Nhiều chính sách được đề xuất để thể chế hóa nghị quyết 68 mở rộng cho tư nhân làm đường sắt

Nhiều chính sách được đề xuất để thể chế hóa nghị quyết 68 mở rộng cho tư nhân làm đường sắt

bởi

trong
Nhiều chính sách được đề xuất để thể chế hóa nghị quyết 68 mở rộng cho tư nhân làm đường sắt

Tuyến đường sắt kết nối từ trung tâm TP.HCM đi Cần giờ được đề xuất vào danh mục áp dụng các cơ chế đặc thù, đặc biệt trong dự thảo nghị quyết về phát triển đường sắt – Ảnh: CHÂU TUẤN

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng cho ý kiến về tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đối với hồ sơ dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để đầu tư phát triển hệ thống đường sắt (dự thảo nghị quyết).

Mở rộng sự tham gia doanh nghiệp tư nhân vào đường sắt

Về phát triển đô thị theo mô hình TOD đối với đường sắt đô thị, theo quy định của Luật Đất đai 2024, Nhà nước thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thu hồi đất; sau đó đấu giá hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất.

Hiện nay, TP đang thực hiện phát triển mô hình TOD theo nghị quyết 98. Tuy nhiên, hiện không có quy định cụ thể về việc UBND TP được tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trong khu vực quy hoạch TOD.

Do đó, cần thiết phải bổ sung nội dung làm rõ quy định này để không gặp vướng mắc trong quá trình triển khai. Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu Luật Thủ đô và từ thực tiễn triển khai nghị quyết 98, TP đề xuất bổ sung quy định này vào dự thảo nghị quyết.

Cụ thể, UBND cấp tỉnh quyết định việc chỉ định nhà đầu tư hoặc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án phát triển đô thị trong khu vực quy hoạch TOD. Trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định pháp luật về đấu thầu, pháp luật khác có liên quan.

Về đầu tư dự án bằng nguồn vốn ngoài nhà nước, theo UBND TP, các dự án đường sắt thường có vốn rất lớn, thời gian thực hiện dài, nhiều rủi ro, lợi nhuận rất thấp. 

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn đầu tư các dự án đường sắt trong nước thời gian qua cho thấy rất ít nhà đầu tư quan tâm, tham gia đầu tư đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị.

Ngày 4-5, Bộ Chính trị đã có nghị quyết 68 phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó có chính sách về mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia, chính sách ưu đãi khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia cùng Nhà nước vào các dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị…

Do đó, để thể chế hóa nghị quyết 68, UBND TP cho hay dự thảo nghị quyết đã có cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt khác quy định của một số luật hiện hành. 

Trong đó, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư dự án đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt đô thị theo mô hình TOD bằng nguồn vốn ngoài nhà nước theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ ngân sách đối với đất dành cho đường sắt. Trường hợp dự án thực hiện theo phương thức đối tác công tư, phần kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không tính vào tỉ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án.

Với dự án do nhà đầu tư đề xuất theo quy định của pháp luật về đầu tư, cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Với dự án do nhà đầu tư đề xuất dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, sau khi dự án đầu tư được phê duyệt, người có thẩm quyền phê duyệt dự án được quyết định việc chỉ định nhà đầu tư.

Nhà đầu tư được chỉ định phải chứng minh đủ năng lực về khả năng thu xếp vốn chủ sở hữu, huy động vốn vay, nguồn vốn hợp pháp khác; chứng minh kinh nghiệm hoặc có thỏa thuận hợp tác với đối tác có kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự…

Đề xuất bổ sung hai tuyến đường sắt vào danh mục kèm theo dự thảo nghị quyết

UBND TP cũng đã đề xuất bổ sung tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, đường sắt kết nối trung tâm TP.HCM đi huyện Cần Giờ vào danh mục dự án kèm theo dự thảo nghị quyết để làm cơ sở triển khai nhanh và hiệu quả hai tuyến này theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Đối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, dự án đang được Ban Quản lý dự án đường sắt thuộc Bộ Xây dựng lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. 

Sơ bộ tổng mức đầu tư gần 90.101 tỉ đồng (tương đương 3,4 tỉ USD), trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 58.174 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5.504 tỉ đồng.

Theo UBND TP, trước đây Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) báo cáo Bộ Chính trị đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP.HCM đến năm 2035.

Trong đó kiến nghị, tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành (hiện đang giao Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị đầu tư) thống nhất giao cho TP.HCM triển khai đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách trung ương để đảm bảo khai thác đồng bộ mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM, kết nối thuận lợi giữa hai sân bay. 

Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương thông qua đề án. Do vậy, UBND TP đề nghị Bộ Xây dựng xem xét cân đối nguồn vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương trong dự thảo nghị quyết để triển khai dự án.