Tỉnh ủy Bạc Liêu vừa có đề án sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp xã.
Theo đề án, cấp huyện có 42 cơ quan UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, được giao 160 biên chế; có 35 hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, với 42 người làm việc.
Cấp xã có 320 cơ quan UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, với 320 biên chế; có 128 hội quần chúng, được giao 64 người làm việc.
“Trong hoạt động còn có sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, trùng lặp về đối tượng vận động, tập hợp ở một số tổ chức hội; có lúc, có nơi chưa thực hiện sâu sát cơ sở, nắm tình hình nhân dân chưa kịp thời; vẫn còn tình trạng một việc nhiều tổ chức cùng làm, một người dân tham gia nhiều tổ chức”, đề án nêu hạn chế, tồn tại thời gian qua.

Hội Nông dân ở tỉnh Bạc Liêu (một tổ chức chính trị – xã hội) tổ chức một hội nghị (Ảnh minh họa: CTV).
Theo phương án sắp xếp của Tỉnh ủy Bạc Liêu, sau khi kết thúc hoạt động cấp huyện, điều chuyển nhiệm vụ của cơ quan UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, các hội quần chúng về cấp tỉnh và cấp xã.
Bạc Liêu có 25 đơn vị hành chính xã, phường mới (5 phường, 20 xã), UBMTTQ Việt Nam tỉnh sẽ quyết định thành lập UBMTTQ Việt Nam xã, phường và công nhận các chức danh trong ban thường trực.
Về công tác nhân sự, đối với Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã, phường, sẽ thực hiện theo chỉ thị của Bộ Chính trị.
Còn cấp phó, cơ cấu Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam cấp xã là trưởng các tổ chức chính trị – xã hội (sau khi đã sắp xếp), gồm: 1 phó chủ tịch đồng thời làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ; 1 phó chủ tịch làm Bí thư Đoàn Thanh niên; 1 phó chủ tịch làm Chủ tịch Hội Nông dân (nơi có tổ chức hội nông dân); 1 phó chủ tịch làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh; 1 phó chủ tịch làm Chủ tịch Công đoàn (nơi có tổ chức công đoàn).
“Biên chế cán bộ lãnh đạo, công chức các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cơ quan UBMTTQ Việt Nam cấp xã được bố trí không quá 10 biên chế”, theo đề án.
Cũng theo đề án của Tỉnh ủy Bạc Liêu, đối với các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (chữ thập đỏ, đông y), tổng số ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ không vượt quá tổng số ủy viên của các đơn vị cấp xã trước khi sáp nhập. Đến khi đại hội của mỗi tổ chức, sẽ thực hiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
Đối với Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư (những nơi không sáp nhập, chia tách), giữ nguyên như hiện nay gồm 9-11 người. Đối với khu dân cư có tách, nhập sẽ do Đảng ủy, UBND thống nhất với UBMTTQ Việt Nam cấp xã để thành lập mới.
“Việc sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, các hội quần chúng, tạo thuận lợi trong công tác tập hợp, thống nhất tổ chức các phong trào, vận động quần chúng; tăng cường sức mạnh tổng hợp của MTTQ Việt Nam; giảm được biên chế, tiết kiệm chi phí hành chính.
Cùng với đó là hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, khu dân cư, tăng cường phản ánh, tập hợp, nắm tình hình nhân dân nhanh hơn, hiệu quả hơn, giảm khâu trung gian; thực hiện tốt hơn các yêu cầu gần dân, sát dân, chăm lo cho dân”, đề án nêu tác động tích cực khi sắp xếp các tổ chức này.