người thầy’ mặc áo lính- Ảnh 8.