Nhà văn Pháp gốc Việt Anna Moï: Từ lần đầu tiên đến tiểu thuyết cuối cùng

Nhà văn Pháp gốc Việt Anna Moï: Từ lần đầu tiên đến tiểu thuyết cuối cùng

bởi

trong

Nọc bướm – tiểu thuyết của Anna Moï từng giành giải thưởng Littérature-monde (Giải Văn học – Thế giới tại Festival Étonnants Voyageurs của Pháp) năm 2017. Tiếp đó, tiểu thuyết Douze palais de mémoire (Mười hai cung điện ký ức) của bà giành giải thưởng La-Renaissance-française năm 2021 (Giải Phục hưng Pháp – là một giải thưởng do Viện Hàn lâm Khoa học hải ngoại thành lập năm 2011 nhằm tôn vinh một tác phẩm hoặc công trình làm nổi bật ngôn ngữ, văn học Pháp hoặc văn hóa Pháp ngữ tại Pháp hoặc nước ngoài).

Năm 2022, bà được trao giải Grand Prix Hervé-Deluen (Viện Hàn lâm Pháp). Anna Moï cũng được Chính phủ Pháp phong tặng danh hiệu “Hiệp sĩ về văn chương và nghệ thuật”.

Nhà văn Pháp gốc Việt Anna Moï: Từ lần đầu tiên đến tiểu thuyết cuối cùng

Anna Moï, nhà văn gốc Việt – tác giả tiểu thuyết Nọc bướm

ẢNH: NVCC

Anna Moï tên thật là Trần Thiên Nga, sinh năm 1955 tại Sài Gòn, trong gia đình gốc Bắc. Sau khi đỗ tú tài tại Trường Pháp Marie Curie Sài Gòn, Thiên Nga sang Paris học lịch sử tại Trường ĐH Nanterre, học ngành thời trang ở École de la Chambre Syndicale; trở thành nhà tạo mẫu và sở hữu một cửa hiệu thời trang riêng tại Paris, mang tên Anna Moï (sau này trở thành bút danh). Từ tập truyện ngắn đầu tiên xuất bản năm 2001, đến năm 2024, Anna Moï đã có trong tay 8 tập truyện ngắn và 3 tiểu thuyết được phát hành.

Viết về bi kịch bằng sự dí dỏm

“Nọc bướm xoay quanh câu chuyện của Xuân – một cô bé miền Nam bước qua tuổi dậy thì với nhiều biến cố, trong bối cảnh thời kỳ hậu thuộc địa Pháp và cuộc chiến leo thang của người Mỹ, ở một đất nước không được nhắc tên, có thể là Việt Nam” – đây là lời giới thiệu về tiểu thuyết của chị, lần đầu tiên được dịch ra tiếng Việt, sau nhiều năm chị đã có tên tuổi ở nước ngoài…

Anna Moï: Tôi nghĩ đây là chuyện rất quan trọng đối với tôi và có thể cũng đối với độc giả Việt. Vì quyển sách này viết về thời thơ ấu của một cô gái lúc đó mới 15, 16 tuổi, trải qua chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, khác hẳn kinh nghiệm của các bạn sống ở ngoài Bắc. Hai không gian cuộc chiến rất khác nhau. Vì ở ngoài Bắc thì bị bom Mỹ, cái nguy hiểm đến từ trên không, mà mình không thấy mặt. Còn chiến tranh ở miền Nam cũng rất khốc liệt, vì diễn ra ngay thực địa, rất gần, rất bạo lực.

Cái nền riêng của tôi là viết về sự bi kịch, nhưng không phải với giọng bi kịch. Bao giờ tôi cũng viết với sự uy mua – sự dí dỏm và cái dí dỏm đấy là tính cách của tôi. Có lẽ đấy sẽ là điều hấp dẫn. Tôi có một người bạn là nhà văn Pháp, khi đọc tác phẩm Nọc bướm, anh ấy bảo rất buồn cười.

Chị nói tiếng Việt, hiểu tiếng Việt, nhưng lại sáng tác bằng tiếng Pháp. Đây là một sự lựa chọn?

Anna Moï: Bản thân việc sáng tác rất khó khăn, nên tôi chọn cái dễ dàng hơn. Nghĩa là bởi tôi ở Pháp, tiếng Pháp là tiếng tôi quen dùng, nên tôi viết bằng tiếng Pháp. Khi đọc Nọc bướm của tôi được dịch ra tiếng Việt, tôi cảm thấy rất ngưỡng mộ người dịch. Dịch rất hay. 

Dịch giả hình như đã nghiên cứu về tôi rất nhiều, dường như đã mất hẳn 2 năm để nghiên cứu giọng văn của tôi. Và tôi thực sự phải cảm ơn cô ấy rất nhiều. Chuyển từ tiếng Pháp qua tiếng Việt mà vẫn chính xác là chuyện rất khó thực hiện.

Nhà văn Pháp gốc Việt Anna Moï: Từ lần đầu tiên đến tiểu thuyết cuối cùng- Ảnh 2.

Anna Moï trong một buổi giao lưu với độc giả Hà Nội

ẢNH: NVCC

Khi viết tiểu thuyết, tác giả thường cô đơn

Tôi rất tò mò về câu chuyện chị học về lịch sử, rồi học và làm về thời trang, rồi viết văn. Tất nhiên những điều này có sự lôi cuốn tự thân. Nhưng những đam mê đó có giúp gì cho chị trong việc viết tiểu thuyết không?

Anna Moï: Tôi nghĩ là không. Nhưng trước hết vì tôi quan tâm đến tất cả các thể loại nghệ thuật, không tự gói mình vào một cái gì cả, nên cái gì tôi cũng quan tâm, vì bản thân cũng rất tò mò. Tuy nhiên về viết tiểu thuyết, như một hôm tôi đã nói chuyện với người bạn rằng, mùa thu này chắc là sáng tác tiểu thuyết cuối cùng, bởi vì viết tiểu thuyết rất mệt. Tôi có thói quen viết lách thì không bao giờ làm kế hoạch trước, hay lên khung, lên kịch bản của tiểu thuyết đấy, bởi vì không thích như thế. Nhưng viết mệt lắm, nên thôi, tôi sẽ dừng.

Chị có nói viết cuốn tiểu thuyết cuối cùng?

Anna Moï: Tôi đã viết xong rồi. Cách đây mấy năm, có một anh bạn là Việt kiều Mỹ về sống ở Việt Nam đã mời tôi sang Hà Nội để viết một quyển sách về cuộc tình của cô chú anh ấy. Hồi ấy, hai người đi kháng chiến nên phải xa nhau, rồi đều lập gia đình riêng. Đến tuổi 90 họ mới gắn bó lại với nhau và kết hôn. Nhưng lúc tôi sang thì ông đã mất rồi, bà cũng chín mươi mấy, không nói được nữa. Thành ra rất tiếc khi bà không kể lại được câu chuyện đó.

Nhưng vì đã book vé ở lại hai tuần, tôi mới đi phỏng vấn họ hàng của anh bạn đó. May mắn là nhờ những người họ hàng đó kể về thời tem phiếu, những cửa hàng mậu dịch… Tôi chưa từng biết, không hiểu chữ “bao cấp” nghĩa là gì, nên đi mua sách đọc, rồi xem phim tài liệu trên mạng. Tôi thấy rất là rung động và muốn viết về thời điểm đó, dù mình không biết gì hết, chỉ có qua tài liệu, phỏng vấn thôi.

Năm 2020, khi có dịch Covid-19, tôi bắt đầu viết. Trong vòng 2 năm, tôi “nhập” vào tiếng nói của một người phụ nữ sống ở Hà Nội, đã có chồng con, trải qua những thử thách của đời sống lúc đó. Nhưng riêng tôi, tôi thấy những chuyện này nghe khá buồn và cả cuộc sống khắc khổ lúc đó không hợp với tính cách của mình, không có gì để vui một tí, hài hước một tí, nên viết 2 năm xong bỏ hết. Đến tháng 4.2024 tôi mới bắt đầu viết lại.

2 năm không viết, nhưng tôi để suy nghĩ. Tôi nghĩ là, cho nhân vật chính không phải là con người mà là một cái xe đạp. Vì lúc phỏng vấn những họ hàng của người bạn đó, ai cũng nói về xe đạp. Không hiểu tại sao họ nói nhiều về xe đạp thế, nào Mifa nào Favorit…, những loại mà tôi hoàn toàn không biết, vì tôi sống ở miền Nam. 

Lấy giọng kể của một cái xe đạp, viết được một số trang, tôi mới nghĩ: Hay cho nó là một cái xe đạp Pháp, cái xe Peugeot đi, vì nó sẽ tự do hơn trong cách nhìn. Nó nói với cái giọng của nó chứ không phải là giọng của người Việt. Và nhất là nhân vật như thế cho mình cơ hội viết một phần về chuyện xe đạp của thời ấy từ 1972 đến 1975, trong Tour de France – những cuộc đua xe rất quan trọng ở Pháp. Vận động viên đua xe đạp ở Pháp là nghề đặc biệt. Phải vượt núi băng đèo hàng nghìn km bằng xe đạp là một công việc vô cùng khó khăn. Tôi muốn so sánh sự nỗ lực của họ với những nỗ lực của những người Việt cũng phải vượt qua hàng núi chông gai, tất nhiên là theo nghĩa bóng. Nhưng hai sự nỗ lực đó rất gần gũi với nhau.

Mà khi tôi sử dụng giọng văn là lời trần tình của một chiếc xe “made in” nước ngoài, có thể cũng vui mà lại khác biệt.

Nói đến chọn lựa góc nhìn hài hước để kể về bối cảnh thời bao cấp ở Việt Nam, thành công có tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

Anna Moï: Chuyện ngõ nghèo. Rất là hài! Nếu cứ mong muốn viết được như của Nguyễn Xuân Khánh thì thôi mình… dẹp, khỏi viết tiếng Việt luôn (cười). Không bao giờ mình bằng được ông ấy. Và cả nhà văn viết Những ngã tư và những cột đèn (Trần Dần). Những chất giọng rất đặc biệt. Tôi vô cùng hâm mộ. Cách đây vài năm khi tôi đọc đến những tác giả đó, thực sự là một cú sốc về mặt thẩm mỹ. Sốc với hàm nghĩa tích cực. Bởi vì đó là cảm giác tự nhiên khi nhận thấy được một điều mà mình chưa biết, một cái thẩm mỹ khác mà mình chưa hề biết. Là về cách kể chuyện. Tôi rất hâm mộ những người viết bi kịch với một sự hài hước. Nhưng thật ra trên thế giới những tác giả như thế rất ít. 

Nghĩa là khi chị viết, cũng sẽ giống như chị làm những việc liên quan đến nghệ thuật khác – như một niềm vui chứ không có một định hướng nào trước. Các câu chuyện sẽ tình cờ đến?

Anna Moï: Đúng rồi. Lúc anh bạn đặt viết cuốn sách, thì tôi đang không làm gì, không có đề tài nào. May mắn khi anh mời sang Việt Nam, tôi mới khám phá ra thời “bao cấp”. Tôi không ngồi suy tư kiểu bây giờ mình phải viết cuốn sách này hay sách khác. Ý tưởng nếu không đến thì thôi, tôi làm chuyện khác.

Như thời gian sau khi viết quyển tiểu thuyết về xe đạp Un Peugeot ou rien du tout (tạm dịch: Hoặc là Pơ giô hoặc thôi). Tôi có một nhóm bạn là nhà văn Việt kiều Mỹ, rất giỏi tổ chức trại viết ở nhiều nơi. Năm 2023 họ tổ chức ở Pháp, có mời tôi tham dự. Trong trại viết, tôi sáng tác một vở kịch, và nhận thấy viết kịch dễ hơn. Bởi vì kịch thì mình dựa vào những sự kiện mình đã biết và biến thành đối thoại thì cũng thú vị hơn. Viết tiểu thuyết mệt quá. Vả lại khi viết tiểu thuyết, nhà văn hay làm việc một mình, cô đơn. Trong khi làm kịch thì mình có thể làm việc với bao nhiêu người, với diễn viên, đạo diễn, biên kịch… Đến tuổi này chắc là tôi cần điều đó.

Chị sáng tác kịch có theo niêm luật không?

Anna Moï: Tôi làm việc với ông Giám đốc Nhà hát Quốc gia ở Pháp, ông ấy khuyến khích tôi “Viết hiện đại lên, sáng tác tự do lên, đừng nương vào niêm luật quá, mà hãy tạo ra những không gian, thời gian chồng chéo lẫn nhau, không cần phải theo đúng là hồi một, hồi hai… như kịch cổ điển”.

“Điểm quan trọng của cuốn sách nằm ở cách tác giả đưa chúng ta bước vào cuộc sống của một thiếu nữ, vào cuộc khám phá giới tính của cô ấy. Nghệ thuật của tiểu thuyết gia cho chúng ta thấy được những mẩu chuyện nhỏ trong câu chuyện lớn. Và Anna Moï hiểu rất rõ điều này…”, Ananda Devi, thành viên ban giám khảo Giải thưởng Littérature-monde.

“Khác xa với bầu không khí hoài cổ đặc trưng trong những hồi tưởng về tuổi trẻ lạc lối, giọng điệu của câu chuyện vừa châm biếm vừa gợi cảm, giữ nhịp độ nhanh, gấp. Ở Anna Moï, tuổi trẻ là tất thảy những gì đẹp đẽ đáng ghi nhớ nhất, kể cả trong tình cảnh thảm họa lịch sử và bi kịch chiến tranh”, NXB Trẻ, nơi dịch và phát hành Nọc bướm bản tiếng Việt.

“Càng đọc càng cuốn, câu chuyện và giọng điệu lối đi của một suy tư rất hương xa mà lại dễ cảm. Tiếp xúc tác giả rồi, đọc cuốn này thấy thêm những liên tưởng và liên kết với các số phận đời thực, từ Sài Gòn thập niên 60 đến những nơi chốn phảng phất qua: Pháp, Hà Nội…, lịch sử ồn ào của đất nước song song sự thức dậy của tâm trí thiếu nữ mới lớn giữa cảnh xã hội cũng “mới lớn”, một xã hội dục tính dẫu sống sượng vẫn có ích (nhiều khi oái oăm và tật nguyền) là làm mềm đi cái tàn bạo”, nhà văn Nguyễn Trương Quý.

Nọc bướm đã cho tôi đọc trong một trạng thái cảm xúc lạ lùng, dai dẳng. Và sâu hơn nữa, có chút riêng tư… Mỗi trang sách Nọc bướm đều đặt tôi đối diện với một chiếc gương – chiếc gương này phải chăng là vĩ tuyến 17… Cô bé miền Bắc, là tôi thuở xưa, thấy mình phản chiếu qua cô bé miền Nam, gần như giống hệt nhau, nhưng lại hoàn toàn đối lập… Diệu kỳ của tấm gương và nền phản chiếu!”, Nuage Rose (Hồng Vân), tác giả Ba áng Mây trôi dạt xứ bèo.