Người trồng sầu riêng đứng trước “cơ hội lịch sử”

Người trồng sầu riêng đứng trước “cơ hội lịch sử”

bởi

trong

Cơ hội lớn cho nông dân, doanh nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa công bố thông tin Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã phê duyệt thêm 829 mã số vùng trồng sầu riêng và 131 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc.

Tổng cộng, Việt Nam có 1.396 mã vùng trồng và 188 cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.

Người trồng sầu riêng đứng trước “cơ hội lịch sử”

Nông dân vui mừng khi có hơn 800 mã vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt (Ảnh: Uy Nguyễn).

Nắm bắt thông tin trên báo chí, ông Nguyễn Quốc Dũng, trú tại huyện Krông Pắk, Đắk Lắk phấn khởi cho biết, đây là thông tin khiến bà con nông dân vô cùng vui mừng khi cơ hội xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc càng rộng mở.

Theo ông Dũng, sầu riêng của Đắk Lắk thu hoạch khoảng tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, việc được phê duyệt thêm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói giúp nông dân thuận lợi trong việc bán sầu riêng để xuất khẩu.

“Việc trồng sầu riêng từ lâu nay nông dân chúng tôi đã ý thức, chú trọng cả về số lượng lẫn chất lượng của sản phẩm. Để sầu riêng được xuất khẩu đòi hỏi rất nhiều yếu tố, chất lượng được kiểm định nghiêm ngặt. Vì vậy, quá trình chăm sóc sầu riêng chúng tôi luôn không ngừng học hỏi, tuân thủ nhiều giải pháp sinh học để sản xuất sầu riêng đạt chuẩn”, ông Dũng chia sẻ.

Ông Bùi Tin, đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Krông Pắk, cho biết, toàn bộ hơn 400ha sầu riêng của hợp tác xã đều được cấp mã số vùng trồng.  Việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt hơn 800 mã số vùng trồng mới và 131 mã số cơ sở đóng gói là tin vui cho nhiều doanh nghiệp chưa được cấp mã số để xuất khẩu.

Người trồng sầu riêng đứng trước cơ hội lịch sử - 2

Ngay từ giai đoạn trổ bông, sầu riêng Đắk Lắk đã được nông dân chăm sóc cẩn thận theo quy định (Ảnh: Uy Nguyễn).

Về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng từng bị lợi dụng, ông Tin cho rằng đó là cách làm của những doanh nghiệp làm ăn phi pháp, chỉ chăm chăm vào việc trục lợi trước mắt.

“Một số nông dân trước đây chưa có ý thức bảo vệ mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Tuy nhiên, gần đây, bà con trồng sầu riêng thường xuyên được tập huấn, được chính quyền tuyên truyền nên rất cẩn trọng trong việc hợp tác làm ăn”, ông Bùi Tin nói thêm.

Theo ông Lê Anh Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk, việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt thêm 829 mã số vùng trồng sầu riêng và 131 mã số cơ sở đóng gói không chỉ là tin vui mà còn là “thời khắc lịch sử” cho cả ngành hàng sầu riêng.

“Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đòi hỏi nông dân, doanh nghiệp phải nắm bắt, thực hiện nghiêm túc, đúng theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Hiệp hội chúng tôi đang phối hợp cùng cơ quan chức năng để sàng lọc, đánh giá tổng quan, công bố những vùng “an toàn” trong sản xuất sầu riêng của tỉnh”, ông Trung nói thêm.

Đề xuất thành lập Trung tâm kiểm định thực vật

Để phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững, ông Nguyễn Thiên Văn, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết, tỉnh đã chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân, doanh nghiệp tuân thủ quy trình sản xuất, tránh để tồn dư Cadimi, chất vàng O trên sầu riêng.

“Tỉnh sẽ kiểm tra định kỳ, đột xuất về chất lượng, sản lượng, quy trình sản xuất sầu riêng đối với các mã số vùng trồng, mã số đóng gói trên địa bàn. Nhất là việc không để tình trạng tuồn hàng từ nơi khác về gắn “mác” sầu riêng Đắk Lắk”, ông Văn nhấn mạnh.

Người trồng sầu riêng đứng trước cơ hội lịch sử - 3

Sầu riêng tại Đắk Lắk được kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất trong các quy trình sản xuất (Ảnh: Uy Nguyễn).

Đồng thời, tỉnh Đắk Lắk đã và đang đề xuất Trung ương hỗ trợ thành lập Trung tâm kiểm định thực vật nguy hại tại Đắk Lắk nhằm hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong việc kiểm tra được sầu riêng có chất vàng O hay Cadimi hay không trước khi xuất khẩu.

Được biết, chất vàng O (Auramine O) được dùng trong nhuộm vải, giấy, quét tường và không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm; còn Cadimi là kim loại nặng có tính độc cao.

Dự kiến, ngày 24/5 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy sẽ chủ trì hội nghị tại Đắk Lắk về phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững.

Hội nghị nhằm tìm giải pháp gỡ vướng trong tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực chế biến và kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu.

Tỉnh Đắk Lắk có trên 38.000ha sầu riêng, trong đó khoảng 22ha đang cho thu hoạch. Năm 2024, sản lượng sầu riêng của tỉnh đạt hơn 360.000 tấn. Đây là tỉnh có sản lượng sầu riêng đứng thứ 2 cả nước.

Sầu riêng hiện vươn lên vị thế “vua trái cây” của Việt Nam, gia nhập nhóm nông sản “tỷ đô” khi đem lại giá trị xuất khẩu hơn 3,2 tỷ USD năm 2024.