Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Nhà lãnh đạo gần gũi, giản dị

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Nhà lãnh đạo gần gũi, giản dị

bởi

trong

Trong những ngày cả nước bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, tại ngôi nhà trên phố Xuân Tảo (Q.Tây Hồ, Hà Nội) ông Đoàn Kỳ Thụy, thư ký riêng của nguyên Chủ tịch nước khi ông làm Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất, trầm ngâm mở lại tập ảnh được chụp hơn 50 năm về trước.

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Nhà lãnh đạo gần gũi, giản dị

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương (thứ 2 từ phải sang) và đồng nghiệp thời còn trẻ

ẢNH: TƯ LIỆU

Dù đã 86 tuổi, mái tóc bạc trắng nhưng ông rất minh mẫn khi nói về từng nội dung bức ảnh. Đặc biệt, ông không thể nào quên những năm tháng được làm việc cùng nguyên Chủ tịch Trần Đức Lương.

“Anh rất gần gũi”

Ngược về quá khứ, ông Thụy kể, năm 1966, khi vừa tốt nghiệp Trường đại học Mỏ địa chất ở Liên Xô, ông về nước xin vào Cục Bản đồ địa chất Việt Nam làm việc. Ban đầu, ông Thụy được sắp xếp làm việc tại phòng họa đồ, chuyên vẽ địa chất.

Sau đó, trong một buổi ra sông tắm, ông gặp nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, khi đó là Cục phó Cục Bản đồ địa chất Việt Nam. 

“Tôi biết anh Lương trong khi đi học ở Liên Xô. Vậy nên, khi gặp, anh Lương hỏi tôi về Việt Nam từ khi nào, làm ở đâu? Tôi trả lời anh là làm ở phòng họa đồ. Sau đó, anh chuyển tôi về phòng kỹ thuật vì ở phòng kia không đúng chuyên môn”, ông Thụy nói và cho hay kể từ thời điểm đó, ông là cấp dưới của Cục phó Trần Đức Lương suốt 14 năm.

Trong ký ức người kỹ sư trẻ khi ấy, Cục phó Trần Đức Lương là người rất gần gũi với cấp dưới. Ông Thụy nhớ như in những lần đi khảo sát địa chất ở vùng núi Tây Bắc cùng Cục phó Trần Đức Lương. Dù là cấp trên nhưng ông Lương vẫn lội suối, ngủ rừng, chia sẻ công việc cùng anh em trong nhóm.

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Nhà lãnh đạo gần gũi qua lời kể đồng nghiệp - Ảnh 2.

Ông Thụy nhớ lại những ngày đầu làm việc với Cục phó Trần Đức Lương

ẢNH: ĐÌNH HUY

“Khi khảo sát lộ trình trên núi, nhóm chúng tôi mỗi người sẽ cõng ba lô khoảng 15 kg gồm gạo, thức ăn, nồi, bát đĩa, khi trở về thì hết gạo, thay vào đó sẽ là đá để nghiên cứu. Anh Lương lúc đó là cấp trên nhưng vẫn phải vác giống như mọi người, kể cả khi giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất. Nhiều lần, nhóm đi khảo sát cả tuần, đi đến đâu, ăn ngủ ở rừng đến đó, tất cả các hoạt động anh Lương đều tham gia, anh rất gần gũi”, ông Thụy kể lại.

May mắn khi được làm việc cùng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Ông Thụy đánh giá, bản thân may mắn khi được làm việc cùng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương gần 20 năm (từ năm 1966 – 1980 với vai trò là đồng nghiệp; từ năm 1980 – 1985 với vai trò trợ lý). Ông đã học hỏi được từ nguyên Chủ tịch nước rất nhiều ở cách làm việc, tinh thần tự học, kiên trì.

Suốt hai thập kỷ đầu tiên của sự nghiệp, từ một cán bộ kỹ thuật sơ cấp tự học và phấn đấu lên kỹ sư, rồi học chuyên tu ở Trường mỏ địa chất và được bổ nhiệm làm lãnh đạo của Tổng cục Địa chất, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã để lại dấu ấn sâu sắc, đóng góp to lớn với sự phát triển của ngành địa chất Việt Nam.

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Nhà lãnh đạo gần gũi qua lời kể đồng nghiệp - Ảnh 3.

Nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương (thứ 5 bên phải từ ngoài vào) và ông Đoàn Kỳ Thụy (thứ 4 bên phải từ ngoài vào) tại Viện Kinh tế quốc dân Liên Xô

ẢNH: TƯ LIỆU

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Nhà lãnh đạo gần gũi qua lời kể đồng nghiệp - Ảnh 4.

Nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương gặp nghiên cứu sinh địa chất tại Liên Xô

ẢNH: TƯ LIỆU

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Nhà lãnh đạo gần gũi qua lời kể đồng nghiệp - Ảnh 5.

Nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương làm việc với các nhà địa chất Liên Xô tại thủ đô Moskva

ẢNH: TƯ LIỆU

Ngoài công việc là một người cấp trên, trong cuộc sống, đối với ông Thụy, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một người bạn gần gũi, hiền lành.

Trong những ngày cuối đời của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, ông Thụy đã thường xuyên đến thăm, động viên người lãnh đạo cũ.

Ông Thụy chẳng bao giờ quên được những ngày tháng khó khăn, khi gia đình nguyên Chủ tịch nước ở khu tập thể trên phố Trần Hưng Đạo (Q.Hoàn Kiếm) phải nuôi lợn trong phòng. Đến khi ở vị trí Chủ tịch nước Việt Nam, ông vẫn thường xuyên giữ liên lạc, trao đổi với Chủ tịch nước về những câu chuyện trong cuộc sống.

“Đối với bạn bè, anh Lương rất chân tình. Có lần tôi bị ốm phải nằm viện điều trị. Lúc đó anh đang là người đứng đầu đất nước, dù bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn dành thời gian đến thăm tôi. Hay những lần khác, gia đình tôi có việc lớn, anh cũng có mặt mà chẳng quan tâm hình thức”, ông Thụy nhấn mạnh.