Giáo dục không thành tích hướng đến xây dựng môi trường không chạy đua điểm số, đề cao sự tử tế, chính trực và năng lực tự thân của học sinh, theo nhà sáng lập trường Sao Khuê.
Từ năm 2020, trường Sao Khuê bắt đầu triển khai mô hình giáo dục không thành tích, xây dựng môi trường học không chạy theo điểm số mà đề cao sự tử tế, chính trực và năng lực tự thân. Mô hình được truyền cảm hứng từ triết lý “Trường học kiến tạo” (Design for Change) do nhà giáo Ấn Độ Kiran Bir Sethi sáng lập – người vừa có chuyến thăm và làm việc tại trường hôm 3/7.
Nhân dịp này, Bà Đỗ Phan Duy Khuê, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành hệ thống giáo dục liên cấp Sao Khuê (tại Đồng Nai) chia sẻ về lý do lựa chọn hướng đi khác biệt, niềm tin vào năm giá trị cốt lõi của mô hình.
– Điều gì khiến bà lựa chọn mô hình “Trường học Kiến tạo” dễ gây băn khoăn cho phụ huynh và giáo viên?
– Tôi đến với mô hình “Trường học Kiến tạo” (I can school model) không phải bằng lý trí không, mà bằng rung cảm… Mô hình này tin rằng mọi đứa trẻ đều có thể phát triển tốt nếu được tin tưởng, trao cơ hội và hành động. Tôi từng thấy rất nhiều em học sinh “nở hoa” trong môi trường không phán xét, không chạy đua điểm số.
Ban đầu, phụ huynh thường lo lắng khi con không có bài tập về nhà hay học những chủ đề tưởng chừng xa xôi, tự dẫn dắt trong các buổi báo cáo học tập, không họp phụ huynh đồng loạt…. Nhưng rồi khi con biết lắng nghe, quan sát, tự nói rằng “con muốn thay đổi điều này”, thì niềm tin của phụ huynh cũng lớn dần.
Mô hình này xoay quanh năm giá trị cốt lõi 5E: Empathy (thấu hiểu), Ethics (tử tế), Excellence (xuất sắc), Elevation (trân trọng), và Evolution (cầu tiến). Tôi lần đầu nghe về 5E từ cô Kiran – người sáng lập mô hình, cũng là người đã truyền cảm hứng rất mạnh mẽ cho tôi trên hành trình này.

Đỗ Phan Duy Khuê, CEO hệ thống giáo dục liên cấp Sao Khuê. Ảnh: Sao Khuê
– Vì sao bà có thể lạc quan rằng năm giá trị cốt lõi ấy sẽ thực sự chạm được đến học sinh?
– Tôi không chỉ lạc quan mà rất tin tưởng. Bởi tôi nhìn thấy điều đó đang diễn ra mỗi ngày tại Sao Khuê, thể hiện qua cách thầy cô ứng xử, trong từng câu chuyện nhỏ giữa học sinh với nhau. Điều này còn nằm trong sự thay đổi rất thật của các em sau từng trải nghiệm.
Trong một khảo sát do trường tự thực hiện, khi được hỏi giá trị nào muốn truyền dạy nhất, hơn 80% giáo viên (phần lớn là các bạn Gen Z) đều chọn “sự tử tế”. Điều đó cho thấy có lẽ chúng ta đang đánh giá thấp thế hệ trẻ. Trong một thế giới nhiều biến động, cạnh tranh và số hóa, các bạn trẻ vẫn tha thiết đi tìm những điều căn bản nhất: sống tử tế, được là chính mình, được cống hiến và phát triển một cách có ý nghĩa.
Tử tế không dễ dạy, không có mẫu số chung, nhưng lại là giá trị đáng để gieo nhất. Với tôi, trường học không cần phải là nơi hoàn hảo, nhưng chắc chắn phải là nơi tử tế.
Tôi tin rằng, khi người lớn trong một ngôi trường sống cùng hệ giá trị ấy một cách kiên định, học sinh sẽ cảm nhận được, không phải chỉ qua lời giảng, mà qua cách chúng ta sống. Và một khi giá trị ấy đã chạm được vào trái tim, thì nó sẽ ở lại rất lâu.
– Với bà, điều gì là nền tảng quan trọng nhất để duy trì một mô hình giáo dục như vậy?
– Theo tôi đó là triết lý giáo dục. Đây là điều giúp người làm giáo dục giữ vững bản sắc giữa một thị trường có quá nhiều cám dỗ từ ánh hào quang, thành tích, hay lượt theo dõi. Chúng tôi luôn giữ vững nguyên tắc: đào tạo các em học sinh có năng lực song hành cùng nhân cách.
Không đặt mục tiêu tạo ra học sinh giỏi nhất lớp, chúng tôi mong các em trở thành người hiểu mình, hiểu người, hiểu đời và luôn làm điều đúng đắn kể cả khi không có ai chứng kiến. Ở Sao Khuê, chúng tôi không ai bắt con phải giỏi ngay. Ở đây, điều quan trọng không phải là điểm cao nhất, mà là mỗi ngày mình tiến bộ một chút – theo cách của chính mình. Nếu con chưa biết gì, không sao cả. Nếu con từng bị tổn thương ở nơi cũ, ở đây sẽ có người cùng con gỡ từng chút một.

Cô Kiran vui đùa cùng các em học sinh trường Sao Khuê. Ảnh: Sao Khuê
– Vậy triết lý này có giúp việc vận hành trường trở nên dễ dàng hơn?
– Không hẳn như vậy. Triết lý này như chiếc la bàn chỉ hướng, chứ không giúp đi nhanh. Khó khăn lớn nhất là giữ được trái tim trong sáng giữa vô số áp lực: từ tài chính, thị trường, cho đến kỳ vọng từ phụ huynh, học sinh.
Giữa một “cuộc chơi” mà giáo dục dễ bị thương mại hóa, chúng tôi chọn kiên trì với con đường của mình, giữ cho ngôi trường sống đúng với tinh thần ban đầu, soi chiếu vào các vấn đề thời đại nhưng không đánh mất giá trị cốt lõi.

Giáo viên cùng các em học sinh trường Sao Khuê trong ngày tổng kết năm học. Ảnh: Sao Khuê
– Điều gì đã thay đổi so với những người làm giáo dục trước đây?
– Khác biệt lớn là cách tiếp cận. Tôi lớn lên giữa thời kỳ toàn cầu hóa, số hóa, khủng hoảng giá trị. Tôi tự hỏi liệu rằng học sinh cần học gì để không tụt hậu? Cần học như thế nào để luôn vững vàng?
Để trả lời, tôi buộc phải thay đổi chính mình. Đó là học cách thích nghi, phản tư, đổi mới tư duy nhưng không từ bỏ các giá trị nền tảng.
Từ khi làm mẹ, tôi thấu hiểu hơn những giới hạn của trẻ, và nỗi trăn trở của phụ huynh. Một ngôi trường tốt không chỉ cần chương trình hay, giáo viên giỏi mà còn cần không gian đủ an toàn để trẻ được là chính mình, kể cả khi còn vụng về, cảm xúc và mong manh.
Thái Anh