Nhiều nạn nhân sập bẫy ‘bắt cóc online’

Nhiều nạn nhân sập bẫy ‘bắt cóc online’

bởi

trong
Nhiều nạn nhân sập bẫy ‘bắt cóc online’

Nạn nhân bị “bắt cóc online” và mẹ tại cơ quan công an – Ảnh: M.D.

Trưa 25-7, trong cơn hoảng loạn, bà T. tìm đến Công an phường Hòa Hưng (TP.HCM) trình báo về việc con gái bà là em Q. (18 tuổi, sinh viên) nghi bị bắt cóc, khống chế.

Nạn nhân trải qua những gì?

Được cán bộ trực ban trấn an, bà T. kể bà và con gái là Q. từ Khánh Hòa đến TP.HCM để thi ngoại ngữ. 

Vào sáng cùng ngày, Q. bất ngờ bỏ đi đâu không rõ. Khi bà T. liên lạc qua điện thoại thì Q. cho biết “đi giải quyết việc học tập” rồi sau đó mất liên lạc. Không lâu sau đó, bà T. nhận được điện thoại từ người lạ thông báo rằng con bà đã bị bắt cóc, chuẩn bị đưa qua Campuchia nên yêu cầu bà T. chuyển tiền chuộc. Tá hỏa, bà T. chuyển vào tài khoản của Q. số tiền 10 triệu đồng.

Tiếp đó, bà T. tiếp tục nhận được điện thoại từ nhiều người lạ, đề nghị chuyển thêm tiền để chuộc con. Quá lo sợ cho sự an toàn của con, bà T. đến cơ quan công an nhờ giúp đỡ. Tiếp nhận thông tin trên, Công an phường Hòa Hưng phối hợp tổ địa bàn Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM (PC02) tiến hành các biện pháp nghiệp vụ và tìm được em Q. đang ở một mình trong một khách sạn. Trước khi được giải cứu, Q. bị khống chế, đe dọa và chuyển toàn bộ 10 triệu đồng nhận từ mẹ sang số tài khoản của một công ty theo chỉ định.

Hai ngày sau khi được cơ quan công an giải cứu khỏi bẫy lừa (27-7), em Q. vẫn chưa hết hoảng loạn. Q. cho biết vào hôm xảy ra sự việc, em nhận được điện thoại từ một người xưng là cảnh sát ở Khánh Hòa và thông báo Q. liên quan đến một vụ rửa tiền do bị lộ thông tin cá nhân. 

Người gọi yêu cầu Q. tìm một khách sạn và đến đó thuê phòng ở một mình để giữ an toàn khi “hỗ trợ điều tra”. “Chú đó nói để chứng minh trong sạch thì cần phải có khoảng 150 triệu đồng trong tài khoản để đảm bảo rằng khi em gặp khó khăn thì gia đình không phải đi vay nợ. 

Chú đó gửi một tin nhắn kêu em gửi cho mẹ, nội dung kêu mẹ chuyển tiền vào tài khoản em để chứng minh tài chính du học. Người này cũng hướng dẫn em nói với mẹ là đang ở trường đại học làm hồ sơ đi du học”, Q. nhớ lại.

Cũng theo Q., khi thấy mẹ em nghi ngờ, những người gọi điện yêu cầu em tắt điện thoại, định vị. Đến khoảng 15h thì chúng chuyển tiền cho em trả tiền khách sạn và yêu cầu đến một khách sạn khác để “chờ xác minh”. “Tại khách sạn này thì mấy chú yêu cầu em cởi áo để kiểm tra thân thể, có vẻ như bị quay lại và gửi cho mẹ để uy hiếp”, Q. nói. 

Trước câu hỏi vì sao không hoài nghi gì về cuộc gọi của người lạ thì Q. trả lời: “Lúc đó em nghĩ bị lộ thông tin thật, nghĩ liên quan đến đường dây rửa tiền thật nên em sợ quá và chỉ biết làm theo, mấy chú dặn không được gọi cho ai nên em cũng không dám gọi mẹ”. Q. thừa nhận vẫn thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook, TikTok… nhưng chủ yếu để giải trí chứ hiếm khi xem các kênh báo, đài và Q. hoàn toàn không biết gì về “bắt cóc online”.

Trước đó đúng một ngày, Công an phường Diên Hồng và PC02 cũng đã giải cứu một nam sinh viên 19 tuổi bị “bắt cóc online” với cùng phương thức, thủ đoạn hệt như trên.

Trung bình mỗi tháng có 4 – 5 nạn nhân ‘bắt cóc online’

Theo PC02, từ tháng 3-2025 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 18 vụ lừa đảo thông qua hình thức “bắt cóc online”, với tổng số tiền mà các nạn nhân bị chiếm đoạt khoảng 3,5 tỉ đồng.

Thiếu tá Châu Thị Kim Ngọc – phó đội trưởng Đội phòng ngừa, điều tra tội phạm xâm phạm sở hữu (PC02) – phân tích loại tội phạm này nhắm vào các nạn nhân là học sinh, sinh viên, những người trẻ nhẹ dạ cả tin.

Ban đầu kẻ xấu sử dụng số điện thoại lạ để lôi kéo, dẫn dụ học sinh, sinh viên, giới thiệu chương trình học bổng hoặc du học nước ngoài, yêu cầu người nhà chuyển tiền để “chứng minh tài chính”. Đồng thời, chúng yêu cầu nạn nhân giữ bí mật, không tiết lộ nội dung trao đổi. Sau khi người nhà đã chuyển tiền “chứng minh tài chính” thì chúng dẫn dụ nạn nhân đi thuê và ở tại khách sạn cách xa nhà, tuyệt đối không cho ai biết.

Tiếp đó, chúng cho biết thông tin cá nhân của nạn nhân đã bị các đối tượng trong đường dây rửa tiền, ma túy… sử dụng để mở tài khoản ngân hàng. Và rồi sẽ có những người khác trong trang phục ngành công an, viện kiểm sát gọi video call đe dọa, yêu cầu nạn nhân gọi cho người thân để chuyển thêm tiền.

“Nếu người nhà nạn nhân không chuyển tiền thì các đối tượng chiếm quyền truy cập Zalo, Messenger của nạn nhân để gọi cho người nhà nạn nhân và thông báo người này đã bị bắt cóc, yêu cầu chuyển tiền chuộc, nếu không sẽ bị bán qua Campuchia. 

Nếu vẫn không nhận được tiền, các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân di chuyển đến các các khách sạn gần biên giới Campuchia, rồi gửi định vị về cho gia đình, gây áp lực để yêu cầu gia đình chuyển tiền chuộc. 

Một số trường hợp, kẻ xấu còn dụ nạn nhân tự quay video cởi quần áo gửi cho chúng. Sau đó, chúng dựng lại clip, chèn thêm tiếng la hét, tiếng roi điện để tạo cảm giác như nạn nhân bị bắt cóc, tra tấn thật, rồi gửi video về cho gia đình nhằm gây áp lực đòi tiền chuộc”, thiếu tá Ngọc nói.

Cũng theo thiếu tá Châu Thị Kim Ngọc, khi cảnh sát tìm được nạn nhân thì những người này chỉ ở một mình tại khách sạn. Qua khai thác, một số nạn nhân khi bị cô lập tại khách sạn thì kẻ lừa đảo liên tục yêu cầu nạn nhân vay mượn trên các ứng dụng tín dụng đen để mượn tiền rồi chuyển cho chúng.

Tuyệt đối không làm việc qua điện thoại

Qua những vụ “bắt cóc online”, trung tá Đinh Đức Thắng – đội trưởng Đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm (PC02) Công an TP.HCM – khuyến cáo người dân, nhất là học sinh, sinh viên, tuyệt đối không làm việc qua điện thoại với những người tự xưng là công an hoặc viện kiểm sát.

“Về nguyên tắc, công an, viện kiểm sát cũng không làm việc qua điện thoại. Khi có việc cần sẽ gửi giấy mời và làm việc vào giờ hành chính, không làm việc vào ban đêm.

Khi nhận được những cuộc gọi tự xưng cơ quan nhà nước đề nghị làm việc thì hãy bình tĩnh, không nên lo lắng mà nên nhanh chóng liên lạc với gia đình nhờ giúp đỡ hoặc liên hệ với cơ quan công an gần nhất nhờ xác minh, hỗ trợ”, trung tá Thắng khuyến cáo.