Nhiều người trẻ Hàn Quốc tăng quan tâm đến các chương trình triển lãm Phật giáo và trải nghiệm nghỉ qua đêm tại chùa.
Ngày 5/5, các ngôi chùa lớn trên toàn Hàn Quốc tổ chức Đại lễ Phật đản kỷ niệm 2569 năm ngày sinh của Đức Phật. Bên ngoài chùa Yeonhwa ở quận Dongdaemun, phía đông Seoul, khoảng 30 khách tụ tập xếp hàng, chờ thăm quán cà phê do nhà chùa dựng. Trong số này có nhiều người trẻ ở độ tuổi 20, 30. Tất cả chỗ ngồi trong quán đều kín chỗ.
Đây là năm thứ hai liên tiếp chùa Yeonhwa lập quán cà phê trong dịp lễ Phật đản. Quán phục vụ một số đồ uống như “latte hoa sen”, được trang trí bằng những viên chocolate hình hoa sen.
“Chủ đề Phật giáo của quán cà phê mang đến cảm giác vừa lạ, vừa thân thương”, Park Hyeon-min, nhân viên văn phòng 30 tuổi, nói.
“Tôi biết đến quán trên mạng xã hội, và quyết định đi chùa lần đầu trong đời”, Kim Su-jeong, sinh viên 26 tuổi, nói. “Tôi gặp nhiều áp lực khi tìm việc, nhưng giờ tôi cảm thấy bình yên hơn nhiều”.

Người trẻ tụ tập bên ngoài quán cà phê mang chủ đề lễ Phật đản ở chùa Yeonhwa. Ảnh: JoongAng Ilbo
Không chỉ tại chùa Yeonhwa, nhiều nỗ lực khác của cộng đồng Phật tử Hàn Quốc nhằm truyền tải giáo lý Phật giáo một cách gần gũi và dễ tiếp cận hơn cũng đang nhận được sự hưởng ứng tích cực từ giới trẻ.
Tại quận Gangnam ở phía nam thủ đô, ban tổ chức Triển lãm Phật giáo Quốc tế Seoul 2025 cho biết hầu hết khách dự thuộc nhóm thế hệ Thiên niên kỷ và Gen Z.
76% trong số gần 43.000 người đăng ký dự triển lãm ở độ tuổi 20, 30. Ban tổ chức cũng cung cấp trải nghiệm nghỉ qua đêm tại các ngôi chùa, điều đang trở thành xu hướng trong giới trẻ Hàn Quốc.
Theo Trung tâm Văn hóa Phật giáo Hàn Quốc thuộc Tông phái Tào Khê, tông phái lớn nhất đất nước, 617.000 người đã tham gia các chương trình lưu trú tại chùa vào năm ngoái. Đây là con số cao kỷ lục, gấp 52 lần số người tham gia khi những chương trình này lần đầu ra mắt năm 2002.
Ngày 18-19/4, quỹ phúc lợi xã hội của Tông phái Tào Khê đã tổ chức chương trình “Tôi đi chùa”, thu hút hơn 1.300 người đăng ký tham gia trải nghiệm nghỉ hai ngày một đêm tại chùa Ssanggye ở Nam Gyeongsang, với tỷ lệ chọi hơn 50 người trên một suất.

Người Hàn Quốc tham dự Triển lãm Phật giáo Quốc tế Seoul ở Gangnam, ngày 3/4. Ảnh: News1
“Hình ảnh về chùa chiền đang dần thay đổi, trở thành nơi người trẻ có thể tìm đến để thư giãn”, Hòa thượng Myojang, lãnh đạo quỹ phúc lợi của Tông phái Tào Khê, nói. “Thế hệ trẻ Hàn Quốc từng xem Phật giáo ‘già cỗi và lỗi thời’, nhưng nay họ có nhiều cơ hội tiếp cận theo cách gần gũi, dễ chịu hơn”.
“Tinh thần cởi mở và khoan dung của Phật giáo dường như hấp dẫn thế hệ Thiên niên kỷ và Gen Z, những người ưu tiên sống tự do”, Song Jae-ryong, giáo sư xã hội học tại Đại học Kyung Hee, nhận định. “Phật giáo giúp mọi người tìm thấy câu trả lời cho những nỗi lo, như công việc hay tương lai, từ bên trong bản thân họ”.
Đức Trung (Theo JoongAng Ilbo, Korea Times)