Rạng sáng 20.7 mới đây, những người quan sát bầu trời ở Bắc Mỹ được chứng kiến cảnh tượng tuyệt đẹp khi mặt trăng đi qua cụm sao Pleiades (còn gọi là Thất Nữ hay “bảy chị em“), che khuất chúng khỏi tầm nhìn.
Đây là hiện tượng xảy ra khi mặt trăng cắt ngang tầm nhìn của chúng ta với một thiên thể ở xa, trong trường hợp này là cụm sao Pleiades. Timeanddate.com cho biết hiện tượng che khuất của Pleiades diễn ra hằng tháng kể từ tháng 9.2023 và sẽ tiếp tục đến tháng 7.2029.

Chụp ảnh cùng cụm sao Thất Nữ hay “bảy chị em”
ẢNH: HHT TRAN
Trong khi đó tại Việt Nam, dù không diễn ra hiện tượng che khuất trên nhưng người yêu thiên văn có thể bắt gặp sự kiện giao hội, khi mặt trăng xuất hiện gần cụm sao Thất Nữ trên bầu trời. Sự tiếp cận gần này có thể nhìn thấy từ nhiều nơi trên thế giới, mang đến một cảnh tượng tuyệt đẹp cho những người yêu thích ngắm sao.
Pleiades hay còn gọi cụm sao Thất Nữ là một trong những cụm sao dễ nhận biết nhất trên bầu trời đêm. Cụm sao nổi tiếng với ánh sáng xanh dịu nhẹ, được nhìn thấy rõ nhất từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, nhưng cũng có thể xuất hiện gần đường chân trời trong những tháng mùa hè ở Bắc bán cầu, bao gồm Việt Nam.
Pleiades là một phần của chòm sao Kim Ngưu và có cấp sao biểu kiến là 1,6, khiến chúng trở thành một trong những cụm sao mở sáng nhất trên bầu trời. Là một cụm sao mở – một nhóm các ngôi sao được liên kết lỏng lẻo bởi lực hấp dẫn, tất cả các ngôi sao của cụm sao này đều được hình thành cùng một lúc.
Thú vị cụm sao “bảy chị em”
Pleiades truyền cảm hứng cho nhiều huyền thoại và câu chuyện trên khắp thế giới. Đáng chú ý, nhiều nền văn hóa hình dung những ngôi sao này là con người, thường là chị em, phụ nữ hoặc thiếu nữ. Những câu chuyện này thường phản ánh nhu cầu chung của con người trong việc giải thích những điều chưa biết.
Bằng cách nhân bản hóa một thứ xa xôi như một cụm sao, các nền văn hóa cổ đại đã tìm cách mang lại ý nghĩa và sự quen thuộc cho những điều bí ẩn không thể chạm tới.
Trong thần thoại Hy Lạp, Pleiades là bảy cô con gái của Titan Atlas và nữ thần biển Pleione. Tên của họ là Maia, Electra, Taygeta, Celaeno, Alcyone, Asterope và Merope đã được lưu danh trong cả văn học và thiên văn học. Theo một truyền thuyết, thợ săn Orion đã không ngừng truy đuổi họ. Để bảo vệ các chị em, Zeus đã biến họ thành những vì sao và nơi họ ở lại trên bầu trời, mãi mãi bị chòm sao Orion truy đuổi.

Mô phỏng cụm sao Thất Nữ nhìn từ vị trí TP.HCM rạng sáng 22.7
ẢNH: STELLARIUM
Người Hy Lạp cổ đại còn gọi Pleiades là “những ngôi sao buồm”. Nhà thơ Hesiod, viết vào khoảng năm 700 TCN, đã khuyên các thủy thủ tránh ra khơi khi Pleiades lặn xuống dưới đường chân trời trước bình minh, vì đây là dấu hiệu báo hiệu biển động sắp tới.
Mặc dù được gọi là cụm sao “bảy chị em” nhưng thông thường chỉ có 6 ngôi sao có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Điều này đã làm nảy sinh bí ẩn về “Pleiades thất lạc”. Trong thần thoại Hy Lạp, ngôi sao mất tích là Merope, người được cho là đã che giấu ánh sáng của mình vì xấu hổ sau khi kết hôn với một người phàm – Sisyphus.
Ở đây, huyền thoại khác xa với thực tế. Dưới góc độ thiên văn, Merope là một trong những ngôi sao sáng nhất trong cụm sao. Người Hy Lạp cổ đại không phải là người duy nhất kể câu chuyện này. Các nền văn hóa trên khắp thế giới đã nhận thấy ngôi sao mất tích và đưa ra những lời giải thích riêng, thường kể về một người chị bị lạc, nhút nhát hoặc đang lẩn trốn.