Người thương binh hồi sinh nhờ ghép tim, hạnh phúc trở về bên đồng đội

Người thương binh hồi sinh nhờ ghép tim, hạnh phúc trở về bên đồng đội

bởi

trong
Người thương binh hồi sinh nhờ ghép tim, hạnh phúc trở về bên đồng đội

Thương binh Lê Văn Vĩnh (giữa) được ghép tim thành công cùng sự chúc mừng của các đồng đội – Ảnh: BVCC

Đây không chỉ là sự hồi sinh của một trái tim, mà còn là câu chuyện về nghị lực phi thường của một người lính đã trải qua bao thăng trầm lịch sử và những thử thách khắc nghiệt của cuộc đời.

Gần 50 năm trước, chàng thanh niên Lê Văn Vĩnh hừng hực khí thế lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu giải phóng đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng.

Trên chiến trường đầy khói lửa, ông đối mặt với bao hiểm nguy, nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh. Nhưng người lính ấy không hề nao núng, kiên cường chiến đấu đến ngày chiến thắng, trở về với những vết thương trên cơ thể.

Thế nhưng khi tưởng rằng cuộc sống đã ổn định, đầm ấm bên vợ con, kinh tế vững vàng, ông lại bước vào một cuộc chiến khác – cuộc chiến với bệnh tật hiểm nghèo.

TS.BS Phạm Tiến Quân, trưởng khoa hồi sức tích cực tim mạch – lồng ngực, Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết trước khi được ghép tim, tình trạng của ông Vĩnh rất nghiêm trọng.

Ông từng bị bệnh mạch vành, đã đặt stent nhưng chức năng tim ngày càng suy giảm kèm theo rối loạn nhịp tim nặng. Dù được điều trị tối ưu, tình trạng bệnh vẫn tiến triển xấu.

Hai tuần trước ca ghép, ông trải qua một cơn tai biến thoáng qua, chụp MRI não phát hiện vùng nhồi máu nhỏ, dẫn đến di chứng rối loạn ngôn ngữ (thất ngôn), may mắn không bị yếu liệt.

Ngoài ra, ông có tiền sử phẫu thuật ung thư dạ dày cách đây 6 năm. Khi các phương pháp điều trị không còn hiệu quả, ghép tim trở thành giải pháp duy nhất để kéo dài sự sống và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Sau khi hội chẩn kỹ lưỡng, hội đồng khoa học bệnh viện quyết định tiến hành ghép tim.

Bác sĩ Quân cho hay nếu không ghép tim, nguy cơ tử vong rất cao. Dựa trên kinh nghiệm, bệnh viện từng ghép thành công cho nhiều bệnh nhân lớn tuổi, thậm chí có người 70 tuổi vẫn hồi phục tốt.

Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi hơn mong đợi. Sau ghép, ông Vĩnh tỉnh táo nhanh chóng, được rút ống thở ngay hôm sau. Hơn 3 tuần sau, ông đã đủ điều kiện xuất viện, không gặp di chứng thần kinh nào.

Ông Vĩnh xúc động chia sẻ: “Tôi đã nhiều lần đối mặt với cái chết trên chiến trường, nhưng trong cuộc chiến với bệnh tật này, nếu không có đội ngũ y tế và tấm lòng nhân ái của người hiến tim, có lẽ tôi đã không thể tiếp tục sống”.

Bác sĩ Quân cho biết thêm: “Sau khi xuất viện, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ điều trị, duy trì lối sống lành mạnh, uống thuốc đúng chỉ định và tái khám định kỳ để đảm bảo kết quả ghép tim bền vững”.

Ngày trở về nhà, ông Vĩnh bước đi với trái tim mới, mang theo niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn phía trước. Và cùng đồng đội, ông tiếp tục là nhân chứng sống, lưu giữ lại những ngày tháng chiến đấu trên chiến trường vì Tổ quốc thân yêu.