Nhận hối lộ để bao che hàng giả, cựu Cục trưởng ‘gián tiếp đầu độc người dân’

Nhận hối lộ để bao che hàng giả, cựu Cục trưởng ‘gián tiếp đầu độc người dân’

bởi

trong

Mở rộng điều tra vụ án hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả, Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Phong, cựu Cục trưởng, cùng nhiều cựu cán bộ thuộc Cục An toàn thực phẩm về tội nhận hối lộ.

Nhóm cán bộ bị cáo buộc nhận tiền từ doanh nghiệp để bỏ qua các lỗi vi phạm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thẩm định, hậu kiểm, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt và giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho hàng trăm nhãn hiệu thực phẩm chức năng.

Nhận hối lộ để bao che hàng giả, cựu Cục trưởng ‘gián tiếp đầu độc người dân’

Bị can Nguyễn Thanh Phong, cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế

ẢNH: BCA

Gián tiếp đầu độc người dân”

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), nói hành vi của nhóm cựu cán bộ nêu trên không chỉ tiếp tay cho sai phạm của doanh nghiệp, mà chẳng khác gì “gián tiếp đầu độc người dân”.

Theo vị đại biểu, những “râm ran” về an toàn thực phẩm, nhất là thực phẩm chức năng, đã được đề cập nhiều năm nay; đến giờ mới bị phát hiện, xử lý là có phần muộn, nhưng muộn vẫn hơn không.

Từ hàng loạt vụ án sữa giả, thuốc giả, thực phẩm giả bị triệt phá thời gian quan, ông Hòa nhấn mạnh đến 2 vấn đề cần quan tâm. Một là hành vi vi phạm của doanh nghiệp, “cái này đã quá rõ”. Hai là trách nhiệm của các cơ quan quản lý đối với lĩnh vực đó, liệu có sự “chống lưng” hay không.

Vị đại biểu khẳng định với bất cứ lĩnh vực quản lý nào, bao gồm an toàn thực phẩm, chỉ cần các cơ quan quản lý vô tư, khách quan, thường xuyên kiểm tra và xử lý quyết liệt khi phát hiện sai phạm, thì hàng giả, hàng kém chất lượng “ắt không còn đất sống”. Ngược lại, nếu có sự bao che, tiếp tay, thì rất khó để ngăn chặn.

Do đó, cơ quan điều tra cần làm rõ các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền đã làm hết trách nhiệm hay chưa. “Đừng để xảy ra tình trạng chỉ quyết liệt với một vài cơ sở, nhưng nhiều chỗ thì vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật”, ông Hòa nêu.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cũng nhận định vụ việc xảy ra tại Cục An toàn thực phẩm là điển hình cho sự biến chất, suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ quản lý. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

 - Ảnh 2.
 - Ảnh 3.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (trái) và đại biểu Trịnh Xuân An

ẢNH: GIA HÂN

“Làm rõ trách nhiệm, tránh đổ lỗi cho nhau”

Trở lại vụ án, Cục An toàn thực phẩm được coi là “chốt chặn” quan trọng nhất, nhưng người có vị trí cao nhất tại đơn vị này là cục trưởng lại có hành vi tiêu cực. Sai phạm của doanh nghiệp vì thế đã khó lại càng khó ngăn chặn kịp thời. Có giải pháp nào để ngăn chặn câu chuyện tương tự xảy ra?

Đại biểu Trịnh Xuân An nói, đây là bài học để các bộ, ngành siết lại công tác quản lý, nhất là cán bộ, công chức trực tiếp phụ trách các lĩnh vực liên quan nhiều đến người dân, xã hội. “Chúng ta phân cấp, phân quyền rất lớn cho cấp cơ sở, nhưng cũng cần quan tâm đến cơ chế giám sát, nhất là những người quản lý trực tiếp”, ông nói.

Theo vị đại biểu, tính chất, quy mô, mức độ của hành vi sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi, phức tạp. Song, “phải nhìn nhận thẳng thắn là công tác của chúng ta còn kém”. Ông dẫn chứng về lực lượng quản lý thị trường “khá hùng hậu”, rồi hệ thống cơ quan ban ngành địa phương, chưa kể có nơi thành lập đơn vị chuyên biệt về quản lý về an toàn thực phẩm. Thế nhưng, có những vụ việc xảy ra rồi, hoặc sau khi báo chí, mạng xã hội phản ánh thì cơ quan chức năng mới vào cuộc kiểm tra.

Ông An kiến nghị siết chặt trách nhiệm đối với đội ngũ quản lý, sai phạm xảy ra ở lĩnh vực nào thì lĩnh vực đó phải chịu trách nhiệm, không thể đổ lỗi do không đủ con người, hoặc không đủ điều kiện. “Trên một mâm cơm có nhiều cơ quan cùng quản lý, phải rõ về mặt trách nhiệm, tránh tình trạng đổ lỗi cho nhau”, ông nêu.

Cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm 5 lần được cấp dưới đưa phong bì

Đại biểu Phạm Văn Hòa thì cho rằng, trong lúc trông chờ vào đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, thái độ liêm chính, trách nhiệm của cơ quan quản lý chính là giải pháp tốt nhất để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái.

Để không còn những vụ án như cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, vị đại biểu đoàn Đồng Tháp kiến nghị tăng cường công tác kiểm soát quyền lực. Kiểm soát ngay trong nội bộ cơ quan, từ cấp trên xuống cấp dưới, đặc biệt là phản ánh từ dư luận, người dân…