Cuộc gặp giữa PV và Hiền Nguyễn diễn ra tại xưởng phục chế của chị tại P.An Khánh, TP.HCM (trước là P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức) với xung quanh là tranh, cọ, hóa chất, kèm theo cả máy chụp quang phổ, dao, kéo, kềm, búa, đục…
Nhìn chị mang găng tay, cẩn thận bóc từng mảnh sơn dầu nhỏ trên tranh, xử lý rồi đính lại bằng hóa chất chuyên dụng mới thấy công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ cao độ cũng như tình yêu nghệ thuật vô bờ. Chị cho biết thời gian phục chế 1 bức tranh có thể mất vài tuần, vài tháng, thậm chí nhiều năm tùy vào mức độ hư hỏng.

Hiền Nguyễn tại xưởng phục chế tranh ở P.An Khánh, TP.HCM
Ảnh: Đ.T
Đòi hỏi kiến thức đa ngành
Hiền Nguyễn được đào tạo chuyên sâu về bảo tồn và phục chế tại Pháp, nơi chị tiếp cận các phương pháp hiện đại và tiêu chuẩn quốc tế trong bảo tồn tranh, tượng. Sau khi về nước cách nay 5 năm, chị đã áp dụng kiến thức đó vào thực tiễn tại VN.

Hiền Nguyễn tại xưởng phục chế tranh ở P.An Khánh, TP.HCM
Ảnh: Đ.T
Chị là đối tác duy nhất về tư vấn bảo quản và phục chế tác phẩm mỹ thuật cho Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, tư vấn bảo quản và phục chế tác phẩm mỹ thuật cho Hội trường Thống Nhất (TP.HCM). Hiền Nguyễn từng phục chế tranh Đông Dương tại triển lãm Hồn xưa bến lạ do Sotheby’s tổ chức tại VN (tháng 7.2022), phục chế nhiều tác phẩm cho triển lãm Trong ngọc trắng ngà tại Đà Nẵng (tháng 12.2023), phục chế 20 bức sơn dầu của vua Hàm Nghi trong triển lãm Trời, Non, Nước diễn ra tại Huế (tháng 3.2025)…

Phục chế tác phẩm của danh họa Lê Phổ
Ảnh: NVCC
Theo chị, phục chế các tác phẩm nghệ thuật là một nghề đòi hỏi kiến thức đa ngành từ lịch sử, khoa học, hóa học. “Nghề này còn khá mới lạ với thị trường nghệ thuật VN. Những vấn đề mà tôi thường gặp phải là: Tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của tác phẩm do bảo quản không đúng cách, tác động môi trường hoặc sử dụng vật liệu không bền theo thời gian. Thiếu tài liệu gốc để tra cứu, gây khó khăn trong việc đưa ra giải pháp bảo tồn phù hợp mà không làm sai lệch giá trị nguyên bản. Giới hạn về trang thiết bị, hóa chất, so với các phòng lab tại Pháp, điều kiện kỹ thuật tại VN còn hạn chế nên hóa chất và trang thiết bị hiện đại được tôi nhập mua trực tiếp từ nước ngoài về. Yếu tố con người do có sự khác biệt trong nhận thức giữa chuyên gia phục chế – bảo quản và người sở hữu tác phẩm hoặc công chúng quan tâm”, chị chia sẻ.

Chụp quang phổ tranh Ali Aymé
Ảnh: NVCC
“Tôi từng xử lý vá tranh hàng triệu USD qua kính hiển vi, thông qua việc kết từng sợi vải rất nhỏ. Dĩ nhiên khi làm cần tập trung cao độ vì chỉ một chút lơ đễnh là hỏng”, chị kể. Công nghệ và kỹ thuật cao luôn được chị cập nhật, áp dụng trong phục chế tranh để giúp phân tích, đánh giá tác phẩm ở phạm vi sâu rộng, chi tiết, chính xác hơn những gì mắt thường không nhìn thấy được.

Hiền Nguyễn sử dụng kính hiển vi trong việc phục chế tranh
Ảnh: NVCC
Phục chế tác phẩm của vua Hàm nghi và các danh họa Đông Dương
Chị Hiền Nguyễn cho biết, các tác phẩm của vua Hàm Nghi đa số đều gặp những vấn đề hư hại như: bong tróc, nứt vỡ, bụi, nấm mốc và mất màu nhiều mảng. Hầu hết tranh bị bong lớp khỏi bìa carton và tạo ra hiện tượng phồng rộp toan. Đây là vấn đề khó xử lý nhất. Sau khi các công tác phục chế được hoàn thiện, một vài tác phẩm được bồi thêm vật liệu đỡ; một số khác phải nối thêm mép toan để có thể căng lên khung.

Đồ nghề phục chế tranh của Hiền Nguyễn
Ảnh: Đ.T
Chị còn tiết lộ đã phục chế rất nhiều tranh của danh họa Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ… “Tôi từng phục chế một bức tranh trị giá hơn 2 triệu USD (hơn 53 tỉ đồng) của Lê Phổ do một người VN sở hữu. Khi xử lý, tôi không quan tâm bức tranh nào đắt giá mà chỉ tập trung làm cho được để tranh trở về nguyên bản”, chị nói thêm, đồng thời xác nhận rất nhiều người Việt đang sở hữu tranh triệu USD của các danh họa thời Đông Dương vì mục đích đam mê nghệ thuật và cả đầu tư.

Xử lý tranh bị bong tróc
Ảnh: NVCC

Một công đoạn phục chế tranh
Ảnh: Đ.T
Hiền Nguyễn còn là một trong 13 thành viên của Hội đồng phục chế ngai vàng độc bản triều Nguyễn vừa bị xâm hại hồi tháng 5.2025. “Tôi là thành viên trẻ nhất được mời và đưa ra các phương án phục chế, bảo tồn ngai vàng. Theo tôi, hoàn toàn có thể phục chế lại phần bị hư hại”, chị nhận định.
Hiền Nguyễn tốt nghiệp Trường Atelier du Temps du Passé – Paris (Pháp) năm 2019, thực tập bảo tồn phục chế tại nhiều studio như Atelier du Bac (Paris), Les Toiles du Temps (Lille)…
Năm 2006 – 2008, chị học Trường École Nationale Supérieuse d’Architecture de Bretagne ở Rennes (Pháp) khoa kiến trúc đô thị. Năm 2010, chị theo học tại École d’Architecture et Design (Paris) về thiết kế nội thất.
Tủ thời gian – Comptoir du Temps do Hiền Nguyễn làm giám đốc, là công ty chuyên phục chế, tư vấn bảo quản, lưu kho và thẩm định pháp khoa tác phẩm đa chất liệu.