Dạo quanh nội đô TP.HCM vào một chiều nắng cuối tháng 5.2025, chúng tôi không khỏi trầm trồ trước một nhà thờ cổ kính với mái ngói rêu phong, tháp chuông vươn cao sừng sững nằm trầm mặc giữa trung tâm thành phố.
Lân la hỏi chuyện, chúng tôi biết đây là nhà thờ do vợ chồng phú hào giàu có nhất Sài Gòn dâng cúng tài sản của mình để xây dựng. Đó là nhà thờ Huyện Sỹ (tên chính thức là nhà thờ Thánh Philipphê Tông đồ) ở góc đường Tôn Thất Tùng – Nguyễn Trãi (Q.1). Đây là nhà thờ Công giáo cổ tồn tại hơn 1 thế kỷ của giáo xứ Chợ Đũi thuộc Tổng giáo phận TP.HCM.

Nhà thờ Huyện Sỹ với kiến trúc Gothic cổ điển giữa trung tâm TP.HCM
ẢNH: UYỂN NHI
Nhà thờ Huyện Sỹ hơn 1 thế kỷ giữa lòng TP.HCM
Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 ở Sài Gòn – Chợ Lớn nổi lên 4 vị đại thương gia, được mệnh danh là “Tứ đại phú hộ”. Dân gian thường có câu: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa”.
Ông Lê Phát Đạt (tức là ông Huyện Sỹ), tên thánh Philipphê, là người đứng đầu trong tứ đại phú hào giàu nhất Sài Gòn xưa và cũng là ông ngoại của Nam Phương hoàng hậu (vợ của vua Bảo Đại, hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn – PV).


Hang đá Đức Mẹ Maria ở bên ngoài nhà thờ
ẢNH: UYỂN NHI
Để tìm hiểu sâu hơn về lịch sử nhà thờ Huyện Sỹ, chúng tôi lật giở tài liệu của Tổng giáo phận TP.HCM. “Trong các khung kính màu của nhà thờ có 1 khung ghi lại số 1904 có lẽ đây là thời điểm đang xây dựng nhà thờ. 4 quả chuông của nhà thờ thì khắc số 1905, có lẽ khánh thành năm 1905”.
Công trình này có chiều rộng 18 mét, chiều dài 40 mét và chia làm 4 gian. Nhà thờ mang phong cách kiến trúc Gothic của Pháp với mái chóp nhọn, vòm nhọn có gân và cửa sổ kính màu…


Tượng thánh được đặt 2 bên nhà thờ
ẢNH: UYỂN NHI
Ban đầu, nhà thờ có tên là nhà thờ Chợ Đũi, về sau để ghi nhớ công ơn của ông bà Huyện Sỹ đã hiến tặng tài sản xây dựng thánh đường, giáo dân đã lấy tên thánh bổn mạng của ông là Thánh Philipphê để làm tước hiệu nhà thờ.
Để ý thấy, tháp chuông chính ở nhà thờ cao 57 mét, mặt tiền và các cột chính điện được ốp đá hoa cương.

Mặt ngoài nhà thờ sơn màu vàng nhạt, trên mỗi nóc đều có tượng cây thánh giá
ẢNH: UYỂN NHI
Bước vào bên trong thánh đường, chúng tôi choáng ngợp trước không gian trang nghiêm, cổ kính với hàng loạt tranh kính màu miêu tả cuộc đời các thánh, hình ảnh Đức Mẹ, Thánh Giuse được thể hiện bằng kỹ thuật khắc họa đầy tinh tế, từng mảng màu như kể một câu chuyện thiêng liêng.
Bên trong nhà thờ có các kính màu là hình ảnh của các Thánh
ẢNH: UYỂN NHI
Đặc biệt, phía sau cung thánh là mộ phần của ông bà Huyện Sỹ, được đặt trang trọng với tượng đá cẩm thạch nguyên khối có kích thước như người thật. 2 bức tượng thể hiện ông bà trong tư thế nằm, vận áo dài – khăn đóng, từng nếp áo được tạc sống động đến từng chi tiết.
Trên nắp mộ là những hoa văn điêu khắc tỉ mỉ, mái vòm bằng đá khắc hình ảnh cuộc khổ nạn của Thánh Giuse – vừa là nơi tưởng nhớ, vừa là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo của người xưa để lại.

Tượng đá cẩm thạch nguyên khối mô tả ông bà Huyện Sỹ trong tư thế nằm, đội khăn đóng, mặc áo dài truyền thống
ẢNH: UYỂN NHI
Nhà thờ Huyện Sỹ không chỉ đơn thuần mang phong cách Gothic cổ điển mà còn hòa quyện nhiều chi tiết độc đáo: từ tượng thánh Philipphê Tông đồ đặt trên cao mặt chính diện, đến tượng thánh tử đạo Lê Văn Gẫm giữa sân nhà thờ và cả hang đá Đức Mẹ Maria phía cánh phải sát đường Nguyễn Trãi.
Tháp chuông cao 57 mét và mái ngói rêu phong của nhà thờ Huyện Sỹ – dấu tích hơn 120 năm tuổi
ẢNH: UYỂN NHI
Từng chi tiết trang trí, từ cột trụ ốp đá hoa cương cho đến các vòm kính, mái ngói… đều được bảo tồn gần như nguyên vẹn qua hơn 120 năm. Nhà thờ Huyện Sỹ không chỉ là một công trình kiến trúc mà còn là một kho tư liệu sống về văn hóa, tín ngưỡng và lịch sử của TP.HCM xưa cũ.