
Ngoài căng thẳng, các bệnh tâm thần, tiêu hóa hay ngứa da, đau nhức có thể làm gián đoạn giấc ngủ, trằn trọc trong đêm.
Mất ngủ là một trong những rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất, gây mệt mỏi, kiệt sức ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể. Điều này làm giảm mức độ hiệu suất trong công việc cũng như giao tiếp xã hội. Thói quen ngủ kém lành mạnh như ăn no, uống cà phê, dùng điện thoại ngay trước khi ngủ dễ gây mất ngủ. Song tình trạng này có thể do một số vấn đề sức khỏe khác nhau.
Căng thẳng
Căng thẳng bắt nguồn từ cuộc sống, công việc, gia đình không được kiểm soát thường gây mất ngủ. Nếu mất ngủ cấp tính có thể tự khỏi sau vài đêm. Lo lắng kéo dài, rối loạn lo âu, các cơn hoảng loạn có khả năng dẫn đến mất ngủ mạn tính, nghiêm trọng hơn và cần được can thiệp.
Vấn đề tâm thần
Duy trì trạng thái tinh thần ổn định thúc đẩy giấc ngủ về đêm ngon hơn. Người bị trầm cảm có nhiều khả năng gặp vấn đề về giấc ngủ, bao gồm mất ngủ. Người mắc chứng lo âu, rối loạn lưỡng cực và rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng tương tự.
Hội chứng tiền kinh nguyệt
Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) và rối loạn tiền kinh nguyệt (PMDD) thường dẫn đến các , thường xảy ra ngay trước hoặc trong kỳ kinh. Những thay đổi về hormone có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ cơ thể cũng như quá trình sản xuất melatonin – loại hormone quan trọng đối với giấc ngủ. Ngoài ra, thay đổi về tâm trạng kèm theo cũng khiến một người khó vào giấc ban đêm.
Đau
Viêm khớp, các vấn đề về lưng mạn tính, đau xơ cơ, ung thư hay một số bệnh lý gây đau khác có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Cơn đau có thể khiến bạn không thể ngủ yên hoặc làm gián đoạn giấc ngủ. Ngược lại, tình trạng mất ngủ cũng có thể khiến cơn đau nghiêm trọng hơn, tạo thành một vòng luẩn quẩn. Điều trị các bệnh tiềm ẩn có thể giúp cải thiện giấc ngủ ngon hơn.
Ngứa
Các tình trạng da liễu như bệnh vẩy nến, chàm có thể khiến da bỏng rát và ngứa dữ dội đến mức khó ngủ. Trong một số trường hợp, dù đã ngủ thiếp đi nhưng ngứa có thể khiến người bệnh tỉnh giấc giữa đêm.
Các vấn đề về tiêu hóa
Các rối loạn tiêu hóa (GI) như hội chứng viêm ruột (IBS) và bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) cũng có liên quan đến khó ngủ. Tư thế ngủ nằm ngửa vào ban đêm cũng kích hoạt các đợt trào ngược axit từ dạ dày lên thực quản, khiến người bệnh thức giấc giữa đêm.
Mang thai
Hầu hết phụ nữ có thể gặp vấn đề về giấc ngủ trong thời kỳ mang thai. Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng này bao gồm thay đổi nội tiết tố, đi tiểu thường xuyên hơn, ợ nóng hoặc buồn nôn, khó chịu, đau lưng, khi nằm. Ngủ đủ giấc rất quan trọng khi mang thai. Thai phụ cần đi khám nếu mất ngủ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày.
Tác dụng phụ thuốc
Tác dụng phụ của thuốc điều trị dị ứng, bệnh tim, tăng huyết áp, các vấn đề về tuyến giáp, trầm cảm có thể gây mất ngủ. Người dùng thuốc điều trị tăng động giảm chú ý và bệnh Parkinson cũng có nguy cơ. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn, có thể thay đổi thuốc để giảm mất ngủ.
Bảo Bảo (Theo WebMD, Times of India)