Lão hóa, chấn thương, bệnh cột sống là những nguyên nhân thường gặp dẫn đến gai cột sống, gây đau nhiều và giảm vận động.
Gai cột sống có thể xảy ra khi sụn khớp và đĩa đệm chịu áp lực thường xuyên trong thời gian dài, làm tổn thương xương dưới sụn, hình thành các gai xương, gây đau và cản trở cử động của khớp. Theo ThS.BS.CKI Vũ Đức Thắng, khoa Cột sống, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, bệnh có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân.
Thoái hóa cột sống là nguyên nhân chính dẫn đến gai cột sống. Thoái hóa cột sống khiến sụn khớp bị bào mòn, dễ nứt vỡ. Ngay khi nhận thấy sự bất thường này, cơ thể bù đắp canxi để chống lại những tổn thương. Tuy nhiên, việc bù đắp diễn ra không đồng đều, những chỗ thiếu canxi hình thành các hõm xương, trong khi chỗ thừa canxi tạo thành gai xương.

Bác sĩ Thắng giải thích tình trạng sức khỏe cột sống cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp
Viêm khớp cột sống mạn tính là hiện tượng hai bề mặt xương tiếp xúc, cọ xát lên nhau. Để khắc phục, cơ thể tự điều chỉnh nhằm bớt áp lực và sự cọ xát. Tuy nhiên, quá trình chỉnh sửa lại ảnh hưởng đến các khớp cột sống, khiến đốt sống bị xơ hóa, mọc gai.
Chấn thương có thể khiến đĩa đệm bị thoát vị. Để duy trì sự ổn định và giảm căng thẳng cho cột sống, cơ thể khởi động quá trình tự sửa chữa, hình thành gai xương.
Một số người có nguy cơ gai đốt sống cao hơn như tiền sử gia đình có người mắc bệnh, thường xuyên vận động, khuân vác nặng, làm những công việc gây áp lực cho cột sống, thừa cân, hoạt động thể chất mạnh, thường xuyên hút thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích…
Gai cột sống được chia thành hai loại theo vị trí là gai đốt sống cổ và gai đốt sống lưng. Gai đốt sống cổ có thể gây ra một số vấn đề điển hình như hội chứng cổ – vai, , hội chứng động mạch đốt sống – thân mềm, hội chứng chèn ép tủy cổ… Trong khi đó, gai đốt sống thắt lưng có thể làm hẹp ống sống, thoát vị đĩa đệm, bệnh lý tủy, bệnh rễ và viêm thoái hóa đốt sống.

Bác sĩ Thắng (trái) trong một ca phẫu thuật điều trị bệnh lý cột sống. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Thắng cho biết là bệnh nguy hiểm, được phát hiện càng sớm, khả năng chữa khỏi càng cao. Tuy nhiên, gai thường có kích thước rất nhỏ và phần lớn chỉ xuất hiện ở mặt trước và bên của cột sống, khó phát hiện, có thể âm ỉ trong nhiều năm. Chỉ khi gai cọ xát với các xương khác hoặc dây chằng, rễ dây thần kinh… thì người bệnh mới cảm thấy đau.
Bác sĩ Thắng khuyến cáo người từ 30 tuổi trở lên nên thường xuyên kiểm tra cột sống định kỳ để phát hiện bệnh sớm nếu có. Người có dấu hiệu bất thường như , đau cổ gáy, đau lưng, đau thắt lưng, đau tê lan xuống tay chân, yếu tay chân, giảm khả năng vận động ở cổ, cánh tay, tay, chân… nên đi khám ngay.
Ba phương pháp chính trong điều trị gai đốt sống là dùng thuốc, vật lý trị liệu và phẫu thuật. Trong đó, dùng thuốc để làm dịu các cơn đau tức thời, vật lý trị liệu giúp tăng cường sức mạnh các cơ, cải thiện chức năng lưu thông máu và thần kinh… Phẫu thuật là phương án cuối cùng, chỉ được cân nhắc cho các trường hợp gai xương đã quá to, điều trị bảo tồn không hiệu quả.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp để bác sĩ giải đáp |