
Thấy con gái kể “Hôm nay con bị bác đánh”, chị Hằng gạt đi, nghĩ con nghịch ngợm nên bị bác phạt vài cái, không biết con đang gửi tín hiệu cầu cứu.
Ngày hôm đó, bé Thư, 12 tuổi, đã lấy hết can đảm mở lời để mẹ biết mình đang bị người bác họ gần nhà xâm hại tình dục. Nhưng thấy mẹ phớt lờ, cô bé không dám nhắc lại và tiếp tục bị xâm hại. Đến khi bé có thai, người nhà mới vỡ lẽ. “Con định nói, nhưng mẹ không quan tâm nên con không dám nói nữa”, cô bé đáp, khi được hỏi vì sao im lặng.
Bé Thu An, 6 tuổi, ở Hà Tĩnh cũng im lặng khi bị một người thân xâm hại tình dục. Nhưng quan sát những thay đổi của con, chị Minh Hạnh nghi ngờ con bị tổn thương nên thủ thỉ hỏi chuyện. Cuối cùng, cô bé kể bị người anh họ có những hành động khiến bé sợ và đau.
Qua hai trường hợp từng tiếp xúc và hỗ trợ này, bà Nguyễn Thị Khôi, cán bộ Quản lý trường hợp (Case Manager) của tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam nhận thấy sự quan tâm của người chăm sóc là một trong những yếu tố giúp kịp thời phát hiện trẻ bị xâm hại tình dục. Hagar Quốc tế (Hagar International) là tổ chức chuyên cung cấp các dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho nhóm những người chịu ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và mua bán người,
Trong nhiều trường hợp xâm hại tình dục, trẻ không có biểu hiện tổn thương rõ ràng hoặc không lên tiếng vì sợ hãi, xấu hổ, bị đe dọa hoặc do trẻ quá nhỏ, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. “Do đó, sự im lặng của trẻ không đồng nghĩa với việc không có gì xảy ra”, bà Khôi nói.
Gần 20 năm làm công tác hỗ trợ trẻ chịu ảnh hưởng bởi xâm hại tình dục, bà Nguyễn Thị Khôi chia sẻ một số dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị xâm hại tình dục nhưng không để lại tổn thương rõ ràng trên cơ thể.
Thay đổi hành vi đột ngột
Trẻ trở nên cáu kỉnh, dễ bị kích động hoặc lo âu thường xuyên không rõ nguyên nhân.
Trẻ có biểu hiện thu mình, tránh giao tiếp, giảm hứng thú với các hoạt động thường ngày.
Học tập sa sút, mất tập trung, hay quên, hoặc không muốn đến trường.
Rối loạn giấc ngủ: Trẻ gặp ác mộng lặp đi lặp lại, giật mình giữa đêm, sợ bóng tối, đòi ngủ cùng cha mẹ dù trước đó đã ngủ riêng.
Xuất hiện hành vi tè dầm dù trước đó đã kiểm soát được tiểu tiện ban đêm.
Né tránh tiếp xúc cơ thể hoặc sợ một người cụ thể
Trẻ không cho ai chạm vào người, nhất là vùng nhạy cảm, thậm chí phản ứng mạnh như la hét, hoảng sợ.
Tránh né hoặc tỏ ra hoảng loạn khi gặp một người cụ thể (có thể là người quen trong gia đình hoặc cộng đồng).
Sợ hãi bất thường với những nơi từng quen thuộc
Biểu hiện lo âu – sang chấn tâm lý
Trẻ thường xuyên khóc lóc không rõ lý do, giật mình quá mức khi có tiếng động hoặc ai chạm vào.
Nói những câu như “Con là người xấu”, “con hư”.
Biểu hiện tình dục không phù hợp với lứa tuổi
Trẻ thể hiện kiến thức, lời nói hoặc hành vi liên quan đến tình dục vượt quá độ tuổi.
Có hành vi như giả vờ quan hệ, chơi với đồ chơi theo cách gợi dục hoặc chạm vào vùng kín người khác.
Dấu hiệu thể chất gián tiếp
Kêu đau, than bị buốt, rát, ngứa nhưng không rõ nguyên nhân.
Trẻ có dấu hiệu mệt mỏi kéo dài, chán ăn, sút cân hoặc nhiễm trùng đường tiểu.
Trong một số trường hợp, mùi hôi bất thường vùng kín hoặc trẻ liên tục gãi bộ phận sinh dục cũng là dấu hiệu cần đưa trẻ đi kiểm tra.
Khi biết chắc chắn con bị xâm hại tình dục, bà Khôi khuyên cha mẹ giữ bình tĩnh, an ủi và động viên, thay vì trách móc, đổ lỗi.
Cha mẹ cần nói “việc này khó khăn nhưng con thật dũng cảm vì đã nói ra. Bố mẹ rất cảm ơn vì con tin tưởng, bố mẹ sẽ đồng hành cùng con”. Lời động viên như vậy giúp trẻ an tâm, thấy được bảo vệ.
Cần khẳng định với trẻ xâm hại tình dục là vi phạm pháp luật và trẻ đang và sẽ được bảo vệ. Giúp cho trẻ hiểu mình không có lỗi, mình không đáng phải xấu hổ. Cha mẹ luôn ở bên cạnh chăm sóc, yêu thương và cho trẻ đủ thời gian để hàn gắn những tổn thương.
Một nguyên tắc quan trọng là cha mẹ phải tuyệt đối giữ bí mật với những người không liên quan. Chia sẻ việc con bị xâm hại với người thân quen, hàng xóm chỉ gây thêm áp lực cho trẻ. Thậm chí khiến trẻ khủng hoảng vì các thông tin của mình bị lan truyền khắp nơi. “Đứa trẻ chưa gặp tổn thương vì bị xâm hại đã bị khủng hoảng vì lời ra tiếng vào”, bà cảnh báo.
Chuyên gia khuyên người chăm sóc không được thỏa hiệp với hành vi xâm hại. Cần lập tức trình báo cơ quan công an, tạo môi trường an toàn cho trẻ, tách trẻ khỏi thủ phạm.
Nếu kẻ xâm hại là người thân trong gia đình, phải ngăn chặn cả tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp (qua tin nhắn, điện thoại hay người trung gian…) đề phòng trẻ bị đe dọa, thao túng, không chia sẻ đúng hoặc nói không hết các thông tin.
Nếu phát hiện trẻ vừa bị xâm hại thì không nên tắm rửa, thay quần áo để bảo tồn chứng cứ quan trọng phụ điều tra. Trong trường hợp buộc phải thay quần áo, nên giữ lại làm bằng chứng.
Trẻ cần được thăm khám và điều trị tại cơ sở y tế chuyên khoa, các tổ chức, cơ quan chức năng có cung cấp các dịch vụ hỗ trợ phù hợp với tình hình hiện tại của trẻ..
Phụ huynh duy trì nếp sinh hoạt như trước đây, xây dựng niềm tin con luôn đúng, xứng đáng được bảo vệ, có gia đình và pháp luật luôn ở bên bảo vệ trẻ.
Bà Khôi lưu ý không ép trẻ quên đi quá khứ, bình thường lại cuộc sống khi chưa sẵn sàng.
Ở Hagar từng tiếp nhận một trường hợp 18 tuổi, vẫn tổn thương vì bị xâm hại tình dục năm 6 tuổi. Tâm lý cô gái bất ổn hơn khi người lớn luôn nói sự việc đã qua lâu rồi, kẻ xâm hại cũng đã trả giá, vậy hãy quên đi, sống cuộc đời của mình.
“Bị xâm hại tình dục để lại sang chấn sâu sắc trong đời con người, không thể xóa nhòa. Điều quan trọng là người thân, các tổ chức xã hội phải đồng hành để trẻ đi qua tổn thương, làm chủ cuộc đời và kiểm soát tổn thương một cách lành mạnh”, bà Khôi nói.
*Tên nhân vật trong bài đã đổi.
Phạm Nga