Người vùng cao Tây Bắc sẻ chia những cách tiết kiệm điện hiệu quả

Người vùng cao Tây Bắc sẻ chia những cách tiết kiệm điện hiệu quả

bởi

trong

Tôi sinh ra và lớn lên giữa đại ngàn Tây Bắc – nơi những dãy núi trập trùng mờ sương vào buổi sớm, những bản nhỏ nằm e ấp bên suối mát nép mình dưới chân núi, bên những điệu xòe nồng say, câu khắp Thái ngân nga giữa sương chiều.

Với người dân miền quê tôi, điện không chỉ là thứ tiện nghi hiện đại, mà còn là món quà quý giá mà núi rừng, đất nước, và biết bao công sức con người mang đến.

Người vùng cao Tây Bắc sẻ chia những cách tiết kiệm điện hiệu quả

Cán bộ kỹ thuật Điện lực Sơn La vệ sinh sứ, xử lý phát nhiệt đầu cốt tại thiết bị trong TBA 110 kV

Ảnh: ĐIỆN LỰC SƠN LA

Dù có điện từ rất lâu rồi, nhưng mọi người vẫn giữ một cách sống, cách sử dụng điện hằng ngày hệt như cách họ chắt chiu, giữ gìn mạch nước trong đầu nguồn, những hành động xuất phát từ suy nghĩ nhẹ nhàng mà sâu xa: Rằng điện cũng cần được gìn giữ như ánh mắt của rừng, dòng điện về bản không phải để xua đi đêm tối, mà là để cùng con người thắp sáng một nếp sống chan hòa, tiết kiệm, không hoang phí. Vì vậy, sống tiết kiệm điện không chỉ là thói quen mà là một lẽ sống, là sự nâng niu, trân trọng đến tận cùng.

Trân quý từng nếp nghĩ thói quen tắt điện, tắt đèn, rút phích cắm…

Ban ngày, nhà nào cũng mở toang các cánh cửa đón ánh sáng chan hòa. Cửa sổ, cửa chính, rồi cả phên nứa vách gỗ cũng mở ra để nắng lùa vào, để gió lang thang lách qua một cách dịu dàng. Gió núi mát lành lùa vào từng vách nứa, từng vạt áo phơi ngoài sân, thay cho chiếc quạt điện quay đều, nông sản treo trước hiên nhà để giống vụ mùa sau, nắng dường như cũng hiểu tình người nên càng hong khô hạt cho thêm đậm đà rắn rỏi, căng mây mẩy.

Phía cửa sổ của các cô sơn nữ, luôn treo tấm rèm vải thổ cẩm, ông mặt trời vẽ hoa văn lên nền vải lung linh. Mỗi tia ánh sáng lọt qua mái ngói, là một phần ánh điện không cần phải bật lên. Tối đến, chỉ thắp một bóng đèn nhỏ sáng khắp căn nhà ba gian, vừa đủ sáng cho một bữa cơm gia đình đầm ấm, cho một buổi học con trẻ cặm cụi học tập bên trang sách vở.

Từ khi vừa rạng sáng bắt đầu cho một ngày mới, mọi người dường như đã quen với nếp tiết kiệm. Nhà tôi cũng vậy, cha tôi dậy sớm, mở hết mọi cánh cửa. Cửa sổ, cửa chính, cả tấm liếp mây chắn gió ban đêm, cũng được cha cẩn thận cài vào mắc đinh chắc chắn. Ánh nắng ùa vào mái liếp, chiếu lên sàn tre, lấp lánh cả vại nước mưa, ánh sáng như dát vàng dát bạc xô nhau ào ạt lên mặt chiếu ngồi, nắng vuốt ve mái tóc dài óng ả của chị gái, nắng sớm lọt qua vòm lá rọi lên khuôn mặt bé con thích thú cười, mẹ tôi tỉ mẩn ngồi thêu khăn piêu. Mẹ cười hiền bảo: “Trời cho ánh sáng, dùng sao cho hết. Điện để dành tối mà học bài”.

Những buổi trưa hè nóng bức, dưới tán cây nhãn, cây muỗm, cây xoài, người già mắc võng đong đưa, tay phe phẩy chiếc quạt nan đan bằng tre vầu, thứ quạt không cần điện nhưng đủ mát mẻ cả buổi. Trẻ con chơi đu quay dưới gầm sàn, dưới tán cây xanh mát rượi, cùng nhau cười nói giữa tiếng gió khe khẽ. Không máy lạnh, vậy mà giấc ngủ trưa vẫn ngọt lành như búp măng non, nhởn nhơ mọc thẳng vươn chồi đua lên với rặng tre già.

Người vùng cao Tây Bắc sẻ chia những cách tiết kiệm điện hiệu quả - Ảnh 2.

Người mẹ vùng cao Tây Bắc

Ảnh: TRẦN THẾ PHONG

Trong bếp, cái chõ đồ xôi đượm làn khói, vấn vít nhau đưa đẩy hương thơm nếp nương, lan tỏa khắp mọi ngõ ngách. Người quê tôi quen ăn xôi nếp, một phần vì ăn xôi chắc dạ, một phần vì xôi để được lâu, người Tây Bắc vốn ưa loại gạo nếp dẻo thơm, chỉ cần sáng thổi xôi rồi bỏ vào “ép khẩu” ủ trong chiếc chăn ấm, là giữ được hơi nóng rất lâu, không cần phải hấp lại, không tốn củi lửa hay điện năng. Các cụ già ở bản, thường giã gạo bằng cối giã, hoặc tận dụng sức chảy của nước suối để giã, tiếng thậm thịch, tiếng nói cười bên những hạt gạo trắng ngần bung cám mịn…

Cách này giúp gạo thơm và giữ được nhiều chất dinh dưỡng, mà không hao tốn chút điện năng nào. Những cọn nước bên suối quay đều, từng máng nước dập dồn nối nhau, đưa nước từ con suối thấp lên cao, đổ dồn về những chân ruộng bậc thang cao vời vợi, giúp cánh đồng xanh mướt mát, không cần máy bơm, không cần tiếng động cơ, chỉ có tiếng róc rách của nước như âm thanh dịu dàng, hòa tấu bản hòa ca của đất trời.

Mùa đông, nhiều nhà hứng nước để trong chậu nhôm, chậu đồng, phơi ngoài sàn hứng nắng ban trưa. Đến chiều, nước vừa đủ ấm, là cách sử dụng nước ấm sinh hoạt không phải đun, hay dùng bình nóng lạnh vào mùa rét mướt, vừa sạch sẽ an toàn, tiết kiệm, vừa thuận tự nhiên. Tối đến, thiết bị chiếu sáng trong nhà chỉ bật khi cần thiết, tivi không dùng thì tắt và rút phích điện khỏi ổ cắm, thói quen này vừa giúp tiết kiệm điện, vừa đảm bảo an toàn cho thiết bị điện tử, khi chập điện hay thiên tai sấm sét bất ngờ. Cha tôi luôn nhắc hai chị em tôi chú ý khi sạc pin điện thoại, vừa đảm bảo an toàn, tránh gây sự cố cháy nổ.

Tôi ngồi học dưới ánh đèn vàng ấm áp, nghe tiếng rột rột phía khung cửi, tay đưa thoi nhịp nhàng, mẹ tôi từng dạy tôi cách dệt vải thủ công, rằng: “Làm việc chuyên tâm, tay đưa chân đạp thành thói quen”, từng vuông vải dệt cứ hiện dần, cuộn vải cứ nảy nở lớn dần lên, y như phép màu vậy.

Mẹ bảo vải dệt máy công nghiệp bây giờ nhiều, vừa hiện đại vừa năng suất nhưng không thể bằng tự tay người dệt thủ công, bao gắn bó tâm tình như gửi gắm vào từng đường chỉ, đan cài lên xuống. Cái nếp nghĩ thấm đẫm sâu sắc gieo hạt nảy mầm vào tư duy thế hệ trẻ, không sống ồn ào vội vã, cần biết trân quý từng món đồ vật, từng nếp nghĩ thói quen, dù là rất nhỏ như: tắt điện, tắt đèn, rút phích cắm điện…

Người vùng cao Tây Bắc sẻ chia những cách tiết kiệm điện hiệu quả - Ảnh 3.

PC Sơn La thực hiện việc sửa điện hotline

Ảnh: Văn Giáp

Mỗi lần bật công tắc, tôi lại nghĩ đến những bàn tay vất vả kéo dây, đến những cánh rừng đã hiến dâng mình để dựng nên nhà máy thủy điện, đến bao công sức âm thầm của người làm ngành điện lặn lội khắp vùng cao. Và tôi thấy lòng mình thổn thức, điện không chỉ thắp sáng, mà còn thắp lên hy vọng, tri thức và tương lai. Tiết kiệm điện từng chút, là giữ gìn những điều quý giá mà cuộc sống mang lại, là lòng biết ơn sâu sắc với thiên nhiên, với con người, với quê hương đất nước.

Hy vọng và tin rằng nét đẹp đó lan tỏa, nếp sống văn minh khi sử dụng điện, là tinh thần trách nhiệm công dân, là lòng biết ơn với từng công nhân ngành điện băng rừng vượt núi, bám trụ giữa lũ bão để giữ ánh sáng không bao giờ tắt. Từ thành phố đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược, mỗi chúng ta hãy cùng nhau hành động: Tắt bớt một bóng đèn khi không cần thiết.

130 triệu đồng tiền thưởng và quà hấp dẫn đang chờ chủ nhân

Tiếp nối thành công của 2 mùa trước, cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen lần 3 An toàn – Tiết kiệm kinh nghiệm sẻ chia năm nay mở rộng thông điệp: Sử dụng điện tiết kiệm, an toàn để ngăn ngừa tai nạn, phòng chống cháy nổ.

Chúng tôi tìm kiếm những câu chuyện chân thật, kinh nghiệm hữu ích, sáng kiến hay từ chính cuộc sống, hộ gia đình, cơ quan – để cùng lan tỏa hành vi sử dụng điện thông minh, bền vững và an toàn.

Thời gian nhận bài: Từ ngày 22.4 đến 22.7.2025.

Gửi bài qua email: [email protected].

Hoặc gửi bưu điện về: Tòa soạn Báo Thanh Niên, 268-270 Nguyễn Đình Chiểu, phường Xuân Hòa, TP.HCM.

(Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thể lệ chi tiết: Xem tại thanhnien.vn.