Nhiều lãnh đạo địa phương vắng họp Quốc hội vì phải tính chuyện sáp nhập

Nhiều lãnh đạo địa phương vắng họp Quốc hội vì phải tính chuyện sáp nhập

bởi

trong

Lộ trình và quyết tâm trong triển khai tổ chức, tinh gọn bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính là nội dung nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận tại tổ sáng 23/5 về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, năm 2024, sau hơn 10 năm, chúng ta đạt cả 15/15 chỉ tiêu kinh tế – xã hội, tăng trưởng 7,09% là mức khá cao trong khu vực và thế giới.

Về kết quả kinh tế – xã hội 4 tháng đầu năm 2025, Chủ tịch Quốc hội cho biết tình hình thế giới khó khăn.

Nhiều lãnh đạo địa phương vắng họp Quốc hội vì phải tính chuyện sáp nhập

Trong khi đó, cả nước đang quyết liệt sắp xếp tổ chức bộ máy từ Trung ương xuống địa phương, đặc biệt là việc sắp xếp đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp.

Việc sửa Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và nhiều dự án luật tại kỳ họp lần này đều nhằm phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính, theo lời Chủ tịch Quốc hội.

“Hiện nay, nhiều lãnh đạo địa phương vắng họp Quốc hội vì phải về địa phương họp thường vụ tính chuyện sáp nhập tỉnh, sáp nhập xã”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông cho biết giữa tháng 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, còn đề án sáp nhập cấp tỉnh sẽ được thông qua tại đợt 2 của kỳ họp, ngay sau khi việc sửa đổi Hiến pháp được thông qua.

“Tất cả bộ máy đang chờ đợi Hiến pháp thông qua và sau đó sẽ thông qua đề án sáp nhập các tỉnh, thành vào ngày 24/6. Sẽ có thời gian chuyển tiếp là 1,5 tháng để 15/8, các địa phương sắp xếp tổ chức bộ máy xong, đi vào hoạt động”, ông Mẫn thông tin.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhìn nhận việc sáp nhập tỉnh được xem là động lực quan trọng nhất, tạo không gian phát triển mới.

Ví dụ, khi TPHCM sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ có sự hỗ trợ, tương hỗ, cộng hưởng để thúc đẩy tăng trưởng mạnh cho các địa phương.

Nhiều lãnh đạo địa phương vắng họp Quốc hội vì phải tính chuyện sáp nhập - 2

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Ảnh: Hồng Phong).

Cùng đoàn TPHCM, đại biểu Đỗ Đức Hiển nhấn mạnh ngoài sắp xếp bộ máy, phân cấp phân quyền, việc cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp là nội dung rất quan trọng.

Ông nhắc lại yêu cầu của Chính phủ về rà soát, điều chỉnh quy định để cấp chính quyền gần dân được phân cấp nhiều hơn, giải quyết công việc thuận lợi.

Đánh giá cao chủ trương này và mong Chính phủ sớm ban hành các nghị định hướng dẫn, song vị đại biểu thẳng thắn nhìn nhận việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh còn nhiều bất cập.

Ủng hộ cần sớm giải quyết chính sách cho những người bị mất việc trong đợt sắp xếp này, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho biết Quốc hội đã thông qua ngân sách 44.000 tỷ đồng cho việc này nên Chính phủ cần sớm triển khai.

“Với những người đã 40-50 tuổi, qua giai đoạn tuổi trẻ, rất cần động viên, bảo đảm chính sách cho họ, bởi ở khía cạnh nào đó, họ là những người hy sinh cho cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn này”, ông Mai nhấn mạnh.