
Thương cha mẹ già 80 tuổi vò võ trông mong, nhưng vì công việc làm xa nên phải chờ dịp lễ, tết hoặc cuối tuần, tôi mới chạy về thăm được. Mỗi lần về bên cha mẹ, tôi thấy chiếc máy đài sờn cũ nằm trước bậc thềm, bên góc sân, hoặc trên bàn nhựa có đặt bộ bình trà nóng ấm. Trong số những vật dụng thân thiết của cha, chiếc đài radio luôn gần gũi, sớm chiều bầu bạn.
Cha tôi thoát ly gia đình, tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1965. Cha kể, thời chiến tranh khốc liệt, người lính ngoài mặt trận đạn nổ bom rơi, băng rừng vượt núi, nếu có chiếc máy đài để biết thêm thông tin thì quý lắm. Nhờ chiếc đài mà cha và đồng đội sớm biết tin chiến sự, tin Hiệp định Paris ký kết, các tỉnh Tây nguyên và miền Trung được giải phóng, quân ta liên tiếp giành thắng lợi trên các chiến trường, đặc biệt là tin toàn thắng trưa 30.4.1975. Khi ấy, cha và đồng đội, những người lính sạm đen khói lửa chiến chinh, vỡ òa niềm vui sướng, hò reo, hạnh phúc tột cùng. Đất nước hòa bình, non sông thống nhất, cha về phép và nên duyên chồng vợ với mẹ, khi hai người đã 31 tuổi. Mẹ ở lại quê, cha trở lên đơn vị cũ, đóng quân tại thị xã Pleiku. Năm 1982, vì cảnh nhà đơn chiếc, vợ yếu con thơ, cha xin phục viên xuất ngũ, sau 16 năm 8 tháng phục vụ trong quân đội. Về quê với công việc nhà nông, dẫu cuộc sống nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng cha luôn hy vọng vào ngày mai tươi sáng.
Chiếc radio thân thiết với cha từ xưa đến giờ. Cha thường nghe vào sáng sớm và chiều tối, hết đài Tiếng nói Việt Nam đến đài tỉnh Phú Yên. Tiện lợi là vừa nghe đài mà vừa chẻ tre, đan rổ, trồng rau, tưới nước hoặc làm các việc khác. Cha yêu thích chương trình Thời sự, Quân đội nhân dân, Vì an ninh Tổ quốc, Dự báo thời tiết, Ca nhạc… Có khi cha lo lắng cho miền Bắc mưa rét, miền Trung khô hạn, miền Nam triều cường xâm nhập mặn. Có khi cha vui mừng, tin tưởng trước những quyết sách của Đảng và Nhà nước như miễn học phí, sắp xếp bộ máy hành chính tinh gọn, sáp nhập các tỉnh nhằm thúc đẩy sự phát triển chung… Nhờ đó, cuộc sống rộng lớn bên ngoài cũng trở nên gần gũi hơn.
Nghe đài để biết thêm thông tin, giải trí, cũng là cách giúp cha giữ gìn ký ức. Chiếc radio trở thành cầu nối gắn kết quá khứ với hiện tại, hướng tới tương lai. Chiến tranh dù lùi xa 50 năm nhưng qua những câu chuyện kể, những ca khúc cách mạng, hồi ức của các vị tướng, các cựu chiến binh trên sóng phát thanh đã làm sống lại trong cha một thời trai trẻ, gian lao mà anh dũng, khốc liệt mà hào hùng. Điều khiến cha xúc động là khi nghe tin những người lính hôm nay vẫn lặng lẽ vượt suối băng rừng để tìm đồng đội, với nghĩa tình trọn vẹn là tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Cha lặng người nhớ những đồng đội đã hy sinh, nghĩ đến bản thân mình may mắn, rồi nhắc nhở con cháu trân quý giá trị hòa bình và trách nhiệm với quê hương.
Khi nhịp sống ngày càng tất bật, bạn già dần thưa vắng, con cháu bận rộn nơi xa, thì chiếc đài radio càng giống người bạn tâm tình, trò chuyện cùng cha. Mỗi dịp lễ, tết, đặc biệt là năm nay, chiếc đài radio giúp cha cảm nhận được không khí hân hoan, tưng bừng khắp cả nước hướng về lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thì lòng cha càng thêm phấn khởi, tự hào. 50 năm núi sông liền một dải, là hành trình nửa thế kỷ của một dân tộc anh hùng. Tự hào vô cùng, hạnh phúc vô cùng, và cũng là trách nhiệm của mỗi người, của cả dân tộc trong hành trình đi tới tương lai.
Tôi đặt mua một chiếc radio mới, bắt sóng tốt hơn, chờ cuối tuần này sẽ về thăm gia đình và biếu tặng cha!