
Giáo viên mầm non về hưu tại huyện Tây Hòa đợi điều chỉnh phụ cấp thâm niên nhà giáo – Ảnh minh họa bằng AI
Phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, cô Nguyễn Thị Tuy, nguyên giáo viên mầm non thị trấn Phú Thứ (huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên), cho hay cô cùng hơn 50 cô giáo khác đã liên tục làm đơn, chờ đợi nhiều tháng nay nhưng vẫn chưa được điều chỉnh phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Trong khi một số địa phương khác trong tỉnh, các cô giáo mầm non có cùng thời điểm nghỉ hưu đã được điều chỉnh phụ cấp thâm niên.
Bị truy thu bảo hiểm xã hội nhưng không được điều chỉnh phụ cấp thâm niên
Theo cô Tuy, năm 2000, UBND tỉnh Phú Yên ban hành quy định chế độ tiền lương cho giáo viên mầm non, cô và nhiều giáo viên mầm non ở địa phương được xếp lương và hưởng hệ số kể từ ngày 1-9-2000.
Đến ngày 17-9-2013, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành công văn số 3658/BHXH-BT về việc truy thu bảo hiểm xã hội đối với giáo viên.
Vào ngày 10-5-2014, cô đã nộp hơn 7,8 triệu đồng tiền truy thu bảo hiểm xã hội này cho kế toán trường để lập danh sách gửi đến Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Hòa.
Trên cơ sở đó, Phòng Nội vụ huyện Tây Hòa làm danh sách giáo viên yêu cầu giải quyết điều chỉnh chế độ phụ cấp thâm niên để được cập nhật vào sổ bảo hiểm xã hội thêm 5 năm, từ tháng 1-1995 đến tháng 8-2000.
Theo cô Tuy, thực hiện các hướng dẫn từ cấp trên, cô và các cô giáo mầm non ở huyện Tây Hòa đã hoàn tất các hồ sơ gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Hòa, đề nghị được hưởng chính sách chế độ phụ cấp thâm niên nghề giáo theo quy định. Tuy nhiên, cho đến nay phụ cấp thâm niên này của cô Tuy và nhiều cô giáo mầm non nghỉ hưu ở huyện Tây Hòa chưa được cập nhật.
“Thời điểm chúng tôi nghỉ hưu thì Bảo hiểm xã hội lại tính theo công thức bình quân của 5 năm truy đóng cộng với bình quân của những năm cuối nên tiền lương hưu của chúng tôi rất thấp. Còn những đồng nghiệp không tham gia đóng thêm 5 năm lại được nhận số tiền lương hưu cao hơn tôi hơn 1 triệu đồng/tháng. Đây là cách tính bất hợp lý, gây ảnh hưởng đến quyền lợi giáo viên”, cô Tuy bức xúc.
Tiếp tục… chờ hướng dẫn
Ngày 21-4-2025, UBND huyện Tây Hòa có văn bản gửi đến các cô giáo mầm non về hưu, thông tin huyện đã có công văn gửi UBND tỉnh Phú Yên xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn đối với trường hợp giáo viên mầm non trên địa bàn huyện có đóng truy thu bảo hiểm xã hội bắt buộc thì có được truy lĩnh mức phụ cấp thâm niên nghề giáo hay không.
Văn bản của huyện nêu: “Sau khi có văn bản hướng dẫn, huyện sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn các giáo viên thực hiện theo trình tự, thủ tục”.
Tìm hiểu, phóng viên được biết theo văn bản UBND huyện Tây Hòa gửi UBND tỉnh Phú Yên để xin ý kiến về khiếu nại của các cô giáo mầm non về hưu, thì năm 2019, UBND tỉnh Phú Yên thống nhất việc truy thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với giáo viên mầm non ngoài công lập và cán bộ xã là bệnh binh các hạng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh không có ý kiến chỉ đạo về việc truy lĩnh mức phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Thực hiện chỉ đạo đó của UBND tỉnh, UBND huyện Tây Hòa đã triển khai, thực hiện việc truy thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với 69 trường hợp giáo viên mầm non công lập trên địa bàn huyện với thời gian 5 năm (từ tháng 1-1995 đến tháng 8-2000), đúng theo tỉ lệ % quy định tại công văn số 835/BHXH-BT ngày 20-3-2019 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Năm 2012, 69 trường hợp trên có quyết định hưởng phụ cấp thâm niên theo nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.
Trong đó, có 52 trường hợp nghỉ hưu trước ngày 1-8-2021 (là ngày nghị định 77/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực).
Trong khi đó, nghị định 77/2021/NĐ-CP quy định: “Giải quyết truy lĩnh và thực hiện chi trả tiền phụ cấp thâm niên nhà giáo cho các đối tượng hưởng kể từ ngày 1-7-2020”.
Do đó, ngày 18-4, UBND huyện Tây Hòa xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên về giải quyết khiếu nại của các cô giáo mầm non nghỉ hưu trước ngày 1-8-2021 nhưng đã được truy thu 5 năm bảo hiểm xã hội nhiều năm trước có được điều chỉnh phụ cấp thâm niên nhà giáo hay không.
Sau đó, ngày 23-4, UBND tỉnh Phú Yên đã có công văn yêu cầu UBND huyện Tây Hòa làm việc với Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan để thực hiện, hướng dẫn theo đúng quy định. Đến nay, vụ việc này vẫn chưa có kết quả giải quyết.
Để tìm hiểu rõ hơn về hướng giải quyết, ngày 6-5, Tuổi Trẻ Online liên hệ ông Lương Thái Nguyên – trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Hòa. Ông Nguyên cho hay phòng không có thẩm quyền giải quyết về việc điều chỉnh phụ cấp thâm niên nhà giáo, vì một số điểm trong quy định chưa rõ ràng nên huyện phải xin ý kiến hướng dẫn của cấp trên.
Cùng thời điểm, đại diện Phòng Nội vụ huyện Tây Hòa thông tin vẫn đang đợi hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.